Theo số liệu từ chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện tại (11/5), thống kê toàn tỉnh đã có 7.597 ha diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, nặng nề nhất là những diện tích gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8.
Những địa phương trong toàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh đạo ôn cổ bông là các huyện: Cẩm Xuyên với 3.600 ha, Thạch Hà 1.300 ha, Đức Thọ 3.300 ha.
Trước sự việc, nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân lúa bị bệnh là do giống Thiên ưu 8 được triển khai gieo trồng trong vụ mùa đông xuân năm nay.
Liên quan sự việc này, báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tống Phong, Phó chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Phong cho biết, Thiên ưu 8 là loại giống thuần của Công ty CP giống cây trồng Trung ương. Sau khi trồng thử nghiệm, giống lúa này đã được đưa vào gieo cấy khoảng 3 năm trở lại đây. Đặc điểm của giống lúa Thiên ưu 8 là cho năng suất ổn định, gạo dẻo, thơm và đặc biệt là rất ít khi bị bệnh. Bởi vậy, bà con rất tin tưởng khi triển khai gieo trồng nó.
Tuy nhiên, vụ mùa năm nay, không chỉ người dân mà các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp cũng rất bất ngờ trước dịch bệnh đạo ôn cổ bông phát tán nhanh, trên diện rộng và gây thiệt hại nặng nề đến vậy.
Theo ông Phong, nhận định ban đầu, nguyên nhân có thể do giống lúa thoái hóa nhanh. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Đặc biệt, vào giai đoạn trổ bông từ ngày 18/4 đến 29/4, thời tiết thường xuyên có sự thay đổi đột ngột, từ nắng nóng chuyển sang mưa lạnh, độ ẩm không khí cao, đây chính là điều kiện thuận lợi cho nấm đạo ôn phát triển. Tuy nhiên, do không lường trước được diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân đã không có phương án phòng trừ, dẫn đến thiệt hại trên diện rộng.
“Hiện, chúng tôi đã gửi mẫu giống ra viện Bảo vệ thực vật, thuộc viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để tìm nguyên nhân. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ có văn bản kiến nghị UBND tỉnh, chính thức công bố dịch bệnh và xin các chính sách hỗ trợ cho nông dân”, ông Phong nói.
Cũng theo Phó chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, năm 2010, tỉnh nhà cũng phải hứng chịu một đợt dịch là bệnh sâu cuốn lá nhỏ. Tuy nhiên, tại thời điểm đó cũng chỉ có khoảng 3.000 ha diện tích lúa bị thiệt hại. Riêng năm nay, dịch bệnh đạo ôn cổ bông có mức độ thiệt hại nặng nề và trên diện rộng, đây là trường hợp hiếm gặp.
Được biết, Nghị định 02 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ thiệt hại trong nông nghiệp, người dân sẽ được hỗ trợ về tiền hoặc nguồn giống. Tuy nhiên, theo đánh giá của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, số tiền nông dân được hỗ trợ như muối bỏ biển so với thiệt hại. Cụ thể, diện tích lúa mất trên 70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; trên 30 - 70% được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, từ ngân sách dự phòng.
"Để lấy được tiền hỗ trợ phải mất hàng năm trời và người dân cũng phải làm rất nhiều hồ sơ giấy tờ, trong khi số tiền hỗ trợ nhận được lại như muối bỏ biển so với thiệt hại phải gánh chịu", ông Phong trầm ngâm.
Ngân Hà