Chiều 8/11, tiếp tục chương trình làm việc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, các Đại biểu đã có nhiều câu hỏi, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau gửi đến người đứng đầu Chính phủ.
Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền (Đại biểu đoàn Cần Thơ) đã gửi đến Thủ tướng Chính Phủ về vấn đề liên quan đến quy mô nền kinh tế của chúng ta.
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Quyền, đây là con số rất quan trọng để chúng ta xây dựng, đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mà chúng ta chuẩn bị trình cho Đại hội Đảng.
Quan tâm đến việc đánh giá lại quy mô nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Quyền - TP Cần Thơ cho biết, vừa qua Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2017 và đã công bố kết quả quy mô GDP năm 2017 đạt 275 tỷ USD thay cho con số 220 tỷ USD công bố trước đó. Nếu tính cả tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 vào năm 2019, quy mô GDP của năm 2019 đã đạt ngưỡng khoảng 310 tỷ USD thay cho ngưỡng 266,5 tỷ USD mà Chính phủ đã báo cáo.
Từ đó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam đặt câu hỏi: “Tôi xin hỏi quan điểm của Thủ tướng, chúng ta có công nhận kết quả của công tác đánh giá lại quy mô nền kinh tế hay không? Trường hợp chúng ta công nhận, con số này sẽ là điều rất quan trọng để chúng ta xây dựng, đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mà chúng ta chuẩn bị trình cho Đại hội Đảng”.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu chúng ta tính theo quy mô GDP mới thì sẽ tăng 25,5%. Hiện nay chúng ta đã trên 267 tỷ USD, tính mới theo số này là trên 310 tỷ đôla.
Theo Thủ tướng, cách tính này chỉ áp dụng sau năm 2020 chứ không tính ngay bây giờ.
"Cho nên, không phải vì bệnh thành tích mà chúng ta tính lại. Tất cả số liệu đưa ra hôm nay là số liệu cũ, chưa tính số liệu mới. Ngay các Văn kiện Đại hội Đảng chúng tôi đã cùng đóng góp thì đều tính số liệu cũ, chưa tính số liệu mới. Việc tăng GDP là thông lệ quốc tế, nước mình cũng như các nước định kỳ một số thời gian đánh giá lại quy mô GDP.
Cách đánh giá của chúng ta là công khai, minh bạch theo đúng quy định quốc tế, nhất là trong quá trình tính toán GDP chúng ta đã mời Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF, đại diện Liên hiệp quốc cùng thảo luận, cùng đánh, cùng giá xác định quy mô GDP Việt Nam", Thủ tướng thông tin trước Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, ở nhiều nước, việc tính quy mô GDP rất cụ thể và chi tiết, còn chúng ta lại bỏ sót nhiều thứ: “Tôi báo cáo Quốc hội quy mô GDP tính nâng lên, chưa tính kinh tế ngầm, chưa tính kinh tế chính thức mà mới tính và cái bỏ sót thôi, trước hết là 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa tính, rồi một số hộ cá thể chưa tính hết...
Cho nên nền kinh tế của chúng ta còn bỏ sót rất lớn về quy mô trong khi các nước họ tính mua một cái ốc vít, một que tăm đều có hóa đơn chứng từ, còn chúng ta thậm chí mua xe máy, mua tivi hay mua mọi thứ đều không có chứng từ. Trong tính toán chúng ta bỏ sót rất nhiều và thất thu về thuế rất lớn”.
Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề trong câu trả lời của mình: “Chúng ta hàng năm có hàng triệu ô tô, hàng vạn nhà lầu, xe ca, nhưng họ tính thuế nộp bao nhiêu?”.
“Tôi xin nói đấy là cái công khai, còn cái ngầm khác là chưa tính đâu. Cho nên việc tính toán lại GDP là điều rất cần thiết và đây cũng là thông lệ quốc tế bình thường”, Thủ tướng kết thúc câu trả lời đối với đại biểu Nguyễn Văn Quyền.
Về vấn đề kinh tế tư nhân của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh) đặt ra ở nghị trường, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước chúng ta xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng phát triển đất nước. Đặc biệt với lĩnh vực kinh tế tư nhân, lần này chúng ta có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
“Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân, các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó”, Thủ tướng cho hay.
Về sự đóng góp của kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua. Đặc biệt các tập đoàn này đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển.
“Đảng, Nhà nước chúng ta hoan nghênh vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian vừa qua và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói nếu doanh nghiệp tư nhân nào làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước phát triển, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ, nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy. Chúng ta không hề phân biệt giữa kinh tế tư nhân và nhà nước, chúng ta bình đẳng các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Công Luân - Hoa Liên