Hàng loạt các ví điện tử đang phát đi thông báo yêu cầu người dùng bổ sung thông tin cá nhân để xác thực tài khoản. Theo đó, thông tin mà chủ sở hữu ví điện tử cần phải cung cấp gồm ảnh chụp mặt trước và sau chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn cho các đơn vị quản lý ví điện tử để hoàn tất thủ tục xác thực tài khoản.
Điển hình, ví điện tử MoMo, 1 trong những đơn vị đi đầu trong việc tuyên truyền xác thực thông tin người dùng ví rộng rãi ra xã hội và yêu cầu xác thực mỗi khi người dùng ví điện tử bật ứng dụng MoMo lên chuẩn bị thanh toán bằng bốn bước: Đăng nhập ví điện tử MoMo, chọn icon “Ví của tôi” (góc phải, bên dưới); chọn thiết lập, xác thực tài khoản, chọn xác thực để bắt đầu; chọn loại giấy tờ để xác thực (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu) và chụp ảnh mặt trước và mặt sau còn thời hạn.
Theo tìm hiểu của PV, Việt Nam hiện có 29 ví điện tử thuộc các tổ chức trung gian thanh toán và ngân hàng. Các chuyên gia đánh giá thị trường ví điện tử Việt Nam trước đây hoạt động khá mờ nhạt. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, loại hình thanh toán này được nhiều người dân ưa chuộng nhờ những kết nối dễ dàng với các dịch vụ. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, đến năm 2020 sẽ đạt 10 triệu người dùng ví điện tử. Tuy nhiên, người tiêu dùng lo ngại về tính an toàn của việc ví điện tử yêu cầu xác thực thông tin.
Trả lời báo chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: “Ngày 7/7 sắp tới là hạn cuối cùng để các chủ ví điện tử hoàn tất việc kê khai xác minh danh tính của mình. Đây là việc sửa đổi lại Thông tư 39 ban hành từ 2014. Lý do phải sửa đổi lại bởi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng ví điện tử”.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian vừa qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng đến an toàn. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính, đến 7/7 này sẽ hết hạn.
“Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng. Nếu có sự tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng ví, các ví điện tử sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng”, ông Tú nhấn mạnh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xác thực này sẽ làm tăng tính bảo mật cho người dùng ví điện tử và các công ty cung ứng ví điện tử phải cam kết chỉ sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng vào mục đích duy nhất là xác minh tính chính danh của người chủ tài khoản ví điện tử và các nhà cung ứng ví điện tử không được cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng cho bên thứ ba.
Bên cạnh đó, việc hoàn tất xác thực thông tin người dùng đã hỗ trợ cơ quan quản lý trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, sau ngày 7/7, những tài khoản ví điện tử chưa xác thực sẽ bị tạm khóa dịch vụ. Chủ sở hữu ví điện tử có thể giao dịch trở lại sau khi hoàn tất việc xác thực. Tiền trong ví điện tử của người dùng được bảo toàn, hoặc dễ dàng rút về tài khoản ngân hàng liên kết bất kỳ lúc nào.
Các chuyên gia an ninh nhận định, việc xác thực thông tin giúp bảo vệ quyền lợi của người dùng cũng như phục vụ công tác phòng chống tội phạm, phòng chống rửa tiền của Nhà nước. Quy trình xác thực từ xa danh tính cá nhân trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đều có yêu cầu bước cuối cùng là chụp hình trực tiếp mặt người chủ tài khoản hoặc quay video trực tuyến.
Ngân Giang
Mới đây, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Cimigo (1 công ty nghiên cứu thị trường độc lập) tại 2 địa bàn Hà Nội và TP.HCM với tổng cộng 505 đáp viên độ tuổi từ 18 đến 45 cho thấy, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố chính của Việt Nam, các ví này chiếm 90% thị phần người dùng ví điện tử. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn và đặt xe công nghệ. Trong đó, Momo và ZaloPay được dùng nhiều nhất để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và thanh toán hóa đơn định kỳ. Moca được dùng chủ yếu cho nhu cầu thanh toán xe công nghệ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền và giao đồ ăn.