Từ tiếp thị hàng rởm ...
Hằng ngày, địa bàn TP.HCM có trên 100 tuyến xe buýt xuất bến. Sự đắt khách của xe buýt trở thành cơ hội mưu sinh của nhiều gánh hàng rong ngại dịch chuyển. Ghi nhận trên nhiều tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố như Chợ Lớn - bến xe Miền Đông, Chợ Lớn - Suối Tiên, Chợ Lớn - Lê Minh Xuân... cho thấy, thường xuyên có những người bán hàng rong xuất hiện mỗi khi xe đầy khách. Tại các bến, khi xe dừng, đỗ, khách vừa lên xe, các thúng, giỏ thức ăn nhanh, thức uống mang đi, vé số... nhanh chóng bủa vây hành khách.
Ngoài chiêu trò tiếp cận hành khách tại bến, cánh hàng rong còn tranh thủ lên xe mời chào gây nên sự bát nháo. Khi xe chuyển bánh cũng là lúc những người này lui ra cửa, xuống bến, đợi chờ lượt hành khách tiếp theo. Tuy nhiên, sau ít phút xuất bến, khi hành khách đã kín các ghế ngồi, từ một trạm dừng bất kỳ, các giỏ hàng rong lại lên xe tiếp thị sản phẩm. Trên tuyến 54 từ Chợ Lớn đi bến xe Miền Đông, chúng tôi ghi nhận, nhiều đối tượng lợi dụng xe buýt để kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng với những chiêu lừa ngoạn mục.
Anh Lưu Minh Tiến (sinh viên đại học Công nghiệp, ngụ tại Quận 5) cho biết: "Nhiều lần, mình đi tuyến này thấy có các anh lên xe giới thiệu, rao bán các loại trang sức cao cấp bằng bạc, bạch kim, mã não với giá chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Những người này giới thiệu là nhân viên của các công ty vàng bạc đá quý có tiếng, ăn mặc chỉnh tề, lịch sự và có lối tiếp thị khá thu hút. Nhưng tôi nghĩ, những sản phẩm chất lượng không thể có giá thấp như thế. Hơn nữa, bao bì mặt hàng cũng không giống như trong lời giới thiệu mà được làm bằng giấy dởm, mực in cũng không rõ nét, chắc chắn là hàng giả!".
Một phụ nữ bán hàng rong thu tiền từ hành khách sau khi bán xong những món đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc (Ảnh: Nguyễn Sơn)
Hành khách tên Anh Quân (nhân viên văn phòng tại quận Thủ Đức) thường di chuyển trên tuyến 54 chia sẻ: "Mặt hàng được giới thiệu nhiều nhất là dây chuyền bạch kim. Loại này chỉ có 50 ngàn thôi. Họ nói là người nhà công ty nên không phải tính phí gia công, sản xuất nên mới có giá đó". Theo anh Quân, để khẳng định thêm chất lượng, thương hiệu, các tay tiếp thị này bóc lấy từ trong hộp một sợi dây chuyền bất kỳ treo lên tay vịn trên xe buýt và dùng quẹt hơ lửa hoặc chà xát vào thanh sắt chuẩn bị sẵn. Tất cả các thao tác trên diễn ra nhanh chóng trong vòng chưa đầy 5 giây. Nghiên cứu kỹ trên bao bì của mặt hàng, khách hàng không hề có những thông tin cần thiết về món hàng như nơi sản xuất, địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Nếu có cũng chỉ là những địa chỉ ma...
Ngoài trò lừa bán đồ trang sức giả, nhiều hành khách còn gặp những màn kịch hết sức khéo léo của những tên bán dạo đồng hồ đắt tiền. Hành khách có tên Minh Trung, thường xuyên đi tuyến 151 chia sẻ: "Mấy ngày trước, mình có mua một cái đồng hồ hiệu Rolex còn rất mới từ một nam thanh niên bán dạo trên xe. Vốn không tin lắm, nhưng khi anh này nói là vừa mua lại của mấy người chuyên ăn cắp đồ của khách nước ngoài tại Đầm Sen, Suối Tiên, mình đồng ý xem qua. Thấy có nhãn mác, hàng hiệu và còn rất mới nên mình mua với giá hai triệu đồng. Nào ngờ, đeo được một tuần, nó không chạy nữa, đem ra tiệm người ta bảo là đồ giả, linh kiện bên trong đều được làm bằng nhựa dẻo".
Đến lăng mạ, hành hung...
