"Méo mặt" tìm giáo viên
Thời gian qua nhiều địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, chia sẻ liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, dẫn thực trạng tại địa phương: Trong năm học 2022-2023, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Với tình trạng này, việc triển khai và bảo đảm chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tại Bình Dương, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, đã có 527 giáo viên nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, thông tin năm học 2022-2023 đưa vào sử dụng thêm 11 trường, trong đó một THCS và 10 mầm non ngoài công lập. Số học sinh dự kiến tăng 29.000, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Để theo kịp mức tăng của sĩ số học sinh, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên, trong đó tiểu học cần 1.200 người, THCS 1.300, THPT 118 và mầm non 465 người.
Quảng Trị rơi vào tình cảnh thiếu giáo viên đã nhiều năm, đặc biệt tại huyện miền núi Hướng Hóa, khi một số trường tiểu học thiếu giáo viên khiến học sinh khối lớp 3, lớp 4 không được học môn tiếng Anh.
Ông Hoàng Văn Sơ, Phó trưởng phòng GD&ĐT H.Hướng Hóa, cho biết địa phương còn thiếu hơn 150 giáo viên, trong đó một số trường thiếu cục bộ và Phòng GD&ĐT đang rà soát lại đội ngũ để điều chỉnh, đồng thời đề xuất cấp trên bổ sung số lượng còn thiếu.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này, Quảng Trị đang thiếu 513 giáo viên ở tất cả các cấp học. Trong đó, bậc tiểu học thiếu nhiều nhất, đặc biệt với 2 môn tin học và tiếng Anh. Năm học trước, có 44 trường (trong tổng số 149 trường học trên địa bàn) không có giáo viên tin học và nhiều trường chưa đủ giáo viên dạy môn tiếng Anh. Cá biệt, có 7 trường học cấp tiểu học chưa có giáo viên dạy môn tiếng Anh, trong đó ở H.Vĩnh Linh có 3 trường, ở H.Hướng Hóa có 4 trường. Bước sang năm học mới 2022-2023, khi 2 môn tin học và tiếng Anh từ môn tự chọn thành môn bắt buộc, việc thiếu giáo viên càng khiến ngành giáo dục thêm lo.
Tại Thanh Hóa thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỉ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT. Còn tại Cà Mau, năm học 2022 - 2023 khi tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, tỉnh thiếu khoảng 100 giáo viên dạy tin học nhưng lại không thể tuyển vì không có biên chế. Trước mắt, tỉnh phải liên kết với các trường dạy nghề để hợp đồng có thời hạn giáo viên dạy bộ môn này.
Trước thực trạng thiếu giáo viên hằng năm, UBND Tp.Biên Hòa đều tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục theo nhu cầu thực tế của Phòng GD&ĐT. Tuy nhiên, một số bộ môn dự tuyển có số lượng đăng ký ít so với nhu cầu tuyển dụng như: Giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn địa, tin học, sinh, sử, nhạc, mỹ thuật…
Năm học 2022-2023, Tp.Biên Hòa có 223 trường học với hơn 242,5 ngàn học sinh (tăng hơn 10,9 ngàn học sinh so với năm học trước). Trong đó có 130 trường mầm non, 57 trường tiểu học, 35 trường THCS, 1 trường TH-THCS. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 426 nhóm trẻ tư thục, 8 trường liên cấp do Sở GD-ĐT quản lý…
Tỷ lệ học sinh trên giáo viên
Tại Thông tư 28 năm 2020 về Điều lệ trường tiểu học, Bộ GD&ĐT quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Do đặc thù dạy theo từng môn và tiết học, Bộ không đặt định mức số học sinh trên một giáo viên với THCS và THPT, nhưng một lớp cũng không quá 45 học sinh.
Dù tỷ lệ học sinh trên giáo viên (theo lý thuyết) chưa vượt khung của Bộ, việc một giáo viên phải phụ trách số học sinh ngày càng nhiều đặt ra vấn đề về việc đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là tại các đô thị lớn khi học sinh đông và tăng nhanh, nhiều lớp lên tới 50-60 học sinh.
Trước đó, trong báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 mới đây, Bộ GD&ĐT thừa nhận tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đáng chú ý là thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học (ở cấp tiểu học) và thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (bậc THPT). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn. Một số nơi còn phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên làm việc kiêm nhiệm công tác phòng dịch dẫn tới lao động giáo viên chịu nhiều áp lực.
Theo TS Vũ Minh Đức, do năm học mới đã cận kề, để bảo đảm đủ giáo viên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định 72-QĐ/TW, bổ sung cho năm học 2022-2023.
Việc tuyển dụng, sử dụng biên chế giáo viên cần thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho cơ sở giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.
Cùng với việc tuyển dụng, sử dụng biên chế giáo viên, các địa phương cần chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Các tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đồng bộ với giải pháp khác.
TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (GD&ĐT), cho biết tại Quyết định 72 của Bộ Chính trị, ngành giáo dục các địa phương được giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Riêng năm học 2022 - 2023 được giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Lương "quá thấp"
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập trung bình tháng của những người làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Nhóm này đã gồm cả các cán bộ và giảng viên đại học, nên mức trung bình này cao hơn thu nhập thực tế của giáo viên phổ thông, mầm non.
Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đánh giá công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, chiến lược "chưa chuẩn chỉ", dẫn tới việc đào tạo giáo viên chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non các tỉnh vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 giáo viên ở từng cấp học.
"Chúng ta vừa thiếu, vừa thừa, cung chưa phù hợp với cầu. Vì vậy, công tác dự báo phải chuẩn, đào tạo phải hướng tới nhu cầu thực tiễn mới giảm thiểu được tình trạng này", bà Hà nói.
Theo các nhà giáo dục, lương "quá thấp" là một trong những yếu tố lớn làm ngành giáo dục khó tuyển người, cũng là lý do chính khiến giáo viên bỏ việc.
Ngày khai giảng năm học (5/9) năm 2019, cô Bùi Thị Nhàn, giáo viên trường Tiểu học Hoằng Thái (Thanh Hóa) gửi đơn xin nghỉ việc. Cô Nhàn công tác trong ngành giáo dục 12 năm nhưng đồng lương không đảm bảo cuộc sống, khiến cô phải tìm việc làm thêm. "Công việc đó đã giúp kinh tế gia đình tôi ổn định và phát triển tốt, nhưng lại chiếm khá nhiều thời gian và cùng lúc tôi không thể làm tốt cả hai công việc", cô Nhàn viết trong đơn.
Hay cô Lê Thị Liễu, một giáo viên từng dạy Địa lý tại một THPT ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đến quyết định cuối cùng là nghỉ việc sau 20 năm giảng dạy. Nguyên do là chuyện mà ai cũng biết: Lương quá thấp.
Câu chuyện của cô Nhàn, cô Liễu không phải hiếm gặp trong ngành giáo dục.
Trúc Chi (t/h theo Thanh Niên, Vnexpress, Người Lao Động)