Chưa đủ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp
Sáng 26/9, tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 9/2024 tỉnh Đắk Lắk, ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về tình hình, giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập và công tác phòng chống lũ lụt trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.
Ông Mai Trọng Dũng cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng số 882 công trình thủy lợi, gồm 170 đập dâng, 88 trạm bơm, 622 hồ chứa nước và 2 tuyến đê bao. Tổng diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là 151.616ha, đạt gần 22,96%.
Về hiện trạng các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, đối với các đập, hồ chứa nước được đầu tư xây dựng những năm gần đây cơ bản là kiên cố, hoàn thiện (nhất là hạng mục công trình đầu mối).
Tuy nhiên, nhiều đập, hồ chứa nước được đầu tư xây dựng từ những năm 1990 trở về trước đã bị xuống cấp (mái thượng lưu bị sạt lở, tràn xả lũ bị xói lở...), có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Cũng theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mùa mưa lũ năm 2024, toàn tỉnh có 115 công trình đập, hồ chứa nước hư hỏng.
Trong đó, có 108 công trình có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 7 công trình có nguy cơ mất an toàn cao. Chẳng hạn: hồ Xâm Lăng (huyện Krông Ana); hồ Phân Trại 1 (huyện M’Đrắk); hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo); hồ Ea Bir (huyện Krông Năng); hồ Ea Ksuy (huyện Krông Năng); hồ Trại Bò (huyện Ea Kar); hồ Ông Và (xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột).
Trên địa bàn có 29 đập bị thấm, trong đó thấm nặng 8 công trình; biến dạng mái đập (sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu): mái hạ 43 công trình, mái thượng 64 công trình. Hư hỏng thân tràn 58 cái; hư hỏng bể tiêu năng 38 cái (trong đó bị xói 34 cái, bị vỡ 4 cái). Hư hỏng thân cống 5 cái, trong đó hỏng nặng 2 cái, hỏng nhẹ 3 cái; thấm qua mang cống 3 cái; hư hỏng cửa van 21 cái...
Ngoài ra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các quy định liên quan đến an toàn đập, hồ chứa nước.
Cụ thể, đập, hồ chứa nước do các Công ty TNHH MTV cà phê thuộc tỉnh, các Công ty thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam và Công ty cao su… không có cán bộ chuyên môn về thủy lợi quản lý, khai thác, cán bộ quản lý vận hành là kiêm nhiệm, công tác quản lý, khai thác chưa đảm bảo quy định về năng lực và an toàn đập, hồ chứa nước...
Việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn tới tình trạng công trình hư hỏng, xuống cấp, có khả năng mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Mặt khác, nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, việc đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước bị hư hỏng rất hạn chế và không kịp thời.
"Vấn đề này, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Chính phủ nhưng Trung ương cũng hỗ trợ mức độ. Do đó, đến thời điểm này cũng còn tồn tại, hạn chế", ông Dũng nói.
Thiệt hại hơn 200 tỷ đồng do thiên tai
Cũng tại Hội nghị Giao ban báo chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai Trọng Dũng cũng thông tin về công tác phòng, chống lũ lụt trong mùa mưa bão trên địa bàn.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 đợt hạn hán; 8 trận mưa lớn, dông, lốc, mưa đá và 1 đợt mưa lũ gây thiệt hại về sản xuất, hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong tỉnh.
Thiên tai đã làm 1 người chết, 75 nhà dân bị hư hỏng (lốc, mưa lớn); 29.284ha cây trồng các loại bị thiệt hại, chết 15 con gia súc, 300 con gia cầm.
Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra là hơn 209 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do hạn hán là hơn 165 tỷ đồng; thiệt hại do mưa dông, lốc sét, mưa đá là 40 tỷ đồng; thiệt hại do mưa lũ là hơn 4 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin thêm, trong những tháng cuối năm 2024, tình hình thiên tai được dự báo có những diễn biến phức tạp, bất thường, có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina.
Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, phải chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, ở cấp tỉnh tiếp tục tổ chức công tác trực ban phòng, chống thiên tai theo quy định, theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai để tham mưu phương án ứng phó kịp thời.
Tăng cường thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối liên ngành, tham mưu UBND tỉnh tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi toàn tỉnh. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đối với chính quyền địa phương các cấp, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để thông tin kịp thời, đầy đủ đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho động đồng, người dân về ứng phó thiên tai.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, trũng thấp để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho người tham gia giao thông.
Khánh Ngọc