Họ không hề biết mảnh đất đang canh tác thuộc sự quản lí của quân đội (khu trường bắn quốc gia 3 của Quân khu 7), nên đã dẫn đến hệ lụy là cả một khu dân cư với hơn 400 hộ dân không được thừa nhận. Điều đó kéo theo gần 200 cặp vợ chồng không có giấy đăng kí kết hôn, hàng trăm đứa trẻ phải bỏ học giữa chừng vì thiếu giấy khai sinh, không có chứng minh thư nhân dân (CMTND).
Vợ chồng trên danh nghĩa
Trong một lần đến thăm người bạn ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), chúng tôi nghe người dân nói đến cuộc sống cơ cực của hàng trăm hộ dân không có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống tại địa bàn ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Khi chúng tôi đến, nơi các hộ dân sinh sống không có hộ khẩu thường trú được nhiều người gọi với các tên quen thuộc "đồi Bằng Lăng 2". Để đến được đồi này, chúng tôi đi từ quốc lộ 1A, qua trường bắn, men theo những con đường đất đỏ ba-zan trơn trượt hơn 20km. Những ngôi nhà của người dân được làm tạm bợ.
Vợ chồng anh Trướng Khoánh Đạt có với nhau sáu mặt con vẫn chưa có giấy đăng kí kết hôn
Cách đây hơn 20 năm, khu đồi Bằng Lăng 2 toàn đất hoang hóa, không có dấu chân chân người qua lại. Đầu những năm 1980 mới có một số người từ huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom (Đồng Nai) và ở các tỉnh Hà Tĩnh, Long An, Bến Tre đến đây phá đất trồng hoa màu và dựng chòi tranh để ở. Sau một thời gian canh tác, các hộ dân nhận thấy mảnh đất nơi đây cho mùa màng bội thu, tiếng lành đồn xa nhiều người dân ở các địa phương khác cũng đổ về đồi Bằng Lăng 2 định cư. Cuộc sống người dân ở vùng đất mới dần đi vào ổn định, khu đồi biến thành xóm, làng với hơn 400 hộ dân như ngày nay. Những tưởng, tại vùng đất mới, các hộ dân sẽ được nhập khẩu vào xã Xuân Tâm, nhưng đầu năm 2000, các hộ dân ở khu đồi này nhận được thông báo họ đang canh tác trên phần đất của quốc phòng, nên hầu hết người dân ở đây rơi vào tình trạng dân tạm trú.
Hai chữ tạm trú ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân rất nhiều, điển hình như nhà chỉ được làm tạm bợ, đường xá đi lại khó khăn, điện đóm thiếu thốn. Đặc biệt, trai gái đến tuổi cập kê muốn dựng vợ gả chồng rất khó khăn trong việc làm thủ tục đăng kí kết hôn. Nếu ai lấy chồng lấy vợ phải về lại quê cũ để tiến hành đăng kí kết hôn. Trong khi đó, ở quê các hộ dân ở đây đã không còn hộ khẩu ở đó nữa, vì trước khi "nhổ neo" vào Đồng Nai lập nghiệp, họ đã tiến hành cắt khẩu. Do đó, các cặp vợ chồng đến với nhau chỉ được thông qua họ hàng hai bên mà không được sự chấp nhận về mặt luật pháp. Số khác, vẫn còn hộ khẩu thường trú ở quê hương nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không đủ chi phí đi lại nên họ đành buông xuôi mọi thủ tục và đưa nhau về sống chung dưới một mái nhà, thế là thành vợ chồng. Và cứ thế, những đứa con của họ lần lượt ra đời.
Bà Trần Thị Hạnh (56 tuổi) và cháu nội lo lắng về cuộc sống mang tên tạm trú
Anh Trướng Khoánh Đạt (43 tuổi, quê gốc ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) cho biết: "Năm 18 tuổi, tôi bắt đầu xa gia đình lên khu đồi Bằng Lăng lập nghiệp, rồi lấy vợ ở đây luôn. Vợ tôi (Lăng Thị Lan, 43 tuổi) cũng là dân nhập cư. Lúc đó, điều kiện kinh tế quá khó khăn, hai vợ chồng không nghĩ đến chuyện đăng kí kết hôn. Sau này, quy định vợ chồng phải được pháp luật thừa nhận mới hợp pháp, rồi đến chuyện con cái đến tuổi đi học nhà trường đòi giấy tờ này nọ, tôi mới lật đật chạy ra xã xin làm giấy kết hôn. Nhưng gia đình tôi vẫn là hộ tạm trú nên không thể đăng kí kết hôn được. Bây giờ, muốn làm giấy đăng kí kết hôn phải về Trảng Bom, nhưng tôi đã cắt khẩu đi lâu lắm rồi. Nếu quay lại đó làm giấy đăng kí kết hôn phải tốn rất nhiều thời gian chạy giấy tờ nên tôi để vậy đến bây giờ. Thậm chí, cả hai vợ chồng cũng chẳng có giấy chứng minh nhân dân nữa".
