Với quy định mới của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hàng nghìn ngư dân tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... có tàu cá đủ điều kiện ra khơi, nhưng vì hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản nên không thể giong thuyền vươn khơi.
Quyết định làm khó ngư dân…
Theo thống kê của chi cục Thủy sản các tỉnh Nam Trung bộ, hiện nay có gần 10.000 tàu cá có chiều dài trên 15 m, công suất 90 CV trở lên. Tại Khánh Hòa, theo thống kê hiện nay có khoảng 9.200 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; trong đó, có khoảng 1.170 chiếc có chiều dài từ 12m đến dưới 15m.
Nhiều năm qua, những tàu cá ở Khánh Hòa đã vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ biển đảo. Tuy nhiên, theo quy định mới của bộ NN&PTNT nói trên, hàng nghìn tàu cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung sẽ không được ra khơi, do tàu cá không đủ điều kiện hoặc đủ điệu kiện nhưng không còn hạn mức.
Ngư dân Huỳnh Phi Hùng, ngụ cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, Khánh Hòa chia sẻ: “Bình thường tàu của tôi vẫn hoạt động tốt trên biển. Nhưng giờ nghe có quy định mới gia đình tôi muốn hoạt động đánh bắt thủy sản thì phải nâng cấp chiều dài thân tàu từ 15m trở lên, công suất tàu phải đạt trên 90 CV, như thế sẽ tốn rất nhiều chi phí. Không chỉ có tôi nhiều ngư dân cũng băn khoăn, sau khi nâng cấp liệu tàu cá của chúng tôi có được cấp giấy phép ra khơi?”.
Cũng theo anh Hùng, hiện nay nếu nâng cấp tàu thì số tiền phải đội lên cả trăm triệu, còn đóng mới tàu thì có khi lên tiền tỷ. Với số vốn đầu tư mới quá lớn, ngư dân buộc phải đi vay ngân hàng. Nếu vay ngân hàng thì phải thế chấp nhà cửa, chịu mức lãi cao. Nâng cấp tàu, đóng tàu mới mà không được ra khơi thì ngư dân đổ nợ.
Cùng chung quan điểm với anh Hùng, một số ngư dân tại tỉnh Ninh Thuận cũng băn khoăn, khi nâng cấp tàu đủ tiêu chuẩn mà không được cấp giấy phép ra khơi thì ngư dân mất nguồn thu nhập từ đánh bắt cá? Bộ NN&PTNT có giải pháp nào kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngư dân gặp khó hay chưa?...Nhiều câu hỏi được nhiều ngư dân đặt ra khi bộ NN&PTNT đưa ra quy định mới đối với các tàu cá.
Các tàu cá sẽ đi đâu về đâu…?
Quyết định phân bổ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các địa phương của bộ NN&PTNN cho thấy tồn tại nhiều bất cập. Theo số liệu mà bộ NN&PTNT phân bổ cho tàu cá được phép khai thác vùng khơi quá ít như: Phú Yên 451 tàu; Khánh Hòa 768 tàu; Ninh Thuận 568 tàu…
Riêng tỉnh Khánh Hòa được bộ NN&PTNT giao hạn mức 768 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi; trong đó có 764 tàu cá hiện có và 4 tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận đóng mới có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.
Trong khi đó, theo số liệu của chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh Khánh Hòa có 1.366 chiếc tàu có chiều dài trên 15m và công suất trên 90 CV. Như vậy, theo quy định mới của bộ NN&PTNT sẽ có 598 chiếc tàu cá ở Khánh Hòa đủ điều kiện nhưng không được cấp phép ra hoạt động đánh bắt cá vùng khơi và những ngư trường truyền thống như: Trường Sa, Hoàng Sa, DK1...
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục Trưởng chi cục Thủy sản cho biết: “Để giải quyết khó khăn trong việc thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi của tàu cá, tạo điều kiện cho ngư dân tham gia khai thác thủy sản tại các ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa, DDK1… chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã báo cáo sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị bộ NN&PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tàu cá của tỉnh”.
Ngoài ra, ông Chánh còn cho biết thêm, nếu được bổ sung, chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động ở vùng khơi.
Những ngư dân bao đời bám biển, sống nhờ biển ở Nam Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, đang rất lo lắng với quy định mới của bộ NN&PTNT về hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Hàng nghìn ngư dân có nguy cơ thất nghiệp nếu không thể ra khơi.