Từ xa xưa, làng Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đã nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng quất cảnh, cung cấp những chậu quất bonsai độc đáo phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân Thủ đô và các vùng lân cận.
Vào thời điểm này hàng năm, đến với làng quất Tứ Liên sẽ thấy không khí tất bật, nhộn nhịp của các nhà vườn đang chăm chút cắt tỉa, tạo thế cho từng chum, chậu quất cảnh để sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Khắp Tứ Liên, những vườn quất chết khô bên phía ngoài đê tạo nên khung cảnh hoang sơ, tiêu điều.
Nhưng năm nay, làng quất Tứ Liên trong cảnh vắng vẻ, tiêu điều chưa từng thấy do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra. Những mảnh vườn quất chết khô trên chậu, cỏ dại mọc um tùm. Những chiếc bình gốm nằm lăn lóc khắp vườn. Thi thoảng có một vài bóng người lom khom cắt cây, nhổ gốc, dọn dẹp lại vườn để chuẩn bị xuống giống mới.
Những cây quất đã chết, người dân phải cẩn thận nhổ gốc, đào đất cũ ra và dọn dẹp để chuẩn bị vào vụ mới cho Tết năm sau.
Cánh đồng quất trước kia xanh tươi là thế, giờ chỉ còn lại một đống hoang tàn.
Dùng dao chặt từng gốc quất đã chết khô để vào một đống rồi cẩn thận xén từng miếng đất nhỏ trong bình gốm để đưa gốc quất ra ngoài, anh Đăng, chủ một vườn quất tại Tứ Liên cho biết, vườn nhà anh có khoảng 3.000 gốc quất bị chết hết do trận lũ lịch sử hồi tháng 9.
Đất trong chum đã cứng lại như đá, người dân phải khéo léo nhổ gốc và đất để làm sao không bị vỡ chum phía ngoài,
“Mưa lũ mất hết rồi còn gì nữa đâu. Để trồng được cây quất vào trong bình như thế này vất vả lắm mà bây giờ chết khô hết cả, phải thuê người chặt cây, nhổ gốc, móc đất cũ ra, cho đất mới vào rồi mới trồng tiếp được. Nói đến thiệt hại thì không tính được, bao năm làm lụng giờ mất hết, chẳng còn gì”, anh Đăng nói.
Nhiều nhà vườn chưa thuê được người dọn dẹp một phần vì thiếu người, một phần thiếu kinh phí, vẫn để cỏ dại mọc hoang.
Hàng trăm khu ruộng quất chết xơ xác.
Chỉ về phía vườn quất xác xơ với những chiếc bình gốm xanh đỏ còn trơ lại cỏ, chị Trần Thị Quỳnh cho biết, sau trận lũ, khoảng 3.000 gốc quất của gia đình bị thiệt hại, chị đang nhờ đội thợ 8 người ở Hưng Yên về lấy cây và đất ra khỏi bình, dọn dẹp để trồng lại với giá 600 nghìn đồng/ngày.
Cánh đồng mênh mông không còn cây quất nào sống sót sau trận lũ lụt.
Một mảnh vườn sau khi đã được thu dọn sạch sẽ, chuẩn bị trồng quất cho mùa Tết năm sau.
“Nhà tôi trồng quất từ thời ông bà đến giờ mới thấy trận lũ lụt hồi tháng 9 là kinh khủng nhất. Thấy mưa to, nước sông lên, gia đình huy động mọi lực lượng để cứu cây nhưng mới cứu được một phần, tôi vừa đi ra đến hết vườn rồi quay vào thì nước dâng lên tận cổ. Tôi thuê xe và cẩu mang được vài trăm chậu to, có giá trị lên trên đê với giá từ 2-3 triệu đồng/chuyến, tuỳ cây to hay cây bé. Còn khoảng 3.000 chậu thì đành nhìn nước nhấn chìm hết, thiệt hại phải vài tỷ đồng. Thiên tai thì phải chấp nhận chứ làm sao được”, chị Quỳnh nhớ lại.
Một số chậu quất ở cao còn sống nhưng cũng không thể đơm hoa kết trái sau trận lụt kinh hoàng.
Khung cảnh tiêu điều khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Gần 3 tháng nay kể từ trận lụt, ngày nào chị Quỳnh cũng phải thuê thợ lấy cây hỏng ra để mua cây giống tiếp tục trồng. Số quất chạy lũ được lên đê hiện đang được chị Quỳnh thuê xe cẩu để chở lại vườn, cắt tỉa phục vụ bán Tết.
Những chậu quất này được nhà chị Quỳnh "chạy lũ" thành công đang được chở về vườn phục vụ thị trường Tết 2025.
Theo chị Quỳnh, mặc dù thiệt hại nặng nề nhưng gia đình vẫn còn khoảng 2.000 chậu quất lớn nhỏ phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Những cây cổ thụ còn lại trong vườn chị vẫn bán giá như mọi năm, không tăng giá vì tình hình kinh tế khó khăn chung. Hơn nữa, đa số khách tìm đến vườn đều là khách quen từ nhiều năm trước nên giá bán không thay đổi.
Hơn 2.000 chậu quất lớn nhỏ được gia đình chị Quỳnh chuẩn bị bán Tết.
Qua thống kê, phường Tứ Liên có gần 500 hộ trồng quất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua, nước sông Hồng dâng cao từ ngày 10 – 13/9 khiến nhiều vườn quất nằm ngoài đê bị chìm khiến làng nghề quất Tứ Liên mất trắng 22 ha, chiếm 65% tổng diện tích trồng quất của toàn phường.
Đặc biệt, các nhà vườn Xuân Lộc, Dương Gia, Huân bon sai... trồng loại quất nghệ thuật, quất bon sai thì thiệt hại rất lớn, có hộ mất vài tỉ đồng. Hộ thiệt hại ít nhất cũng mất từ 300 - 500 triệu đồng.
Ngoài những gia đình bị thiệt hại bởi bão lũ thì có một số nhà vườn khác ở khu vực cao hơn của làng quất Tứ Liên không bị ảnh hưởng, đang tất bật chăm sóc, vận chuyển cây để sẵn sàng phục vụ cho thị trường Tết 2025.
Hồng Cảnh