Lực lượng mỏng nên khó xử lý! PV Người Đưa Tin liên lạc qua đường dây nóng của trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM thì nhận được câu trả lời: "Trên mỗi tuyến đường có xe buýt công cộng di chuyển và vận tải hành khách đều có đội quản lý tuyến tham gia kiểm tra, ngăn chặn và lập biên bản khi xe buýt để người bán hàng rong lên xe buôn bán. Tuy nhiên, lực lượng kiểm tra tuyến còn quá mỏng nên việc để xảy ra sai phạm là khó tránh khỏi. Nếu hành khách phát hiện trên xe có bán hàng rong thì hãy gọi đến đường dây nóng của Trung tâm để kịp thời xử lý". |
Sự xuất hiện và rao bán trên xe buýt của những tay bán hàng rong khiến hành khách vô cùng bức xúc. Anh Lưu Minh Tiến bức xúc: "Nếu họ chỉ tiếp thị thôi, mình không mua cũng không sao, nhưng đằng này họ còn chửi mắng, xúc phạm, miệt thị hành khách, thậm chí đòi hành hung cả người mua nữa". Cùng ý kiến trên, anh Nguyễn Thanh Vũ (công tác tại Quân khu 9) chia sẻ: "Tôi thường đến trường bằng xe buýt tuyến 151, cứ mỗi đoạn lại có một người lên xe bán dạo quần áo thanh lý và cho phép khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, khi hành khách không mua, họ lại chửi khách hàng…".
Anh Vũ cho biết thêm: "Cách đây vài hôm, khi đi xe buýt tuyến 151 đến lớp, tôi chứng kiến việc một nam thanh niên lên xe bán quần áo dạo. Người biết thì không ai mua, tuy nhiên có một bà lão chắc từ quê lên nên còn ít nhiều bỡ ngỡ. Thấy đồ rẻ, bà cũng xin lựa nhưng có lẽ phát hiện là đồ si da nên không mua nữa. Lúc này, tay bán hàng bực tức, chửi văng mạng, rồi giật lấy gói đồ từ bà lão với vẻ hung hăng. Sau khi người này xuống xe, tôi hỏi tài xế thì bác tài cho biết, bọn chúng chỉ sợ công an thôi, chứ chúng tôi mà ý kiến là chúng tìm cách gây sự".
Nguy hiểm hơn, những đối tượng trên thậm chí còn hăm dọa, hành hung cả hành khách lẫn tài xế, nhân viên trên xe. Anh Minh Trung khẳng định: "Sau khi biết bị lừa, mấy ngày sau, tôi liên tục đi xe 151 để tìm người bán đòi tiền bồi thường. Tuy nhiên, sau khi gặp và đòi tiền, tôi vô cùng bức xúc vì thái độ ngang nhiên, giang hồ của người này. Anh ta không những không xin lỗi, không bồi thường mà còn lớn tiếng thách thức: "Hàng mua rồi không trả lại, anh xui anh chịu, thích thì cứ kêu công an đi", rồi lợi dụng lúc xe dừng trả khách, anh ta xuống và biến vào dòng người".
Các tài xế trên những tuyến xe buýt khác nhau cũng khẳng định việc nhiều lần chứng kiến cảnh hành khách bị các đối tượng trên hành hung. Thậm chí, nhân viên cũng như tài xế trên xe cũng bị họ hành hung, quấy phá. Một tài xế xe buýt chạy tuyến 151 xin giấu tên cho biết: "Trước đây, chúng tôi cũng không cho người bán hàng rong lên xe buôn bán nhưng chúng lợi dụng lúc xe đón, trả khách để lên xe. Chúng tôi không có cách đối phó. Những người này rất manh động, họ làm ăn theo từng nhóm, chia nhau ra từng khu vực để bán, chúng chỉ sợ công an thôi!".
Thậm chí, khi nhà xe phản đối, chúng liền tìm mọi cách để trả thù như hù dọa hành khách, chọi đá lên kính xe, vứt các đồ bẩn, vật nguy hiểm lên xe. Thậm chí có lần, chúng ném cả kim tiêm còn dính máu lên xe đang đông nghịt khách. Sự xuất hiện ngày càng nhiều cùng những chiêu trò, thái độ theo kiểu giang hồ của chúng không chỉ khiến hành khách bức xúc mà còn ảnh hưởng trực đến chất lượng của loại hình giao thông công cộng...
Nguyễn Sơn - Suối Mai