Một nhóm công nhân đào đất xuyên qua khu rừng để làm tuyến đường cao tốc S19 kéo dài từ Hy Lạp đến cộng hòa Litva đã vô tình khai quật được một bộ hài cốt trẻ em tại địa phận làng Jezowe, thị trấn Nisko, tỉnh Podkarpackie, Ba Lan.
Càng đào sâu, nhóm công nhân càng hoảng sợ khi phát hiện không chỉ một mà có tới 115 bộ hài cốt trẻ em được đặt với tư thế giống như được hiến tế.
Ngay lập tức họ đã thông báo với chính quyền địa phương.
Sau đó, các nhà khảo cổ học đã có mặt tại hiện trường, họ tin rằng khu mộ này có từ cuối thế kỷ 16.
Phát hiện này phù hợp với những văn bản nghiên cứu và cả truyền thuyết về một nghĩa trang có từ cuối thế kỷ 16, tuy nhiên giả thuyết về một khu vực hiến tế tập thể vẫn chưa được xác minh có thực là hay chỉ là lời đồn thổi thất thiệt.
Tại khu vực được khoanh vùng, các thi thể nằm thẳng nghiêm túc với tư thế lưng trên mặt đất, hai tay đặt ở 2 bên, đầu của các bộ hài cốt được đặt nghiêng về một bên, bao quanh là những bức tường được xây cất cẩn thận, ngay ngắn.
Sau khi tiến hành tìm hiểu kĩ càng các bộ hài cốt, các nhà khảo cổ hoảng hốt hơn khi nhìn thấy những đồng xu cổ rơi ra từ trong miệng của những đứa trẻ.
Được biết, các đồng xu cổ này có từ thời vua Sigismund III Vasa, cai trị Ba Lan giai đoạn 1587 - 1632 và vua John II Casimir, trị vì từ năm 1648 – 1668.
Nhà khảo cổ học Arkatar Katarzyna Oleszek chia sẻ: "Đây chắc chắn là một dấu hiệu thể hiện niềm tin của họ. Tiền xu này được gọi là đồng obol hoặc đồng obol của Charon. Nó đã được duy trì trong một thời gian dài, thậm chí đến cuối thế kỷ 19 vẫn được Giáo hoàng Pius IX thực hiện".
Nhà khảo cổ Arkatar nói thêm: "Việc sắp xếp các bộ hài cốt, trạng thái bảo quản của chúng, cho thấy đây là một nghĩa trang của nhà thờ Cơ Đốc giáo, chắc chắn có người chăm sóc. Những ngôi mộ mới không làm hư hại những ngôi mộ cũ, chứng tỏ người trông coi đã chăm sóc các ngôi mộ và biết rõ vị trí của chúng".
Trong tín ngưỡng Cơ Đốc giáo, tiền xu là một vật mang tính tín ngưỡng. Chúng còn được gọi là đồng obol hoặc đồng obol của Charon.
Người theo đạo Cơ Đốc giáo tin rằng, việc đặt đồng xu trong miệng người chết để coi như tiền lộ phí để đưa cho người lái đò Charon khi đi qua dòng sông chia cách âm – dương.
Tiền xu là vật phẩm duy nhất được tìm thấy trong ngôi mộ, từ đó khiến các nhà nghiên cứu tin rằng nơi chôn cất này là khu vực dành cho người nghèo.
Nguyên Anh (Nguồn Live Science)