Theo báo Dân trí, trong năm 2016, tỉnh Hậu Giang có 281 cán bộ cơ sở ở các cơ quan xin nghỉ việc với lý do lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Không những thế, tỉnh này còn có 214 đảng viên bị xóa tên. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế khó khăn nên họ phải đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt Đảng trên 3 tháng.
Đính kèm theo thông tin này là những con số chỉ mức thu nhập vô cùng cụ thể. Và đương nhiên, không có bất cứ con số nào lớn hơn 2 triệu đồng. Hầu hết tổng thu nhập trên một tháng của những cán bộ không chuyên trách chỉ dừng lại ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Thậm chí cả những người mang học vị thạc sĩ cũng không ngoại lệ.
Thông tin và những con số nêu trên dường như đã mâu thuẫn gay gắt với báo cáo PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) công bố ngày 4/4 vừa qua. Khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng phải “lót tay” mới có thể xin được việc làm trong cơ quan Nhà nước.
Không chỉ mâu thuẫn, thông tin trên còn là “gáo nước lạnh” dội vào hoài bão làm “cán bộ Nhà nước” của hầu hết các bạn sinh viên, học viên sau khi ra trường.
Sau sự việc này, người ta thương cảm cho cuộc sống “giật gấu vá vai”, người ta lấy sự “nghèo” để cảm thông, thậm chí đồng tình với những hành động “nhũng nhiễu, quan liêu” của nhiều cán bộ.
Gạt “tình” ra một bên, chúng ta cần phải nói đến “lý” và đặt câu hỏi phản biện rằng: Tại sao cùng chức vụ đó, cùng mức phụ cấp đó, những cán bộ cơ sở tại các địa phương khác không xin nghỉ mà những cán bộ cơ sở tại tỉnh này lại tự nguyện “rụng như sung”?
Chắc chắn, với câu hỏi trên thì những nguyên nhân khách quan như mức phụ cấp quá thấp sẽ sớm được loại trừ bởi đó là khung chi trả theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta chỉ có thể xoáy sâu vào nguyên nhân chủ quan trong trường hợp này. Mà nói một cách ngắn gọn đó là do những cán bộ này đã quá… “hết mình” trong công việc.
Bởi những chức danh không (hoặc bán) chuyên trách (như Phó Chủ tịch không chuyên trách, Phó Công an xã bán chuyên trách…) không được nhận “lương” từ ngân sách Nhà nước mà chỉ nhận “phụ cấp” kiêm nhiệm.
Theo đúng quy định thì cán bộ không chuyên trách là người chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động chứ không bắt buộc phải làm toàn thời gian. Vậy, những cán bộ đó hoàn toàn có quyền, có thời gian bố trí một công việc khác để kiếm thêm thu nhập từ công việc đó mà vẫn duy trì được công việc bán chuyên trách của mình.
Có lẽ nhiều cán bộ (đã và đang có ý định xin nghỉ việc) ở Hậu Giang quá phụ thuộc vào một việc “bán thời gian” mà quên mất rằng mình có thể bớt ì ạch, có thể làm kinh tế tốt hơn nữa vì họ hoàn toàn có quyền.
Và cuối cùng, chúng ta có thể khẳng định rằng việc các cán bộ cơ sở thu nhập thấp hơn cả phụ hồ, bảo vệ, hay người bán rau cũng chỉ tại họ… quá “nhiệt tình” mà thôi!
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả