Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, đơn vị này nhận được đơn thư của một số công ty phản ánh về việc hàng hóa trong container bị rút ruột trên đường vận chuyển từ khu công nghiệp đến cảng và ngược lại.
Tình trạng “rút ruột” container diễn ra ngày càng tình vi, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Cụ thể, liên tiếp trong 3 ngày cuối tháng 10/2010, công ty dệt Texhong Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã xảy ra ba vụ mất trộm vải sợi. Số hàng hóa này được chở trong 6 container từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch về cảng Cát Lái (Sài Gòn) để xuất đi Trung Quốc. Tổng giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Không lâu sau, Cảng ICD Long Bình cũng phản ánh, từ ngày 22/1- 30/3/2011, Cảng cũng xảy ra 5 vụ mất trộm hàng trên đường vận chuyển. Thiệt hại ước tính khoảng 11 tỷ đồng. Ngày 26/8/2011, hai container tiêu hạt vận chuyển từ ngã 4 Sở Sao đến cảng ICD-Phước Long 3 (Q. Thủ Đức, TP.HCM) cũng bị mất 30 nghìn kg, trị giá 1, 6 tỷ đồng.
Sau nhiều tháng phối hợp điều tra cùng công an các tỉnh thành, Ban chuyên án đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can 9 đối tượng, bắt tạm giam 7 đối tượng gồm: Trần Trí Trung, Trương Vĩnh Trà, Nguyễn Trọng Linh, Lê Văn Bé Năm, Trần Anh Đức, Vũ Đức Nhí, Phạm Hoàng Hiển. Địa bàn hoạt động của các đối tượng này chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang.
Để thực hiện trót lọt các phi vụ, bọn chúng đã móc nối với một số tài xế container biến chất. Sau đó thống nhất địa điểm dừng xe để dùng kìm, cờ-lê, búa… phá niêm phong kẹp chì, chôm hàng. Hàng được lấy ra, mọi thứ lại được niêm phong như cũ, vận chuyển hàng ra cảng. Nhóm đối tượng nói trên hoạt động trong thời gian dài và chiếm đoạt trái phép hàng trăm tỷ đồng bằng các thủ đoạn tinh vi này.
Trao đổi với Người đưa tin, giám đốc một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Những kẻ trộm cắp hàng hóa trong container làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp trong nước. Nhiều đối tác nước ngoài còn nghi ngờ doanh nghiệp làm ăn gian dối. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng điều tra, không ít công ty đã phải chi ra khoản tiền lớn bồi thường cho đối tác nhằm giữ uy tín và duy trì mối làm ăn”.
Để đối phó với nạn “rút ruột” container, nhiều công ty đã tự hàn lại bản lề cửa thùng container và đánh dấu bằng ký hiệu riêng. Khi hàng được chuyển đến nơi quy định, người giám sát lập tức kiểm tra, nếu có dấu vết tác động sẽ yêu cầu tài xế giải trình, làm rõ.
Về vấn đề trên, thượng tá Nguyễn Phúc Thuận, trưởng Phòng 3 – Cục Cảnh sát Hình sự cho biết: Chúng tôi đã phát hiện nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng container. Nếu các DN vận tải tuyển chọn kỹ đội ngũ lái xe, các DN thuê dịch vụ cử người giám sát hàng hóa chặt thì chuyện ăn cắp rất khó xảy ra”. Cũng theo thượng tá Thuận, để ngăn chặn nạn “rút ruột” container, lực lượng công an các địa phương, cần thu thập tài liệu, tuyên truyền cho các doanh nghiệp vận tải và xuất khẩu biết phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này…
Cần nâng cấp thiết bị kiểm tra
PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho biết: “Tình trạng này không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra cách đây vài năm. Tuy nhiên, số đối tượng bị phát hiện, xử lý so với số lượng lớn hàng hóa bị rút ruột, lấy cắp là còn rất nhỏ. Cần trừng trị nghiêm loại tội phạm này để có tính răn đe. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, e rằng dịch vụ logistics (giao nhận hàng hóa – PV) của chúng ta cũng bị tai tiếng. Theo tôi, nên thay đổi, nâng cấp các thiết bị kiểm tra, tận dụng sự phát triển của công nghệ để phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt trong container, chứ không nên dừng lại ở việc kiểm tra hàng cấm, hàng lậu như hiện nay”.
Đã xảy ra hơn 20 vụ “rút ruột” với quy mô lớn Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), từ năm 2007 đến nay, có khoảng hơn 20 vụ “rút ruột” container đã xảy ra với doanh nghiệp trong hiệp hội, gây thiệt hại hàng triệu USD và ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu. Chỉ tính riêng vụ mất trộm 600 thùng hạt điều trên đường vận chuyển cho đối tác, Công ty Donafoos (Đồng Nai) đã thiệt hại lên đến 102.000 USD. |
Chí Công