Nhưng có thể tất cả sẽ không còn giá trị. Số thuê bao di động có thể được nối dài thêm từ 10 số lên 11 số. Điều này vừa được Bộ TT&TT đưa ra trong buổi làm việc với Liên minh Viễn thông thế giới...
Phương án “đang nghiên cứu”
Qua truyền thông, ông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã dẫn lời Tổng thư ký liên minh Viễn thông thế giới rằng, những tồn tại của viễn thông Việt Nam cũng là những tồn tại của viễn thông thế giới, trong đó có thuê bao ảo. Trước băn khoăn về vấn nạn số ảo khiến kho số của các nhà mạng bị sử dụng phung phí, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đã bình luận rằng thuê bao ảo dẫn đến nhiều bất lợi cho chính các nhà mạng, từ việc giảm doanh thu, kéo lùi tỷ suất lợi nhuận, nguy cơ mất an ninh mạng và làm loãng thương hiệu.
Cũng trong buổi làm việc với Liên minh Viễn thông thế giới, Bộ TT&TT đã đưa ra ý tưởng có thể sẽ nối dài số thuê bao di động từ 10 số lên 11 số. Đây không phải là lần đầu tiên phương án kéo dài số thuê bao được nhắc đến. Năm 2007, các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã đề xuất phương án này vì số lượng thuê bao phát triển quá nóng khiến kho số bị cạn.
Đang có hiện trạng rất nhiều thuê bao mới khi sử dụng hết tiền lần đầu sim sẽ bị vứt đi
Tuy nhiên, do giữa các nhà mạng không thống nhất được quan điểm nên Bộ TT&TT quyết định mở thêm đầu số 01 thay vì kéo dài số đầu 09. Trước nhu cầu tăng thêm kho số thuê bao di động để phát triển các nhà mạng, Bộ TT&TT có thể xem xét tăng thêm một chữ số trong dải thuê bao đầu 09 thay vì cấp thêm đầu số mới cho các nhà mạng. Nếu điều này thành sự thực thì hàng triệu thuê bao di động sẽ phải đăng ký lại.
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT& TT cho biết, hiện đang có một nhóm nghiên cứu phương án kéo dài số thuê bao di động từ 10 lên 11 số nhưng ông Hải từ chối bình luận khi phương án còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Tài nguyên số tiếp tục bị lãng phí?
Tính đến hết tháng 5/2011, tổng số thuê bao di động của cả nước đạt 112, 3 triệu thuê bao trên 83 triệu dân. Như vậy, trung bình mỗi người dân Việt Nam dùng 1, 5 thuê bao di động. Trong khi hàng chục triệu người không có điện thoại di động, thì có những người dùng phung phí hàng chục sim.
Hãy thử hình dung, nếu cứ dùng thỏa mái rồi hết lại phát hành và vấn đề mở thêm kho số lúc nào cũng được đặt ra, theo logic này, sẽ có ngày số điện thoại của chúng ta có thể lên tới 12 số, 13 số, thậm chí còn dài hơn nữa. Các nhà mạng cần phải có trách nhiệm trong việc sử dụng kho số. Doanh nghiệp cứ thấy có lợi là làm, để các nhà mạng có trách nhiệm hơn, không cách gì khác là phải có chế tài bằng luật. Mở rộng kho số cho nhà mạng nghĩa là nhà mạng chứng tỏ được sức phát triển nhanh mạnh, có số lượng khách hàng khổng lồ, thương hiệu mạnh.
Hiện nay chúng ta chưa có một Hiệp hội viễn thông nên để tìm được một chuyên gia có thể đưa ra những ý kiến phản biện trong lĩnh vực viễn thông trên báo chí là điều không dễ. Một chuyên gia giấu tên cho rằng: "Khai thác kho số cũng như khai thác bất kỳ một tài nguyên nào của đất nước, không có kênh rà soát, tạo áp lực cho việc khai thác triệt để và sử dụng hợp lý kho số thì sẽ để lại nhiều hệ quả phiền hà. Lãng phí tài nguyên số sẽ dẫn đến phiền toái về xã hội và không thể tiếp tục diễn tiến mãi cái logic và cung cách quản lý này. Trên thế giới không ai quản lý như chúng ta. Họ bắt buộc cho một số điện thoại nhất định”.
Chưa nói đến việc lãng phí kho số mà lãng phí đến cả chi phí làm ra hàng trăm triệu sim để rồi bỏ sọt rác. Trong hàng trăm triệu sim phát hành trên thực tế chỉ vài chục triệu sim phát sinh cước, chi phí doanh nghiệp khi phát hành sim là rất lãng phí. Doanh nghiệp hạch toán chi phí vào lợi nhuận và như thế ngân sách nộp thuế ít đi, thiệt hại về nhà nước. Chẳng khác nào đem tiền nhà nước để rải ra đường để đem lại danh tiếng và doanh thu cho các nhà mạng.
"Thay đổi một thói quen phải mất thời gian, mất chi phí"
"Hiện nay VinaPhone chưa thiếu, kho số hiện nay là vừa đủ, chắc đây là việc tính cho tương lai. Ý tưởng muốn kéo dài số, không cấp thêm đầu số nữa cũng là hợp lý. Việc quản lý sim ảo hiện nay cũng đang có những tín hiệu tốt sau khi được Bộ siết lại. Kéo dài số thuê bao còn phải phụ thuộc vào các nhà mạng khác và đây là việc phải có một sự nghiên cứu. Vấn đề này không phức tạp dưới góc độ kỹ thuật nhưng quan trọng là phải quảng bá với mọi người. Nối thêm số sẽ có ít nhiều bất tiện cho người sử dụng, để thay đổi một thói quen cần phải mất thời gian, mất chi phí. Tôi chưa hiểu rõ cụ thể ý tưởng này nhưng có lẽ cũng giống như việc mở rộng số điện thoại cố định trước kia, có thể sẽ thêm số đuôi, số đầu".
(Phó Giám đốc thường trực của VinaPhone Hoàng Trung Hải)
Lại Quỳnh