Hoạt động 9 năm nhưng có đến 7 năm không có giấy phép
Nhận được phản ánh của người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Tùng Dương chuyên kinh doanh lĩnh vực dầu, mỡ tái chế từ dầu mỡ phế thải nhưng xả khí thải, chất cặn bã ra môi trường không qua xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, những ngày đầu tháng 10/2016, PV Báo Người Đưa Tin đã có mặt tại cụm dân cư xóm 15, 16 để tìm hiểu thực hư câu chuyện.
Tiếp chúng tôi, ông Đoàn Văn Điều (Chi hội trưởng Cựu chiến binh trú tại xóm 16, xã Nghĩa An, Nam Định) cho biết, năm 2007 Công ty TNHH Tùng Dương về Bãi Hạ, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định hoạt động nấu dầu.
Tuy nhiên, qua thời gian dài hoạt động người dân phát hiện cơ sở không hề có giấy phép kinh doanh. Trong quá trình 9 năm hoạt động thì có đến 7 năm cơ sở này không có giấy phép. Theo lời ông Điều, gọi là công ty TNHH nhưng thực chất chỉ có hai cha con làm việc.
Trong suốt 7 năm hoạt động không phép công ty này đã gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của bà con trên địa bàn xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
“Tôi thắc mắc một điều là công ty hoạt động 7 năm liền không phép nhưng các cơ quan chức năng cũng như chính quyền xã lại không hề hay biết?”, ông Điều thắc mắc.
Giữa lúc người dân đang thắc mắc vì sao cơ không có giấy phép hành nghề thì ngày 10/2/2015 lò nấu dầu thải này được Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. Chính điều này đã khiến người dân xã Nghĩa An đặt ra nhiều điểm nghi vấn, liệu rằng có khuất tất phía sau?
Bởi trước đó, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Nam Định, công ty TNHH Tùng Dương đã bị Phòng Cảnh sát môi trường 4 lần lập biên bản xử phạt, lần cao nhất là phạt 200 triệu đồng.
Chính ông Phạm Văn Tùng (giám đốc công ty TNHH Tùng Dương) cũng đã thừa nhận công ty mình từng bị xử phạt với lý do những ngày đầu về xã Nghĩa An kinh doanh do đang trong quá trình đầu tư chưa hoàn thành được thủ tục về giấy phép quản lý chất thải nguy hại nên bị phạt 220 triệu đồng. Trong đó phạt 200 triệu vì chưa có giấy phép quản lý chất thải nguy hại và 20 triệu bị phạt vì phương tiện chưa đủ điều kiện để vận chuyển chất thải nguy hại.
Hành trình gõ cửa các cơ quan chức năng cầu cứu
Không đồng thuận việc một cơ sở chuyên sản xuất dầu mỡ phế thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngày của bà con, người dân địa phương đã gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để kêu cứu (từ tháng 8/2013 cho đến nay). Nhưng càng kêu họ chỉ càng nhận lại sự bức xúc.
Ông Đoàn Văn Điều cho biết thêm: “Vào năm 2013 tôi và nhiều người dân trong xóm đã làm đơn cầu cứu đi khắp nơi như gửi đến Văn phòng Chính phủ; Thanh tra chính phủ; Các cơ quan chức năng có thẩm quyền thuộc UBND tỉnh Nam Định với hi vọng có được câu trả lời thỏa đáng.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại 10/2016 bà con chúng tôi vẫn ngày đêm mòn mỏi chờ quyết định của cơ quan chức năng”.
Theo ông Điều, nội dung đơn thư mà ông và bà con gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền gồm: Đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại của công ty TNHH Tùng Dương; Phản ánh việc UBND xã Nghĩa An, UBND huyện Nam Trực chuyển đổi mục đích và cho thuê đất khu vực hành lang đê phụ Sông Đào trái quy định; Hủy quyết định cấp phép; Di chuyển nhà máy khỏi khu vực dân cư và nhà máy nước...
Với mỗi nội dung, ông Điều và bà con làm những tờ đơn khác nhau gửi đi đến những cơ quan chức năng. Song đến nay, họ vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Bản thân ông Điều là người đứng ra đại diện cho bà con đi gõ cửa cơ quan chức năng cũng bị nhiều đối tượng giấu mặt uy hiếp đe dọa.
Ông Điều chia sẻ, kể từ khi bắt đầu khởi kiện, vào tháng 10/2015 đôi bò là tài sản lớn nhất của gia đình ông có giá trị khoảng 80 triệu đồng bỗng dưng bị đánh bả.
Chưa dừng lại ở đó, ông Điều nói: “Ngày 5/6/2016 một nhóm gồm 4 người đi xe ô tô vào nhà tôi dọa nạt, ngăn chặn tôi đừng kiện công ty Tùng Dương và họ còn nếu muốn gì thì cứ nói thẳng. File ghi âm của tôi vẫn còn đây”.
Không chỉ riêng ông Điều mà một số người khác cũng bị chụp ảnh lén cả người và biển số xe. Trong những lần đi gõ cửa cơ quan chức năng ông Điều cũng bị một số người bám theo, theo dõi nhất cử nhất động của ông. Trước sự việc bị đe dọa trên, ông Điều cũng đã báo cáo lên công an huyện.
Mặc cho có khó khăn để tìm lại công bằng cho bà con, thế nhưng ông Điều không chùn bước. Ông khẳng định: “Tôi sẵn sàng chết để đòi lại công bằng, quyền lợi cho bà con”.
Trò chuyện với PV, ông Điều và các hộ dân vẫn không thôi thắc mắc, đặt ra nghi vấn tại sao Công ty TNHH Tùng Dương 7 năm hoạt động không giấy phép mà vẫn có thể qua mặt được cơ quan chức năng ở địa phương? Có hay không việc tiếp tay của các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định với Công ty này?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Thanh Lam – Đào Sơn