Theo một báo cáo được công bố hôm 30/8 bởi Hiệp hội các Nghiệp đoàn Anh (TUC), 41% người lao động da màu và dân tộc thiểu số ở Vương quốc Anh cho biết, họ đã “phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc trong 5 năm qua”.
TUC cho biết, đây là nghiên cứu lớn nhất về vấn đề này từng được thực hiện ở Vương quốc Anh.
Đối với những người lao động trẻ tuổi, con số còn đáng lo ngại hơn. Khoảng 52% lao động da màu và dân tộc thiểu số từ 25 đến 34 tuổi cho biết, họ đã bị phân biệt chủng tộc trong 5 năm qua. Điều này cũng xảy ra với 58% người lao động da màu và dân tộc thiểu số trong từ 18 đến 24 tuổi.
Các hình thức phân biệt đối xử bao gồm bắt nạt và quấy rối, hay dưới dạng phân biệt “ẩn” như đùa cợt, định kiến, kỳ thị về ngoại hình, hoặc bị đối xử khác biệt tại nơi làm việc.
Các nhà nghiên cứu tại Number Cruncher Politics (một trang blog chuyên phân tích và thăm dò chính trị) đã thực hiện cuộc khảo sát trên 1.750 người lao động da màu và dân tộc thiểu số từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2022 để phục vụ cho báo cáo này.
Gần 50% người lao động da màu và dân tộc thiểu số cho biết, họ đã phải “trải qua ít nhất một hình thức phân biệt đối xử cũng như phân biệt chủng tộc trong tổ chức”.
Phân biệt chủng tộc trong tổ chức hay sự phân biệt đối xử và định kiến trong tổ chức, có thể bao gồm việc bị kỷ luật không công bằng hoặc mất cơ hội thăng chức.
Một nhân viên siêu thị người Anh gốc Bangladesh ở Tây Bắc nước Anh cho biết, anh bị phân biệt chủng tộc có hệ thống do bị đối xử khác biệt với các đồng nghiệp khác - chẳng hạn như được giao những nhiệm vụ phi thực tế mà không được hỗ trợ.
Anh nói, “Một người quản lý bảo tôi rằng khi ông ta còn nhỏ, có một thằng bé người châu Á cướp lấy quả bóng của ông ta, thậm chí còn đấm vào mặt ông ta, từ đó, ông ta luôn có ý nghĩ tiêu cực về người châu Á. Tôi đã nói với các nhà quản lý rằng không ai đáng bị đối xử bất công vì lai lịch hay tín ngưỡng tôn giáo. Là quản lý, họ phải có trách nhiệm đảm bảo rằng nơi làm việc là công bằng và hòa nhập cho tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, chỉ 1/5 (19%) những người từng bị quấy rối báo cáo sự việc lên lãnh đạo công ty họ. 44% không báo cáo sự việc vì họ không tin rằng nó sẽ được xem xét một cách nghiêm túc, và 25% cho biết họ lo lắng điều đó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ công việc của họ với đồng nghiệp.
Trong số những người đã báo cáo về việc bị phân biệt đối xử, gần một nửa (48%) không hài lòng với cách xử lý của cấp trên.
1/5 số người được hỏi cho biết họ đã từng bị bắt nạt hoặc quấy rối tại nơi làm việc, và một số lượng tương tự đã phải nghe những lời nhận xét phân biệt chủng tộc nhắm vào họ hoặc đưa ra trước mặt họ.
Với 3,9 triệu người lao động da màu và dân tộc thiểu số trên khắp nước Anh, TUC cho rằng có khả năng hàng trăm nghìn người lao động bị phân biệt đối xử mà không báo cáo lên hoặc không được giải quyết.
Một giảng viên da màu người Caribê đến từ Tây Nam nước Anh cho biết, cô đã bị phân biệt đối xử bởi chính các đồng nghiệp và sinh viên của cô.
“Tôi có một chiếc xe hơi, và một đồng nghiệp hỏi tôi rằng có phải tôi đi buôn ma túy không, vì làm sao tôi có tiền mà mua chiếc xe đó. Da tôi bị bắt nắng, và có người bảo “Mày đã đen rồi còn bắt nắng làm sao được nữa””, cô nói.
Tuy nhiên, khi cô báo cáo việc này với Ban quản lý nhà trường, nó đã bị gạt đi vì cộng đồng đó chủ yếu là người da trắng.
Ông Matthew Percival, Giám đốc Kỹ năng và Hòa nhập của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), cho biết, dữ liệu cho thấy vẫn còn một cách để giải quyết vấn đề bình đẳng chủng tộc và sắc tộc trong toàn xã hội. Các doanh nghiệp phải làm tất cả những gì có thể để xây dựng một nơi làm việc hòa nhập và nghiêm khắc xử lý nạn phân biệt đối xử”.
Tổng thư ký của TUC, Frances O’Grady, cho biết: “Báo cáo này đã phơi bày vấn đề phân biệt chủng tộc nơi làm việc ở Vương quốc Anh. Thật đáng xấu hổ khi vào năm 2022, nạn phân biệt chủng tộc vẫn quyết định ai được thuê, được đào tạo, được thăng chức, hoặc ai bị giáng chức hay sa thải”.
“Báo cáo này phải là một lời cảnh tỉnh. Các bộ trưởng cần thay đổi luật để người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo vệ người lao động của họ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc xảy ra tại nơi làm việc”, ông nói thêm.
“Người sử dụng lao động cũng phải rõ ràng rằng họ có chính sách không khoan nhượng đối với nạn phân biệt chủng tộc, và họ sẽ hỗ trợ tất cả những nhân viên lo lắng bị phân biệt hoặc đã bị phân biệt”.
Người phát ngôn của chính phủ Vương quốc Anh cho biết, “Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một xã hội công bằng và hòa nhập hơn, bằng cách thúc đẩy sự công bằng tại nơi làm việc và hành động để giải quyết khoảng cách về tiền lương giữa các dân tộc”.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, Yahoo! News)