Nhà tôi sống ở một khu tập thể ở quận Đống Đa. Trong khu có một cái sân chơi, lũ nhóc trong khu chơi bóng ở cái sân chơi ấy. Trận bóng của bọn trẻ có thể kéo dài khoảng 2 tiếng. Sau mỗi trận đấu, ông nhóc nào cũng mồ hôi nhễ nhại, hẹn nhau hôm sau ra chia đội chiến đấu tiếp, tinh thần thi đấu của các cầu thủ nhí chẳng kém gì Nhật Bản với Saudi Arabia ở World Cup.
Cái sân chơi ấy còn là chỗ để tập thể dục của các cụ già, chỗ tập múa của các bà các cô để chuẩn bị diễn ở phường, là nơi để tổ chức sự kiện, chẳng hạn trung thu của Tổ dân phố, các cháu nhỏ tham dự đều có quà để mang về. Một không gian công cộng, của cộng đồng.
Tính cả dân lao động ngụ cư thì Hà Nội có lẽ ngót chục triệu dân, cái thiếu nhất là những sân chơi cho trẻ nhỏ, những không gian công cộng cho cả cộng đồng. Không có những sân chơi này, bọn trẻ sẽ ở nhà, cầm lấy cái điện thoại hoặc máy tính bảng, cắm đầu vào đấy, ít hít thở khí trời, ít giao tiếp xã hội hơn, ít vận động hơn.
Việc cần phải có sân chơi, có công viên, có không gian công cộng, các nhà quản lý, nhà quy hoạch, các chuyên gia đã nói nhiều. Hà Nội sẽ cần phải tạo thêm nhiều những cái không gian như này. Các công viên như công viên lâu năm như Thống Nhất, Tuổi trẻ…đều xuống cấp rất nhiều. Muốn cải tạo lại thì lại là vấn đề “đầu tiên”.
Giữa lúc vẫn cứ thiếu sân chơi, thì báo chí nói nhiều đến việc một cái công viên là Công viên Thiên văn học được xây dựng tại quận Hà Đông vẫn chưa được đưa vào sử dụng dù đã gần như hoàn thiện. Công viên này có diện tích 12ha, chi phí xây dựng đâu cả trăm tỷ, mà mãi dân chưa được dùng, trẻ em không được vào chơi.
Tôi từng thử ra đó xem sao. Cảm giác đầu tiên là xót xa, cái công viên có ý tưởng rất tốt, với những mô hình chủ đề vũ trụ, các hành tinh được dựng lên – Và bắt đầu xuống cấp.
Công viên xây theo mô hình mở, nhưng 4 bề xung quanh được rào chắn lại một cách thô sơ, có vài ông bảo vệ canh, nhiệm vụ là rình xem có đứa nhóc nào tìm cách vào chơi thì đuổi nó ra. Khi tôi đứng ở đó, thì thấy cảnh mấy đứa nhóc được mẹ đưa đến, nhưng vô cùng thất vọng khi công viên chưa mở cửa, không được vào chơi. Một ông bố thì chất vấn “sao xây xong rồi mà không mở ra cho dân vào”, bảo vệ chỉ lắc đầu “không là không”. Ông bố đành dắt đứa con gái đi về trong sự thất vọng.
Công viên Thiên văn học này nằm trong một khu đô thị mới, với nhiều biệt thự, nhà liền kề và chung cư. Nhưng bọn trẻ con thì chưa được vào cái sân chơi này, chưa được quyền chơi.
Trong khi đó, thì ở một chỗ khác, vẫn là Hà Nội, thuộc khu vực phường Phúc Tân, một cái sân chơi cho trẻ em được dựng lên. Tôi cũng tò mò ra đây xem thử.
Khu vực này trước kia vốn được coi là “xóm liều” của Hà Nội, dân lao động tứ xứ đến đây rồi cư ngụ. Một nhóm tình nguyện của mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” khởi xướng thực hiện cái sân chơi này. Chi phí của cái sân chơi này chưa đến chục triệu đồng, với những đồ chơi được làm từ gỗ, tre, lốp xe cũ.
Chục triệu, nhưng trẻ con “xóm nhà nghèo” đã có cái sân để mà chơi, mà vận động, mà gặp nhau, tranh cãi nhau. Chúng nó chơi, cười vui lắm.
Chỗ chục triệu ở khu “ngoài bãi”, từ ý tưởng ban đầu, người ta làm vài hôm là xong. Còn như báo chí đưa tin, cái công viên Thiên văn học chi phí cả trăm tỷ này chưa được đưa vào sử dụng, vì xây dựng sai qui hoạch, vi phạm trật tự xây dưng.
Tôi đọc thấy các cấp quản lý cùng chủ đầu tư (là tập đoàn Nam Cường) đang tìm cách, tìm phương án tháo gỡ, bao giờ có phương án hợp lý, công viên được mở ra, thì có lẽ các cháu mới được chơi. Cái “tìm phương án” này cũng hơi lâu, đến cả vài năm rồi chưa xong.
Mong các bác sớm tìm ra phương án, các cháu nó còn có chỗ mà chơi. Nhìn bọn trẻ đi ngang qua Công viên Thiên văn học, ngóng vào trong, thấy tội cháu quá.
Trần Quang Thái (Hà Nội)