Đuổi việc vì thay đổi công nghệ
Sáng 12/10, hàng trăm công nhân tập trung trước Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp rắp xe máy Công ty VMEP (đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội) để phản đối trước quyết định bị sa thải đột ngột.
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Đức Chung, Chủ tịch Công đoàn Công ty VMEP cho biết sáng 9/10, có 149 công nhân nhận được thông báo về việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động.
"Hơn 100 công nhân bị chấm dứt hợp đồng làm việc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, bởi đa phần đều là những công nhân làm việc gắn bó đã lâu năm. Nhiều người đã ngoài 50 tuổi nên việc tìm kiếm việc làm sau này cũng rất khó.
Lý do công ty đưa ra là thay đổi cơ cấu công nghệ nhưng thực tế chúng tôi thấy không hề có sự thay đổi công nghệ nào. Phía công ty cũng không đưa ra được giải thích thay đổi công nghệ cụ thể là như thế nào nên người bị chấm dứt hợp đồng rất hoang mang", ông Chung bức xúc nói.
Tài liệu Liên đoàn Lao động quận Hà Đông cung cấp cho biết, trước đó tại buổi làm việc ngày 3/10/2019, với sự tham gia của đại diện UBND phường La Khê, quận Hà Đông và Công đoàn Công ty VMEP thì công ty VMEP cho biết, do tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn trong những năm gần đây nên cần thiết phải thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, từ đó phải cắt giảm lao động với dự kiến khoảng 145 đến 160 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Phía công ty cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động đảm bảo cho người lao động được nhận đầy đủ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND phường La Khê đánh giá, số lượng người lao động tại phường La Khê là rất lớn nếu thay đổi cơ cấu sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động. Đề nghị công ty đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tuy nhiên đến ngày 8/10, công ty đã ra thông báo số 07/TB/2019 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tổng số 149 lao động, khiến hàng trăm công nhân hoang mang.
Cần làm rõ lý do thay đổi công nghệ
Cũng theo nội dung làm 5việc ngày 3/10, ông Đào Quang Huy, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) quận Hà Đông cho biết, Công đoàn công ty VMEP chưa có sự phối hợp nhịp nhàng nên phương án sử dụng lao động còn đơn giản.
"Đề nghị công ty cần làm rõ thay đổi công nghệ gì, việc thay đổi công nghệ sẽ giảm bao nhiêu lao động? Căn cứ nào cho người lao động thôi hoặc được giữ việc? để người lao động được tâm phục khẩu phục", ông Huy nêu ý kiến.
Đại diện LĐLĐ quận Hà Đông cũng cho biết, Luật lao động có quyền cho người lao động thôi việc nhưng cần làm rõ vấn đề thay đổi cơ cấu công nghệ như thế nào?
Đề nghị Công ty tổ chức đối thoại phổ biến rộng rãi đến người lao động để họ nắm được và tránh hoang mang.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông đánh giá, Công ty áp dụng phương án sử dụng lao động theo luật lao động 2012, tuy nhiên lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ đưa ra là chưa rõ ràng.
Bà Thảo đề nghị phía công ty làm rõ và thực hiện việc những người lao động tiếp tục được giữ hợp đồng sẽ làm những việc gì, lương bao nhiêu. Cơ cấu tổ chức lao động khi di dời đến nhà máy mới Phú Nghĩa như thế nào, phương án cụ thể bồi thường cho người lao động.
Tổ chức lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động, có sự hỗ trợ để người lao động mất việc sớm ổn định cuộc sống.
Cũng trong sáng 12/10, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, sau khi nhận được thông tin người dân kéo lên công ty phản đối việc bị đuổi việc, quận đã cử cơ quan chứ năng xuống đảm bảo an ninh trật tự, lắng nghe ý kiến của công nhân. Chính quyền các cấp sẽ phải vào cuộc làm rõ đảm bảo quyền lợi người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Di dời nhà máy để xây chung cư
Công ty cho biết, lý do thực sự cho người lao động nghỉ không phải do công ty di dời nhà máy để xây chung cư. Việc cho thôi việc là do công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh và cần thay đổi công nghệ.
Về vấn đề này, ông Phạm Ninh Khang, cán bộ địa chính UBND phường La Khê cho biết, việc di dời đúng là do chủ quy hoạch đã được phê duyệt.
Được biết VMEP là công ty trực thuộc Tập đoàn Sanyang (SYM) của Đài Loan. được thành lập năm 1992, ban đầu do 100% vốn đầu tư của Tập đoàn CHINFON, là công ty kinh doanh chế tạo xe máy đầu tiên ở Việt Nam, và do Công nghiệp San Yang cung cấp kỹ thuật và thiết kế.
Ngoài thị trường Việt Nam, công ty hiện đã, đang xuất khẩu xe máy nguyên chiếc, linh kiện, động cơ sang nhiều nước Đông Nam Á và các nước trên thế giới.