Danh lam thắng cảnh đệ nhất miền Tây
Từ đầu thế kỷ 20, trên đỉnh núi Cấm đã có khá nhiều chùa miễu, am, động như chùa Phật Nhỏ, chùa Phật Lớn, Trung Sơn Thiên Tự … trong đó có một ngôi chùa đã đi vào ký ức của nhiều người, lúc đầu chỉ là một cái am nhỏ được hình thành từ năm 1927, nay là chùa Vạn Linh. Năm 1995 chùa được thiết kế và xây dựng lại theo lối kiến trúc vừa mang sắc thái Á Đông vừa mang tính hiện đại bao gồm chánh điện, nhà tổ, bảo tháp, lầu chuông, tháp tổ. Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật giữa một khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa phong cảnh u tịch của núi rừng, chẳng khác nào một kiệt tác của kiến trúc phong cảnh thời nhà Nguyễn:
Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên.
Quang cảnh chùa Vạn Linh. |
Đối diện với chùa Vạn Linh là chùa Phật Lớn đang trùng tu với dáng vẻ uy nghi và trầm mặc. Bên phải, hướng Tây là tượng đài Phật Di Lặc cao 31,6 m với nụ cười an lạc và thánh thiện. Nhờ có một cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và trong lành, được mệnh danh là “Đà Lạt 2” nên khu hành hương núi Cấm mỗi năm thu hút gần nửa triệu du khách, đông nhất là vào các mùa lễ hội, ngày rằm và ba mươi.
Hướng tới, khu du lịch sẽ ra sức bảo tồn rừng nhiệt - ôn đới gồm cây, thú, rừng đặc chủng, rừng hỗn giao, rừng trồng để làm xanh hóa môi trường và làm tăng thêm vẻ phong phú cho khu du lịch. Đặc biệt là chùa Vạn Linh nằm cạnh một khu rừng tràm bông vàng và keo tai tượng quanh năm xanh mát tuyệt vời.
Khách hành hương về chùa Vạn Linh - núi Cấm . |
Một khi các hạng mục công trình được xây dựng hoàn chỉnh, khu du lịch núi Cấm sẽ giữ được nét hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc với công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, thác, hang động để núi Cấm nói chung, chùa Vạn Linh nói riêng thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo nhứt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tháng Giêng lên núi hành hương
Chính vì núi Cấm là vùng thủy tú sơn kỳ, nơi có rất nhiều danh lam thắng cảnh, đặc biệt là vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, hấp dẫn du khách nên từ sau Tết Nguyên đán đến qua rằm tháng Giêng, người miền Tây thích lên núi du xuân, chiêm bái với mong ước năm mới mọi sự tốt lành.
Chiêm bái tượng Phật Di Lặc - núi Cấm. |
Khách lên núi du xuân gồm đủ các thành phần, có cả Việt kiều và khách nước ngoài. Trên đường lên núi Cấm, có người đi bộ, có người đi xe ôm nhưng đa phần đều thích loại xe đặc dụng của Công ty du lịch.
Vừa lên tới hồ Thủy Liêm, trung tâm khu du lịch và hành hương, mọi người đều rộn ràng, tất bật, kẻ leo núi, người lên chùa, ai ai cũng cảm thấy lòng thanh thản như bỏ lại sau lưng tất cả những tính toán lo âu để hòa mình vào đất trời bao la. Mọi người đi núi trong dịp Tết là để trải lòng mình cùng với trời đất và tìm sự khuây khỏa. Họ đi từng đoàn, từng nhóm, đông đến nỗi các khu vực xung quanh chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc không còn lối đi (đông nhất là từ mùng 4 đến rằm tháng Giêng. Đa số người lớn tuổi đi viếng chùa hoặc dừng chân nơi các quán võng để thư giãn, tai lắng nghe tiếng gió rừng mà tâm hồn cảm thấy lâng lâng. Những người trẻ tuổi thì thích nô đùa, tắm suối, thưởng thức các loại đặc sản núi rừng hoặc tổ chức liên hoan dã ngoại ngay dưới gốc cây, tảng đá hoặc bên bờ suối. Ngoài ra còn có một lực lượng không nhỏ, đa phần là phụ nữ, nặng về mê tín thường tìm đến các am, cốc... miễu để cúng vái và xin xăm.
Việc ăn ngủ trên núi cũng không kém phần thú vị. Có người ngủ chùa, có người ngủ nhà trọ. Còn ăn, uống thì thoải mái, từ món chay đến món mặn, hầu hết đều là cây nhà lá vườn, nhiều nhất là xoài, mít, mãng cầu... Nếu thích có thể ăn bánh xèo trừ cơm, vì khu du lịch núi Cấm có tới hàng trăm quán bánh xèo phục vụ từ sáng đến tối.
Có nhiều gia đình năm nào qua Tết cũng dẫn cả vợ con lên núi đổi gió. Có năm họ dừng lại ở núi Sam (Châu Đốc), viếng lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, sau đó mới tiến về núi Cấm và ngủ đêm trên đó. Trong suốt hành trình, mọi người vừa vãn cảnh vừa chiêm bái các nơi thờ phụng khiến tâm hồn trở nên an lạc, quên hết những phiền muộn lo âu. Chính không gian yên tịnh của núi rừng đã giúp mọi người tìm được suối nguồn yêu thương. Sau chuyến đi, ai cũng cảm thấy lạc quan, yêu đời và sau khi trở về thì tinh thần lao động, học tập… đều tốt hơn.
Hình như núi non có một sức hút kỳ lạ đối với người thành thị. Mặc dù trên núi thiếu mọi tiện nghi, nhà trọ sơ sài, quán ăn quán nước đơn sơ mộc mạc, thế nhưng ai nấy cũng đều say mê thích thú như lạc vào một thế giới thần tiên đầy hoa thơm cỏ dại, không khí trong veo, đến đâu cũng có người mời vào nhà nằm võng, uống nước, hoàn toàn xa lạ với cảnh đua chen, vội vã của thị thành.
Lên núi lễ chùa không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn là một nét đẹp văn hóa vì một khi con người tin vào luật nhân quả tức họ sẽ giảm bớt những hành động xấu. Đúng là một cuộc hành hương đầy ý nghĩa và mang tính nhân văn cao quý. Nhiều người lên núi để có dịp chia sẻ, mở rộng lòng bao dung và cầu mong mọi việc được tốt lành. Do đó, trước khi xuống núi họ thường thắt gút các ngọn cây, ngọn cỏ với tâm ý gởi lại tất cả những gì phiền muộn lo âu và mang về những niềm vui, hạnh phúc, điều tốt lành.
Núi Cấm không chỉ là nơi khí hậu trong lành mát mẻ mà còn là nơi chứa đựng một kho tàng văn hóa đậm chất dân gian với nhiều huyền thoại hấp dẫn. Mới đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã bình chọn Khu du lịch núi Cấm là một trong năm khu du lịch tiêu biểu của ĐBSCL nên du khách chọn nơi này để làm điểm hẹn ngày càng đông.
Theo Tin tức Việt Nam