Cũng từ ngày có những con gà nhiều cựa này, theo như lời bà Đào đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lạ lùng trong cuộc sống vốn dĩ phẳng lặng của gia đình.
Gà chín cựa trị giá hàng chục triệu đồng?
Cách quốc lộ 7 chừng 3km, chúng tôi không gặp mấy khó khăn để tìm ra nhà bà Đào, người bấy lâu nay bỗng dưng nổi tiếng với đàn gà chín cựa quý hiếm. Đầu đường vào làng Mỏ Than - Khe Bố, một ông chủ hiệu tạp hóa xởi lởi: "Các chú cứ thẳng theo con đường này, đến chợ làng rồi rẽ trái là đến thôi. Nghe đâu đàn gà có giá trị lắm, mấy hôm trước có nhiều đoàn người từ Hà Nội, Bình Dương đánh cả ô tô về tìm mua, có người trả giá cả chục triệu bạc cơ đấy".
Dừng chân ở một cái chợ nhỏ, một bà hàng thịt tò mò: "Các chú đi xem gà chín cựa phải không? Tiếng lành đồn xa, mấy hôm nay người ta kéo đến đây nườm nượp ấy chứ, nhưng mà nghe đâu bà Đào đã bán con gà quý nhất, nó là con gà trưởng thành trong đàn đấy. Chúng tôi buôn bán ở đây cũng đã được chứng kiến nhiều người từ Bắc chí Nam đổ về đây trả giá nhưng bà ấy đã bán cho một người dân trong vùng với giá ngót nghét chục triệu đồng"?. Không biết lời kể của bà hàng thịt có thật hay không nhưng chúng tôi nhận thấy rằng câu chuyện về gà chín cựa ở ngôi làng nhỏ này đang có một sức lan truyền và hấp dẫn khủng khiếp.
Mặc dù, con đường nhỏ chỉ đủ chỗ cho một chiếc xe máy đi qua nhưng nó là con đường độc đạo dẫn đến nhà bà Lữ Thị Đào nên đông nghịt khách qua lại. Như đã thành thói quen, gia chủ niềm nở đón khách trong căn nhà ngói khá khang trang. Bà Đào phân trần: "Thực lòng thì gia đình tôi cũng không để ý đến số cựa trên chân đàn gà nhà mình nên không phát hiện ra. Một hôm có bà hàng xóm đến mua con chó con, lúc đó tôi đang cho gà ăn thì bà ta nằng nặc đòi mua cho bằng được con gà trống có nhiều nạng (cựa - tiếng địa phương - PV) với giá 700 ngàn đồng".
Thấy gia chủ băn khoăn với sự quả quyết của mình, bà hàng xóm đành phân trần về những con gà chín cựa chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh và cho rằng gà nhà bà Đào chính là một trong những lễ vật thách cưới của Vua Hùng khi kén rể cho con gái Mỵ Nương. Ngớ người trước lời giải thích của người hàng xóm, bà Đào liền bắt con gà trống to nhất đàn lên kiểm tra thì y như rằng nó có chín cựa như trong truyền thuyết. Nghĩ đi nghĩ lại, bà Đào quyết định không bán con gà quý cho người hàng xóm mà để lại để gây giống cho cả làng.
Quan sát đàn gà của nhà bà Đào, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều con gà mang nhiều cựa, con nhiều nhất thì có chín cựa, những con còn lại chí ít cũng có từ năm đến bảy cái. Chúng đa phần là những chú gà trống to khỏe, mào to, lông đuôi dài, trông dáng vẻ rất dữ tợn, oai phong. Đàn gà của bà Đào ngày nào cũng được thả vào rừng từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà nên nhiều con đã bị cánh thợ săn bắt mất. Tuy nhiên, chúng lại sinh sôi nảy nở rất nhanh và sức đề kháng tốt nên hiếm khi bị dịch bệnh. Đặc biệt, giống gà này thịt rất chắc, dai và thơm ngon lạ thường.
Bà Đào đang khoe chú gà trống chín cựa của gia đình.
