Trong ngày 14/11, PV truy cập vào website http://vetau.com.vn để thử đặt mua vé tàu Tết. Tuy nhiên, chặng mà PV hỏi mua hiện không còn vé. Điển hình, PV đặt chặng đi từ Sài Gòn ga đến là Hà Nội vào ngày 11/2/2018 (tức 26 Tết), cũng được các nhân viên cho biết không còn chỗ trống nào.
Tuy nhiên, khi PV truy cập vào trang https://www.vietnamtrainxxx.com lại được nhân viên trực điện thoại cho biết: “Anh đợi để em kiểm tra trên hệ thống nhé, xem còn book được vé hay không”.
Trong lúc chờ đợi, PV hỏi đây có phải là website của ngành đường sắt không, người này có vẻ ấp úng sau đó trả lời: “Đây chỉ là đại lý”. Như có vẻ nghi ngờ sau câu hỏi trên, cô này liền tiếp lời: “Hiện nay, vẫn còn vé nhưng do bên đường sắt không cho đại lý bán nên có gì sẽ gọi lại cho anh sau”.
Thực tế, các trang này đang bán vé tàu với giá "cắt cổ". Điển hình, PV truy cập vào web ngành đường sắt tham khảo giá vé ngày 14/11, từ Sài Gòn đi Bình Thuận giá chỉ có 117.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa.
Tuy nhiên, giá mà https://vietnam-railxxx.com đang bán cho chặng trên là 23 USD/vé (gần 500.000 đồng/vé). Cũng tại web ngành đường sắt, PV đặt vé ở ga Sài Gòn đi Đà Nẵng chỉ 521.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa nhưng trang trên lại bán với giá 68 USD/vé (khoảng 1,5 triệu đồng).
Một trang khác là https://www.vietnamrailxxx.net cũng bán chặng Sài Gòn – Đà Nẵng với giá dao động từ 47 USD - 70 USD. Trong khi ngành đường sắt chỉ bán trong khung giá từ 315.000 đồng – 521.000 đồng/vé.
Trang http://cheapvietnamxxx.com cũng đang bán vé đắt đỏ kiểu “cắt cổ”. Điển hình chặng Sài Gòn – Đà Nẵng, ngành đường sắt đang bán với giá 175.000 đồng – 279.000 đồng thì trang này lại bán với giá từ 31 USD – 41 USD (650.000 đồng – 850.000 đồng/vé).
Không chỉ vé tàu, hiện nay, vé máy bay cũng đang được các đối tượng tìm cách giăng bẫy người tiêu dùng. Qua quá trình tìm hiểu, PV đã biết được một số trang đang hoạt động kiểu này.
Theo đó, các trang: http://vietnamairxxx.travel, http://www.vietnam-airxxx.org, http://www.vietnamairxxx.com... đều là các website giả mạo bán vé máy bay của các hãng hàng không.
Trên các trang này, khi người dùng truy cập cũng được hướng dẫn đặt vé máy bay như các trang chính thức của hãng đang tồn tại trên internet. Điều đáng nói, các trang này cũng được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh).
Về giá cả, các trang này bán cao hơn rất nhiều, chênh lệch từ 15 – 30%, thậm chí có trang còn “ăn” tới 50% so với giá vé mà các hãng chính thức đang chào bán.
Đều là giả mạo Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Những trang website nói trên bán vé tàu đều là giả mạo. Những trang này có tên miền khá giống với trang website chính thức của ngành đường sắt nhưng về giá cả, họ bán cao gấp 4-5 lần so với giá bán của ngành đường sắt đưa ra. Các webiste này đang gây ra hiểu nhầm cho hành khách, đặc biệt là hành khách người nước ngoài. Đồng thời, khi khách hàng mua vé tàu thông qua các trang này sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi họ bán với giá vé cao”. |