Khốn khổ vì thiếu nước
Ia Rvê là một xã biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2001, hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh, chủ yếu là từ Thanh Hóa, Bến Tre được đưa lên đây để xây dựng, phát triển vùng kinh tế mới. Ở nơi đây, người dân sống chủ yếu bằng ruộng vườn, nương rẫy nhưng việc sản xuất nông nghiệp chẳng mấy dễ dàng.
Toàn xã có hơn 6.000ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng quanh năm phụ thuộc vào nguồn nước thiên nhiên, chủ yếu mấy tháng mùa mưa.
Trong đó, diện tích trồng cây lâu năm khoảng 1.608 ha (chủ yếu là cây ăn trái như xoài, mít, bưởi, điều...). Diện tích còn lại với 4.548 ha đất trồng cây hàng năm như như lúa, sắn, đậu bắp... Tuy nhiên, vì thiếu hồ, đập thủy lợi để tưới thường xuyên nên đa số diện tích cây trồng bị thiếu nước, hiệu quả kinh tế rất thấp.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, toàn xã có 2 công trình thủy lợi. Trong đó, công trình kênh chính tây thuộc hồ thủy lợi Ea Súp thượng, diện tích tưới khoảng 200ha và công trình hồ đập thôn 10, xã Ia Rvê với diện tích tưới khoảng 100ha.
Tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất do chưa có công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu dẫn đến người dân chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế.
Theo đó, nhân dân chỉ sản xuất, canh tác được 1 vụ vào mùa mưa, còn mùa khô đất đai gần như bỏ hoang. Việc đất đai bị bỏ hoang vào mùa khô kéo dài từ năm 2006 đến nay.
Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều thời điểm, người dân xã Ia Rvê còn khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt.
Theo lãnh đạo UBND xã Ia Rvê, hằng năm vào mùa khô, giếng khoan ở các thôn thường xuyên bị cạn, không đủ nước cho người dân sinh hoạt. Do đó, có năm, địa phương phải đề nghị cấp trên dùng xe chuyên dụng chở nước đến hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tạm thời cho nhân dân.
Đáng nói, việc thiếu nước không chỉ ảnh hưởng, gây khó khăn cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn tác động không nhỏ đến đàn gia súc trên địa bàn. Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp cho hay, vào năm 2015, 2016 là những năm cao điểm của tình trạng hạn hán, đói, thiếu thức ăn.
Thời điểm này, trên địa bàn xã Ia Rvê và xã Ia Lốp, huyện Ea Súp có hàng trăm con trâu, bò chết do không đủ thức ăn, nước uống. Bên cạnh đó, có khoảng gần 5.000ha keo chết hàng loạt.
Vòng xoáy luẩn quẩn?
Tình trạng thiếu nước sản xuất nói trên khiến cho nhiều năm nay người dân xã Ia Rvê sống luẩn quẩn trong khó khăn. Thông tin từ UBND xã Ia Rvê cho biết, hiện nay toàn xã có 2.265 hộ dân, với 6.907 khẩu. Trong đó, có đến 1.526 hộ nghèo, với 5.316 nhân khẩu, chiếm hơn 67% dân số.
“Nếu không có các công trình tưới quy mô lớn để đảm bảo cho việc sản xuất lâu dài thì đời sống người dân vùng biên giới sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp chia sẻ.
Trú tại thôn 7, xã Ia Rvê, ông Trần Văn Quyết cho biết, năm 2002, gia đình ông cùng nhiều người dân trong thôn từ nhiều tỉnh thành trong cả nước lên xã Ia Rvê làm kinh tế mới. Tại đây, người dân chỉ có thể sản xuất, trồng lúa, mì... khi mưa xuống.
Do không có nước sản xuất nên bà con tìm đến khu vực ven suối, sình lầy để trồng cây điều, cây ăn trái. Thế nhưng, do mùa khô kéo dài hơn 6 tháng, không có nước tưới nên các loại cây trồng không phát triển ổn định, năng suất thấp.
Hay đó là gia đình bà Ngô Thị Dung, trú tại thôn 7, xã Ia Rvê đã 20 năm rời quê hương Bến Tre đi làm kinh tế mới, đất đai nhà nước cấp đủ để sản xuất nhưng vì không có nước nên cuộc sống vẫn khó khăn.
Trong 2ha đất được nhà nước cấp, bà Dung trồng điều với diện tích 1ha gần suối và đang chuyển đổi mít, thanh long, chôm chôm. Diện tích đất còn lại, gia đình bà trồng lúa, sắn một vụ vì không có nước. Sản xuất nhờ vào nước trời nên năng suất cây trồng không ổn định, năm thấp năm cao.
“Người dân chúng tôi mong chính quyền, Nhà nước đưa được nguồn nước về xã Ia Rvê để cho bà con sản xuất lúa 2 vụ, nhằm ổn định cuộc sống, khắc phục những khó khăn”, bà Dung chia sẻ.
Tương tự, năm 2002, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Loan, SN 1970, trú tại thôn 7, xã Ia Rvê từ Bến Tre lên xã Ia Rvê theo diện đi kinh tế mới. Ở nơi đây, gia đình bà được cấp 2ha đất để sản xuất. Không có tiền đầu tư, gia đình bà đi lượm hạt điều mang về trồng trên diện tích đất được nhà nước cấp.
Tuy nhiên, do thiếu nước tưới đều đặn cho cây trồng, đặc biệt là vào mùa khô nên mỗi năm gia đình bà chỉ thu được khoảng 200-300 kg điều, bán với giá 20.000 đồng/kg, thu được 6 triệu đồng.
Trong khi đó, tổng đầu tư, chăm sóc lên đến hàng chục triệu đồng. Để trang trải cho những sinh hoạt trong gia đình, vợ chồng bà Loan tranh thủ thời gian đi làm thuê.
“Tình trạng khó khăn dẫn đến các hệ lụy của xã hội như: các chương trình an sinh phải chăm lo nhiều hơn (gạo cứu đói, khám chữa bệnh miễn phí, miễn giảm học phí…), trong khi địa phương không có nguồn thu nào dẫn đến phải phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách phân bổ của cấp trên.
Bên cạnh đó, thực trạng này cũng khiến cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến thiết nông thôn gặp nhiều khó khăn dẫn đến kinh tế xã hội của địa phương chậm phát triển”, ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho hay.
Đứng trước hàng loạt khó khăn như đã nêu trên, ông Lê Văn Hoàng Lâm cho biết, UBND xã đã đề xuất UBND huyện đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh dẫn, kênh tưới và năng lực tưới của công trình thủy lợi hồ Ea Súp thượng, hồ đập thôn 10… nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của nhân dân.
Về lâu dài, để mở rộng vùng sản xuất, không để đồng ruộng và đất nông nghiệp bị bỏ hoang, ổn định nguồn cung lương thực cho nhân dân, UBND xã Ia Rvê đã đề xuất các cấp, ngành nghiên cứu mở rộng vùng tưới của công trình hồ thủy lợi Ia Mơr, dẫn nước về tưới tiêu cho diện tích khoảng 4.000 ha trên địa bàn xã Ia Rvê.
Khánh Ngọc
Xem thêm: Hàng nghìn hộ dân thiếu nước tưới - Bài 1: Hồ thủy lợi gần 3.000 tỷ chờ... "vùng tưới"