AFF Cup 2016 đã khép lại với đội tuyển Việt Nam. Thành tích dừng bước tại bán kết không đáp ứng được chỉ tiêu đã đặt ra trước giải. Tuy nhiên, về mặt lối chơi và tinh thần, thầy trò HLV Hữu Thắng phần nào đã cho thấy sự nhuần nhuyễn, tiến bộ.
“Tôn thờ” cách đá thiên về kỹ thuật, chủ trương phối hợp nhỏ, thế nên ĐT Việt Nam thường sở hữu tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội so với đối thủ. Theo thống kê của hãng Opta, có 6 tuyển thủ Việt lọt top 10 cầu thủ chuyền nhiều nhất sau 5 trân đã qua của giải đấu.
Đứng đầu trong danh sách này là Sarach Yooyen (Thái Lan, 343 đường chuyền). Vũ Văn Thanh đứng thứ 2 (311 đường chuyền). Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Xuân Trường lần lượt xếp thứ 4, 5, 6. Công Vinh đứng thứ 8. Thành Lương đứng thứ 9.
Việc Văn Thanh được đánh giá cao không quá bất ngờ. Anh là một trong số những cầu thủ Việt chơi ổn định nhất ở AFF Cup. Tại trận bán kết lượt về với Indonesia trên sân Mỹ Đình, cầu thủ mới 20 tuổi đã ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho đội chủ nhà.
Một thống kê khác đáng chú ý, đó là số cơ hội tạo ra. Rất bất ngờ khi vị trí số 1 thuộc về Công Vinh với 15 lần tạo ra cơ hội. Xếp ngay sau anh là tiền đạo trẻ Aung Thu của Myanmar (12), rồi đến Boaz Solossa (12), Rizki Pora (11). Lương Xuân Trường dù được kỳ vọng lớn những chỉ đứng “áp chót” (9/10) với 7 lần tạo ra cơ hội.
Công Vinh ghi được 2 bàn tại AFF Cup vừa qua. Đây là con số chưa đủ sức thuyết phục những người hâm mộ khó tính. Dẫu vậy, nhìn trên số liệu vừa nêu, CV9 rõ ràng vẫn đặc biệt giá trị, là mũi nhọn nguy hiểm với hàng thủ đối phương.
Trên hạng mục những cầu thủ chịu khó dứt điểm nhất, Công Vinh đứng thứ 4 với 12 lần ra chân. Anh cũng là tuyển thủ Việt duy nhất góp mặt tại phương diện thống kê này.
Phần mình, thua thiệt về số lần tạo ra cơ hội nhưng Xuân Trường là cầu thủ kiến tạo nhiều nhất ở ĐT Việt Nam (2 lần), đứng thứ 2 tại giải tính tới thời điểm kết thúc các lượt trận bán kết, sau Theeraton Bunmathan của Thái Lan và Rizki Pora của Singapore (cùng 3 lần).
Trần Anh
(Theo Goal)