Đen: Thằng con năm nay cuối cấp, đang lo sốt vó vì chẳng biết nó có đậu vào trường nào không hay lại vất vưởng thì khổ.
Đá: Ông lại tính “định hướng tương lai” cho quý tử à?
Đen: Thì mình dân ngồi bệt. Chỉ quen biết làng nhàng vài đồng nghiệp làm báo. Hướng nó vào mấy trường viết lách mà nó chối đây đẩy.
Đá: Chắc thằng con thấy bố nửa cuộc đời miệt mài sự nghiệp mà chẳng nên cơm cháo gì, đúng không?
Đen: Đấy cũng là một lý do. Nó bảo, bố oách thật đấy nhưng mỗi khi cần tiền, con toàn xin mẹ.
Đá: Vợ ông làm nghề gì?
Đen: Kinh doanh qua mạng! Mới nổi nhưng thu nhập cũng tàm tạm.
Đá: Toạc móng heo là ông nghèo chứ gì?
Đen: Chưa hẳn. Vẫn đủ tiền cà phê, lai rai bia cỏ mỗi ngày đấy thôi.
Đá: Bọn trẻ bây giờ tư duy khác mình ngày xưa. Chỉ làm những việc chúng thích. Nhiều lúc nó còn lên lớp cả mình.
Đen: Hôm qua nó lý luận: Cứ ép con học trường con không thích, khác gì bắt con học cho bố.
Đá: Bực mình nhỉ. Quắt ruột lo cho nó mà còn hỗn.
Đen: Ngẫm, tôi cũng thấy con mình có phần đúng. Nhất là khi nó đưa thông tin, hiện đang có hàng nghìn sinh viên bị đuổi học vì nhiều lý do.
Đá: Không được học ngành như mong muốn, sinh viên có tâm lý chán học.
Đen: Tư tưởng kiểu gì chả xong 4 năm khiến ra lò không ít “sản phẩm lỗi”, xã hội lĩnh đủ.
Đá: Người đầu tiên hứng chịu là cha mẹ và chính các sinh viên. Mất thời có, phí thời gian, đổi trường đâu phải dễ.
Đen: Từ chán đến bỏ bê. Kết quả học tập kém, hàng ngàn sinh viên bị buộc phải “ra trường trước thời hạn”.
Đá: Nhiều cháu còn sa vào tệ nạn xã hội, nghiện games, tư duy lệch lạc rằng vào ĐH để chơi.
Đen: Theo tôi, trong chuyện này cũng có lỗi của các trường đại học.
Đá: Lại nói về phương pháp giảng dạy chứ gì? Muôn thuở nhưng có thay đổi được gì đâu.
Đen: Đành kiên nhẫn chờ “đổi mới”, “cải cách” vậy.
Đá: Nhưng chờ đến bao giờ?
Đ.Đ