Cuộc gặp gỡ này được tổ chức tại Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động Thừa Thiên-Huế. Tại đây, hơn 500 đoàn viên nghiệp đoàn xích lô và chủ xe xích lô trên địa bàn TP.Huế đã trao đổi, chia sẻ cũng những tâm tư nguyện vọng của mình với người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế - ông Phan Ngọc Thọ.
Tại buổi gặp mặt, những người hành nghề xích lô đã trình bày nhiều trăn trở xung quanh các vấn đề về quyền lợi khi tham gia nghiệp đoàn, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động tự phát.
Ông Dương Khánh (SN 1963), một người hành nghề xích lô chia sẻ, bản thân ông khi làm nghề bắt gặp nhiều trường hợp tài xế xích lô có lời nói tục, chửi thề, thậm chí là chặt chém du khách. Hành vi này khiến nhiều tài xế xích lô chân chính bị ảnh hưởng, du khách tìm dùng phương tiện khác cũng vì thế.
Nhiều đoàn viên nghiệp đoàn xích lô khác mong muốn các cấp chính quyền có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ để phát triển xích lô thành một nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Đồng cảm với công việc vất vả, chịu nắng chịu mưa với những người đạp xích lô, mở đầu câu chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ: "Những chú, bác hay em không nên tự ti về nghề nghiệp của mình. Chúng ta bỏ sức lao động của mình ra để kiếm tiền một cách chân chính, đó là điều rất đáng tự hào. Trong xã hội, không có nghề nghiệp nào là nghề nghiệp không cao quý”.
Sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của những người làm nghề xích lô cũng như những đề xuất của các đơn vị liên quan, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, để tiến tới hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả, đề nghị người lao động hành nghề xích lô sớm tham gia vào nghiệp đoàn xích lô để có những quyền lợi cũng như quy chế hoạt động thống nhất.
Đặc biệt, để tránh nạn chặt chém, theo người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đầu tiên phải tìm cách để nâng cao đời sống, thu nhập cũng như các chế độ về bảo hiểm y tế, xã hội, cũng như các chính sách hỗ trợ cho người lao động hành nghề xích lô.
Đồng thời, phải tính đến việc niêm yết giá cụ thể đối với dịch vụ xích lô, đảm bảo mọi du khách đều được đi với giá hợp lý, như nhau, làm sao để khi khách hàng ngồi lên xe phải yên tâm về giá cả, chặng đường và độ an toàn.
Ngành du lịch phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cũng như trang bị kỹ năng cho những người hành nghề xích lô; nâng cao văn hóa ứng xử, tạo sự thân thiện, gần gũi đối với du khách, phải có vốn kiến thức cơ bản về ngoại ngữ và văn hóa Huế, để mỗi người làm nghề đạp xích lô là một hướng dẫn viên du lịch góp phần quảng bá cho du lịch Huế.
“Làm sao để dịch vụ xích lô Huế ngày càng sang trọng hơn, người làm nghề xích lô Huế ngày càng chuyên nghiệp, văn hóa và thân thiện hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp mặt, ông Phan Ngọc Thọ cũng đã trao hơn 500 suất quà, mỗi suất gồm 300 nghìn đồng và 1 chai nước bằng thủy tinh. Đoàn viên nghiệp đoàn xích lô Huế ngoài phần quà của Chủ tịch UBND tỉnh còn được nhận quà của các doanh nghiệp tài trợ: Áo sơ mi, áo thun, thẻ bảo hiểm tai nạn con người kết hợp. Đặc biệt, 5 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được VNPT Thừa Thiên- Huế trao tặng 5 chiếc xích lô mới (6 triệu đồng/chiếc) để hành nghề.