Trong tuyên bố chung đưa ra tối 4/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan hành động chống bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) nêu rõ, hơn 80% trẻ em trong những trường hợp bị ảnh hưởng vì bom mìn nói trên là các bé trai. Trong số đó, có những em gặp nạn khi đang chăn thả gia súc, có trường hợp bị thương hoặc mất mạng khi nhặt các mảnh kim loại để bán.
Tuyên bố nhấn mạnh, mặc dù Iraq không hứng chịu các cuộc xung đột công khai trong những năm qua, nhưng tác hại của các vật liệu nổ sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.
Chính vì vậy, UNICEF và UNMAS hối thúc tất cả các bên tăng cường mọi nỗ lực để rà phá bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại, cũng như tăng cường hỗ trợ các nạn nhân và đảm bảo trẻ em được sống trong một môi trường an toàn.
Một báo cáo của tổ chức từ thiện Humanity & Inclusion cho biết, Iraq hiện được coi là một trong số các quốc gia ô nhiễm nặng nhất trên thế giới vì các vật liệu nổ. Hơn 3.225 km2 đất bị ô nhiễm vì bom mìn chưa nổ.
Những mối đe dọa này chủ yếu xuất hiện gần biên giới với Iran, Kuwait và Saudi Arabia. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2014-2017, quân đội Iraq được sự hỗ trợ của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã chiến đấu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tình hình an ninh tại Iraq đang ngày càng được cải thiện kể từ khi các lực lượng vũ trang nước này đánh bại tổ chức IS hồi năm 2017. Tuy nhiên, những tàn dư của tổ chức cực đoan này vẫn trà trộn vào các đô thị, lẩn trốn trên sa mạc, các khu vực bất ổn khác và thường xuyên gây ra các vụ tấn công.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Thế giới và Việt Nam)