Người tiêu dùng nếm trái đắng vì hàng nhái
Mặc dù chưa vào chính vụ nhưng tại Hà Nội đã tràn ngập loại đặc sản như mít mật, nhãn lồng, mận, cam, bưởi... Tại các chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) không khó để bắt gặp hàng chục những đại lí, sạp hàng bán hoa quả "đồng loạt" treo biển bán nhãn lồng Hưng Yên, cam Canh, bưởi Diễn...
Về giá cả, một kg cam Canh có giá bán tại vườn đã vào khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg và thuộc vào loại "hàng hiếm" phải đặt trước mới có. Toàn xã Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) hiện chỉ còn khoảng 10ha trồng cam Canh và bưởi Diễn, trong đó cam Canh chỉ còn khoảng 6ha với gần 10 hộ trồng. Nhưng tại các sạp hàng, gánh hàng rong tại Hà Nội, loại cam được quảng cáo là cam Canh chỉ có giá 70.000 - 90.000 đồng/kg?. Theo một số người tiêu dùng, hiện nay trên thị trường ngoài thương hiệu cam Canh thì còn có các loại cam Hưng Yên và đặc biệt là loại cam Trung Quốc có kiểu dáng, màu sắc "giống y hệt" cam Canh "xịn", rất khó phân biệt bằng mắt thường.
Một chủ đầu mối hoa quả tại chợ Long Biên cho biết, trên thị trường hiện nay cũng đang xuất hiện một loại bưởi xuất xứ Bắc Giang, Hưng Yên… có vỏ mỏng, quả nhỏ gần giống bưởi Diễn. Nhưng loại bưởi này không có vị ngọt đậm, tép màu vàng tươi và thơm như bưởi Diễn "xịn".
Gạo tám xoan Hải Hậu, gạo Điện Biên là một trong những nông sản đặc sản mà hiện nay nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Thế nhưng, không ít các bà nội trợ lại gặp phải tình trạng, khi mua các loại gạo đặc sản như Tám Xoan, Điện Biên… hạt gạo có mùi rất thơm nhưng khi về nấu thì không còn giữ được mùi thơm hoặc để cất trong thùng vài ngày thì mùi thơm bị mất dần. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, muốn mua được đúng loại gạo "chính hãng" rất khó. Thậm chí việc mua cùng một loại gạo ở một đại lý nhưng khi về nấu lại có mùi vị khác nhau cũng không phải chuyện lạ, khi mà các chủ cửa hàng lợi dụng lòng tin của khách, pha trộn các loại gạo thường với gạo đặc sản, điều này vô tình làm mất đi thương hiệu gạo Việt Nam và đẩy người tiêu dùng về phía gạo Thái Lan ở các siêu thị.
Đã có bảo hộ, mà bưởi Đoan Hùng nhái vẫn bày bán tràn lan. (Ảnh minh họa)
Gần đây nhất, vụ việc nho xanh ở một siêu thị khiến dư luận xôn xao. Những lý giải quanh co nhập nhèm không đủ sức thuyết phục từ phía siêu thị này lại càng khiến người dân nghi vấn về nguồn gốc của loại nho này. Mới nhất, ngày 2/4, ông Nguyễn Văn Mọi - phó chủ tịch hội Nho Ninh Thuận cũng đã phát biểu với báo giới rằng sản lượng của loại nho này hầu hết được cung cấp cho thị trường phía Nam, do hạn chế về sản lượng nên không thể cung cấp một cách rộng rãi và thường xuyên cho thị trường phía Bắc. Như vậy, những giả thiết khác nhau về nguồn gốc của loại nho này từ những nguồn nổi trôi trên thị trường đã thể hiện sự mập mờ không rõ ràng. Chị Ngọc Lan ở Nam Trung Yên, cho biết: "Nhà chúng tôi thường xuyên mua nho xanh về để tủ lạnh, có khi cả tuần để các cháu ăn. Nhưng sau vụ nho dán cờ Trung Quốc, tôi không dám cho các cháu ăn vì biết đâu nho mình mua không đúng như siêu thị này quảng cáo mà lại là của Trung Quốc thì sao? Bây giờ thật giả nhập nhèm lắm".
Chỉ dẫn địa lí có cũng bằng không
Nhiều làng nghề truyền thống sau khi có sản phẩm được "bảo hộ" về thương hiệu, cấp bằng sáng chế lại không có bất kì hoạt động nào để quảng bá thương hiệu. Giấy tờ chứng nhận "xếp kho" còn tại các cửa hàng trưng bày sản phẩm lại không có bất kì một bản photo nào để chứng tỏ cho khách hàng biết đây là sản phẩm đã có thương hiệu.
Thậm chí ngay trên bao bì của sản phẩm cũng không có đính đúc thương hiệu đã được bảo hộ. Ví dụ như khi khách du lịch đến vùng Mĩ Hào - Hưng Yên muốn mua tương "Bần" nhưng trong số rất nhiều người sản xuất tương Bần sẽ rất khó để biết tương của ai đạt chất lượng nhất và đã được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng kí nhãn hiệu. Nếu người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng do nhiều người lợi dụng danh tiếng của tương Bần mà làm giả sẽ khiến thương hiệu này dần mất uy tín.
Một nhãn hiệu sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lí vẫn đang bị sử dụng trái phép tràn lan như nước mắm Phú Quốc, thậm chí ở Thái Lan cũng sản xuất nước mắm Phú Quốc. Thứ quả đặc sản tiến vua được bày bán ngay trên đất Phú Thọ gọi là "bưởi Đoan Hùng" chưa chắc đã là bưởi "xịn"… Rõ ràng vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lí còn nhiều bất cập. Việc chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ, làm mất giá trị sản phẩm.
Do đó, nếu chỉ đăng kí bảo hộ mà không đưa các đối tượng sở hữu trí tuệ vào thực thi trong cuộc sống, đồng thời không có các biện pháp chống lại các hành vi xâm phạm quyền nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thì việc đăng kí được xem như không có hiệu quả.
Đỗ Huệ