Điều đáng chú ý, người dân nơi đây còn ngang nhiên rao bán những mảnh đất này.
Mục sở thị 'xóm không phép'
Nằm ngoài đê sông Hồng, được ngăn bởi một đê quai nhỏ, khu vực đất nông nghiệp rộng hơn 50ha thuộc phường Tứ Liên được chính quyền địa phương quy hoạch làm khu trồng quất.
Thế nhưng nhiều năm trở về đây, việc trồng quất dường như chỉ còn là cái cớ, thay vào đó là cả trăm căn nhà cấp 4 mọc lên. Rất nhiều trong số đó là nhà kiên cố, kín cổng cao tường, có công trình phụ, gara ô tô... Thậm chí, nhiều hộ còn mở cửa hàng kinh doanh, đặt biển hiệu, đánh số nhà…
Những căn nhà xây rất kiên cố, kín cổng cao tường, được đánh số nhà
Thay vì việc trồng quất, khu đất còn được trưng dụng làm bãi trông giữ xe
Nhà nối nhà mọc lên san sát trên cả quãng đường đê dài cả trăm mét
Không chỉ để ở, nhiều hộ còn mở kinh doanh
Không chỉ có dãy nhà xây bám theo con đường bê - tông, ở sâu phía trong còn có việc một số hộ xây dựng cả dãy nhà và những con ngõ mới được mở.
Ngoài việc xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp, người dân ở đây còn xây nhà trọ để cho thuê, xây dựng xưởng sản xuất.
Theo quan sát của PV, suốt đoạn dài hàng trăm mét dọc đê quai chỉ còn vài mảnh vườn nhỏ, cây cối tiêu điều, nằm lẻ loi giữa những khu nhà san sát.
Không chỉ ngang nhiên xây dựng những căn nhà không phép trên đất nông nghiệp, người dân địa phương còn cắt nhỏ đất ra, bán sang tay cho người khác theo thủ tục ‘viết tay’. Tại thời điểm tháng 5/2013, giá đất ở đây được ‘hét’ tới 17 - 20 triệu đồng/m2.
Thắc mắc về sự bất hợp pháp này, một người dân địa phương an ủi: ‘Khu này người ta ở bao nhiêu năm rồi, nhà nào cũng đã có điện nước riêng biệt. Cứ xây lên là có biển số. ‘Đại gia’ đổ xô về mua thì sợ gì (?!)’
Chính quyền bất lực?
Đem những điều mắt thấy tai nghe trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng (phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên), ông Hùng thừa nhận tình trạng đó là có thật. Tuy nhiên, vị phó chủ tịch cho biết con số không ‘khủng khiếp’ như phản ánh.
‘Theo thống kê sơ bộ thì có khoảng 50 hộ đã xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. UBND phường Tứ Liên cũng đã thành lập tổ công tác từ năm 2010 đi điều tra hiện trạng, báo cáo UBND quận Tây Hồ để có hướng xử lý’, ông Hùng nói.
'Đây là đất của dân được giao trồng quất. Từ đầu họ xây lán để dụng cụ làm nông nghiệp rồi sau dần cứ lấn thêm rồi xây to lên'.
Ông Nguyễn Quốc Hùng trong buổi làm việc với PV
Thế nhưng dù được thành lập từ khá lâu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, ông Hùng cũng thừa nhận tổ công tác ‘chưa đạt được thành tích nào đáng kể’ trong việc xử lý sai phạm mà chỉ dừng lại ở mức không cho người dân tiếp tục xây nhà mới.
'Nhiều căn nhà xây cả chục năm rồi, mình xử lý cũng khó. Chúng tôi chỉ cố gắng không cho người dân xây mới. Khi phát hiện họ xây dựng sai phép thì ngay lập tức chúng tôi đến yêu cầu dừng lại’, ông Hùng giãi bày.
Tuy nhiên khi PV đề nghị được xem một trong các văn bản thể hiện những gì đã làm được của tổ công tác thì ông Hùng tỏ vẻ lúng túng, nói là chỉ xử lý tại chỗ chứ không có giấy tờ, biên bản làm việc.
Về việc người dân xây nhà trên đất nông nghiệp rồi mua bán tự do, ông Hùng cho biết: 'Tôi có nghe nói về việc mua bán đất nông nghiệp, nhưng những giao dịch kiểu này chủ yếu là trao tay, không thông qua phường, chúng tôi cũng chưa thấy cái giấy tờ mua bán nào?'.
Nói về trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc để xảy ra tình trạng trên, ông Hùng một lần nữa tỏ ra lúng túng, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà chỉ nói 'sẽ cố gắng hết sức để xử lý triệt để'. Ông Hùng cũng tâm sự cái khó của mình bởi bản thân ông mới chỉ về nhận nhiệm vụ tại phường Tứ Liên 3 được năm nay, còn thực trạng này đã tồn tại cả chục năm về trước.
Vậy là vẫn với lý do 'xưa như trái đất', cả một xóm không phép đã ngang nhiên mọc lên trên khu vực đáng lẽ ra nó sẽ không được quyền xây dựng. Thực trạng này nếu không xử lý ngay và nghiêm khắc, lâu dần khi sẽ kéo đến biết bao hệ lụy gây hao tiền tốn của của Nhà nước mà bài học đắt giá đã xảy ra rất nhiều.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Tiểu Long