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Theo bà Đào thì loài gà này xuất hiện ở nhà bà cách đây khoảng chừng ba năm. Ban đầu bà cũng không để ý tới việc gà của mình có nhiều cựa hơn gà bình thường, thậm chí còn nghĩ rằng nó bị tật. Chỉ khi người hàng xóm tình cờ thấy và cho rằng đây là loài gà chín cựa thì đàn gà của bà mới bắt đầu nổi tiếng. Từ đó bà Đào đã nhớ lại những chuyện lạ lùng đến với gia đình mình từ khi gà chín cựa xuất hiện.
"Tết năm 2007, bỗng nhiên xuất hiện ba con chó vàng, hai cái một đực không biết từ đâu đến chui vào trong bếp lò. Mặc dù trong nhà tôi lúc đó cũng đang nuôi nhiều chó, ba con chó lạ kia cứ đi ra là bị chó nhà cắn nhưng không hiểu vì sao chúng vẫn quyết tâm bám trụ cùng gia đình đến hôm nay. Điều đặc biệt là chúng rất khôn và hiền lành, hai con chó cái đẻ liên tục, một lứa từ năm - bảy con. Tôi vốn đi theo đạo Phật, không tin nhiều vào tâm linh nhưng thấy sự lạ nên có đi hỏi một vài ông thầy thì người ta cho biết là nhà tôi có phước nên mới nuôi được gà chín cựa (!?).
Loài gà này xuất hiện sẽ đem lại nhiều điềm may mắn, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi", bà Đào chia sẻ. Ngoài việc chăn nuôi gà ngày càng phát triển thì nhà bà Đào còn nuôi bò. Đàn bò của gia đình bà có khi lên đến 13 - 14 con, tất cả đều thả rông ngoài rừng nhưng chưa bao giờ mất một con. Bà cũng lấy làm lạ: "Bò của người dân trong làng thả rông bị mất cắp liên tục. Ngay cả nhà anh Hiếu Dũng vốn nổi tiếng là hùng hổ nhất vùng cũng thường xuyên bị mất trộm bò vậy mà nhà tôi vẫn nguyên vẹn"?. Cũng từ ngày có đàn gà nhiều cựa xuất hiện, công việc làm ăn của con cái bà cũng trở nên thuận lợi. Đặc biệt, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bà ngày càng được cải thiện, ốm đau bệnh tật thuyên giảm đi nhiều. Rất tiếc đây mới là lời kể của bà Đào, thông tin chưa được ai kiểm chứng rõ ràng thực hư.
Bắt một chú gà trống đưa cho người khách lạ xem, bà Đào hồ hởi: "Không biết từ đâu mà nhà tôi có đàn gà nhiều cựa như thế này. Trong bản, không có nhà nào có nữa đâu. Người ta bảo đó là giống gà chín cựa chứ thật tình tôi cũng không rõ lắm. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện ra gà nhà mình có chín cựa thì ngày hôm sau, chú gà trống to nhất, đẹp nhất, trưởng thành nhất đã không thấy về nữa", bà Đào tiếc rẻ. Bây giờ, hàng đêm bà đành phải ngủ ngoài sân để trông coi đàn gà của mình, tránh bị kẻ gian vào bắt mất.
Từ ngày con gà chín cựa bị mất đi, nhiều người tìm đến đây để hỏi mua đàn gà con của gia đình bà Đào với hy vọng có được một con gà trong truyền thuyết. "Mấy hôm trước, ông chủ tịch huyện có tìm xuống đây để xem con gà lạ và động viên tôi cố gắng nhân giống cho huyện nhà nhưng tiếc là con gà giống đẹp nhất đã bị mất rồi", gia chủ tâm sự.
Đã có mô hình nuôi gà chín cựa Nhằm bảo tồn loài gà nhiều cựa quý hiếm, tổ chức DANIDA (Đan Mạch) đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà chín cựa ở xóm Dù và xóm Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Dự án triển khai từ năm 2008 với ba mô hình được thực hiện ở hai gia đình xóm Dù và một gia đình ở xóm Cỏi. Tham gia dự án, mỗi gia đình được hỗ trợ làm chuồng hợp vệ sinh và năm triệu đồng mua giống, thức ăn, thuốc thú y. Gà trống trưởng thành có trọng lượng gần 2kg, gà mái khoảng 1,5kg. Phát triển gà nhiều cựa ở vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện nay chủ yếu vẫn do người dân trong vùng tự nuôi. Đây là tín hiệu đáng mừng vì địa phương đã bảo tồn được loài gà quý hiếm. |
Hồ Ngọc