Hiện Việt Nam có 2 loại vắc-xin dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành.
Theo đánh giá từ Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT), vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi không chỉ phục vụ cho tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Philippines. Sau khi cho phép lưu hành vào tháng 7/2024, Chính phủ Philippines đã đặt hàng 600.000 liều vắc-xin ASF từ công ty AVAC.
150.000 liều vắc-xin "xuất ngoại"
Trong khuôn khổ đó, đoàn công tác từ Philippines đã đến thăm nhằm kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi tại nhà máy AVAC vào ngày 26/8.
Đánh giá về chuyến thăm của đoàn công tác Philippines, ông Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nhận định, sự kiện lần này đánh dấu cột mốc quan trọng, khi vắc-xin của công ty được phép lưu hành tại một quốc gia thứ 2, ngoài Việt Nam.
Chuyến thăm này của đối tác nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị vắc-xin, dự kiến sẽ nhập 150.000 liều sang Philippines vào ngày 29/8 tới đây. "Đây sẽ là động lực để thời gian tới, Chính phủ Philippines nói riêng và nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành mở rộng nhập khẩu vắc-xin của Việt Nam", ông Điệp nói.
Tuy nhiên, vị này cũng đề cập một trong những rào cản lớn nhất là Tổ chức Thú y Thế giới chưa có tiêu chuẩn về vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Điều này khiến các quốc gia trên thế giới vẫn loay hoay trong xây dựng tiêu chuẩn đánh giá vắc-xin của AVAC trước khi lưu hành ở quốc gia họ.
Sau khi thăm quan nhà máy, kho vắc-xin tại AVAC, chia sẻ với phóng viên, ông Rosendo So - Cố vấn cấp cao, Chủ tịch của nhóm vận động hành lang nông nghiệp SINAG (Philippines) thông tin, kể từ khi phát hiện lần đầu, các đợt bùng phát ASF đã xảy ra ở 73 trong số 82 tỉnh.
"Chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc nhập khẩu vắc-xin. Hy vọng đây sẽ là đòn bẩy để cả hai nước cùng giải quyết bài toán cấp bách về dịch tả lợn châu Phi", ông Rosendo So nói.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh cũng đi đôi với việc kiểm soát nguồn hàng nhập khẩu vắc-xin bởi hiện nay đang có một số tồn tại gây ra sự lo ngại về hiệu quả của vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Chính vì vậy, ông Rosendo So mong muốn thời gian tới cả hai phía sẽ có những biện pháp để thắt chặt vấn đề này.
Khẳng định về tiềm năng của vắc-xin, bà Pinky Pe Tobiano - Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodities cho biết, sau khi hợp tác, đánh giá về hiệu lực, an toàn với AVAC, tất cả đều đạt yêu cầu và phù hợp với yêu cầu của Philippines.
Thông qua sự giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, KPP Powers Commodities đã biết tới vắc-xin của AVAC, từ đó đã liên lạc và đàm phán. Sau khi đàm phán, hai bên đã tiến hành thử nghiệm để tiêm cho các đàn lợn và đánh giá thận trọng tại Philippines.
Để vắc-xin của AVAC phủ rộng hơn tại Philippines trong thời gian tới, dưới vai trò là nhà nhập khẩu, bà Pinky nhấn mạnh: "Vấn nạn nhập lậu, hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường có thể ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của vắc-xin. Đó chính là lý do đoàn công tác của chúng tôi có mặt tại Việt Nam để giám sát, đảm bảo tính hợp pháp, chống hàng lậu thông qua việc thiết kế bao bì, mã tem, mã vạch riêng,.. Cũng như đưa ra các giải pháp để phân biệt giữa hàng Chính phủ mua và hàng nhập lậu".
Về hiệu quả của vắc-xin trên đàn vật nuôi, bà Pinky cho biết, cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vắc-xin đạt an toàn, 100% lợn được tiêm có đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể và không có bất kỳ tác dụng phụ gì trên đàn vật nuôi.
Giải pháp chủ động giúp phòng dịch tả lợn châu Phi
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nhận định, tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn châu Phi là giải pháp chủ động, tích cực, giúp tăng khả năng miễn dịch cho đàn lợn lên tới trên 90%.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc AVAC vẫn lưu ý: "Đây chỉ là một loại "áo giáp" giúp giảm nguy cơ nổ ra dịch bệnh chứ không đồng nghĩa với việc ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh mà còn phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp như tăng cường an toàn sinh học, kiểm dịch…".
Chia sẻ về dự án nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, ông Điệp cho rằng, đây là dự án lớn và đẩy rủi ro. Hiện trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia nghiên cứu dịch tả lợn châu Phi, bỏ ra rất nhiều tiền bạc nhưng không đạt hiệu quả.
Về những khó khăn trong sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi, ông Điệp cho biết, cấu trúc bộ gen phức tạp, chưa xác định được nhiều chức năng, Hạn chế về tế bào cho nhân virus tạo sinh khối trong sản xuất.
Còn trong việc lưu hành, ông Điệp nhận định, lý do đầu tiên là người chăn nuôi còn nhiều do dự với vắc-xin mới. Bên cạnh đó, hiện chưa có tiêu chuẩn quốc tế với vắc-xin dịch tả lợn châu Phi…
Thông tin về các đặc tính nổi bật của vắc-xin, ông Điệp chia sẻ, vắc-xin có mức an toàn cao, có khả năng bảo hộ lên tới trên 5 tháng. Đồng thời, an toàn và bảo hộ tốt cho lợn nái và đực giống.