Trong khi nhập khẩu của EU từ Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý II/2024, vẫn có dấu hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt mà Brussels áp đặt lên Moscow đang bị né tránh thông qua hoạt động thương mại với các nước thứ 3.
Dữ liệu do cơ quan thống kê chính thức của EU là Eurostat công bố hôm 28/8 cho thấy nhập khẩu vào khối từ nước láng giềng phía Đông đã giảm 16% trong giai đoạn từ quý I đến quý II năm nay.
Trong tháng 6, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu đã giảm xuống còn 2,47 tỷ Euro – mức thấp nhất hàng tháng kể từ khi Eurostat bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 1/2002. Tiếp theo là tháng 4 và tháng 5, chứng kiến mức nhập khẩu hàng tháng thấp thứ 2 và thứ 3 được ghi nhận, lần lượt là 2,66 tỷ Euro và 2,89 tỷ Euro.
Xuất khẩu cũng ghi nhận mức giảm mạnh tương tự, giảm 9,5% mỗi quý xuống còn 2,43 tỷ euro vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003 và là mức thấp thứ ba từng được ghi nhận.
Nhập khẩu của EU từ Nga đã giảm mạnh ngay sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022 nhưng đà giảm đã chậm lại kể từ quý II/2023. Xuất khẩu cũng theo xu hướng tương tự, với mức giảm về sau ổn định hơn so với ban đầu.
Ông Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC), nói với Euractiv rằng một lý do có thể dẫn đến tình trạng trên là các vòng trừng phạt gần đây trong số 14 gói trừng phạt của Brussels đối với Moscow đã ít chú trọng hơn vào việc cấm nhập khẩu các mặt hàng cụ thể, chẳng hạn như dầu và than, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào việc thực thi và ngăn chặn các hành vi lách luật.
Ông Alexander Kolyandr, thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPS), cho rằng một lý do tiềm ẩn khác cho tình trạng này là sự ổn định tương đối về giá hàng hóa – đặc biệt là giá năng lượng – kể từ đầu năm 2023.
"Nga đang bán khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nguồn cung là không đổi, nhưng châu Âu cũng không muốn giảm lượng mua bất cứ thứ gì từ Nga – và do đó, kết quả cuối cùng về cơ bản phụ thuộc vào giá thị trường của hàng hóa", ông Kolyandr nói với Euractiv.
Trong khi lượng hàng Nga vào EU giảm, một vấn đề "đau đầu" vẫn tiếp diễn: Các hành vi né trừng phạt thông qua cơ chế thương mại song song. Đây là lý do tại sao hoạt động thương mại giữa các nước châu Âu và các nước ở châu Á, Kavkaz và Trung Đông đã tăng mạnh kể từ tháng 2/2022.
Ông Kolyandr lưu ý rằng, từ năm 2021 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Uzbekistan đã tăng gần gấp đôi từ (2,30 tỷ euro lên 4,35 tỷ euro), doanh số bán hàng hóa sang Armenia tăng gần gấp ba lần (757 triệu euro lên 2,16 tỷ euro) và kim ngạch xuất khẩu sang Kyrgyzstan tăng hơn mười lần (263 triệu euro lên 2,73 tỷ euro).
"Nga có thể đã lách các lệnh trừng phạt bằng cách giao dịch với các nước thứ 3", vị chuyên gia tại CEPS cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nước không thuộc Liên Xô cũ như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể là những tuyến đường chính để né trừng phạt.
Trong khi đó, ông Lausberg cho biết, mặc dù tình trạng né trừng phạt khiến EU đau đầu, thì cách thức để né trừng phạt cũng gây thiệt hại cho Nga khi nước này phải mua các sản phẩm như đồ công nghệ cao và đồ điện tử với giá đắt hơn so với trước đây.
Minh Đức (Theo Euractiv)