Tương tự, anh Lý Minh Thanh (SN 1984, quê gốc ở Thừa Thiên - Huế, từ năm 1989, cha mẹ anh rời quê vào khu đồi Bằng Lăng 2 mua đất làm ăn. Hai năm sinh sống ở mảnh đất này, cha mẹ anh Thanh tiến hành cắt khẩu ở Huế, nhập vào xã Xuân Tâm để định cư lâu dài. Song, hơn 20 năm đã trôi qua, gia đình anh Thanh đang chịu cảnh sống tạm trú như hàng trăm hộ gia đình khác ở khu đồi Bằng Lăng 2. Là dân tạm trú nên anh Thanh không làm được CMTND. Năm 2000, anh Thanh cưới vợ chẳng thể ra chính quyền xã Xuân Tâm đăng kí kết hôn. Hai vợ chồng quyết định ở chui trong căn chòi tạm bợ đến bây giờ. Hơn 12 năm sống chung, hai vợ chồng có với nhau hai mặt con, đứa lớn bốn tuổi, đứa bé đang chập chững biết đi. Anh Thanh đang lo lắng, liệu con cái anh sẽ có cuộc sống sung sướng hơn không nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn?
Chiếc bình ắc quy trở thành vật xa xỉ đối với người dân ở đồi Bằng Lăng 2
Con chữ nửa đường đứt gánh
Đối với những hộ dân ở đồi Bằng Lăng 2, niềm vui, niềm hạnh phúc nhất là khi nhìn thấy mùa màng bội thu, con cái được cắp sách đến trường hằng ngày. Nhưng, vì là dân tạm trú nên đường đến trường của con cái lắm gian nan. Ở đồi Bằng Lăng 2 chỉ có duy nhất một lớp học tình thương dành cho bậc tiểu học. Đến cấp hai, cấp ba, các em phải chuyển trường ra trung tâm xã Xuân Tâm học tiếp. Tuy nhiên, điều kiện về đường xá đi lại khó khăn, đèn điện không tới nên việc đi học rất gian nan. Trong khi đó, phần đa người dân ở đây là những hộ tạm trú nên mỗi lần chạy vạy giấy tờ cho con cái cắp sách đến trường gặp rất nhiều rắc rối, phiền hà. Chính lí do này đã làm cho 80% con cái trong độ tuổi đến trường phải bỏ học giữa chừng, ở nhà làm rẫy, làm thuê, mướn hết năm này qua năm khác.
Chị Lăng Thị Lan (43 tuổi) là một trong những người dân rơi vào tình trạng tạm trú tâm sự: "Nhà có sáu người con, nhưng vợ chồng tôi quyết tâm cho con theo đuổi con đường học hành. Chúng nó có con chữ trong đầu, trí óc sẽ mở mang, sau này sẽ có công ăn việc làm ổn định. Gia đình tôi tin vào điều đó nên đã tìm mọi cách để nhờ anh em họ hàng ở thị trấn Giaray thuộc huyện Xuân Lộc cho các con được nhập khẩu ké. Nhưng do nhà cách xa trường học, các con phải ở trọ, cuối tuần mới về thăm nhà một lần". Hơn 20 năm mang danh là dân tạm trú, người dân đồi Bằng Lăng 2 không biết đến ánh sáng của bóng đèn điện, tivi, mù thông tin. Nhà nào có con cái đi học đã cố gắng sắm được chiếc bình ắc quy để con không bị cận thị. Nhưng mỗi chiếc bình chỉ dùng tối đa được năm ngày. Hết bình, họ lại lóc cóc chở bình len lỏi qua các con đường rẫy ra tận trung tâm xã để sạc.
Cả ba hướng dẫn vào đồi Băng Lăng 2 là những chiếc cầu ván tạm bợ do người dân tự chế. Mùa nắng, đất bụi bặm bay vào tận trong nhà. Mùa mưa lầy lội, trơn trượt, nhà nào không chắp vá chắc chắn có thể bị gió tốc mái bất cứ lúc nào. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, trình độ học vấn thấp, nhiều chị em phụ nữ bị chồng đánh đập hành hạ nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng.
Đời sống nheo nhóc Bà Huỳnh Kim Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tâm bày tỏ: "Chuyện nhiều cặp vợ chồng chung sống không có giấy đăng kí kết hôn, gia đình không có hộ khẩu thường trú đã trở thành vấn nạn ở đồi Bằng Lăng 2. Vì những thiệt thòi này, nhiều đứa trẻ sinh ra chỉ được làm giấy khai sinh, còn việc đăng kí CMTND và đăng kí kết hôn cho con cái không thể tiến hành được. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, thiếu nước sạch, thiếu ánh sáng, nhiều gia đình sinh đông con, đời sống nheo nhóc"... |
Quyên Triệu