"Hành nghề luật sư, nỗi buồn nhiều vô kể"

"Hành nghề luật sư, nỗi buồn nhiều vô kể"

Thứ 5, 14/02/2013 17:25

Là một luật sư tham gia quá trình tố tụng trong nhiều vụ án lớn về hình sự, kinh tế trong hơn 20 năm qua, ông Phan Trung Hoài có những trải nghiệm đặc biệt trong đời sống pháp lý cộng đồng và muốn chia sẻ một góc nhìn khác về hoạt động dịch vụ pháp lý trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay.

Con cái ai nào chọn mẹ cha...

Mọi người biết đến ông trong vai trò một luật sư bào chữa nổi tiếng trong nhiều vụ án lớn, nhưng tôi vẫn thắc mắc nghề luật đã chọn ông hay ông chọn nghề luật?

Khi chọn khối C thi vào khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977, tôi không hề biết rằng mình đã trúng tuyển và được chuyển sang khoa Pháp lý chỉ vì đã làm lạc đề chính môn Văn? Những năm tháng đời sinh viên, rồi sau này trải qua đời quân ngũ cho tôi một cái nhìn về sự tận hiến trong đời sống. Phần nữa, tôi nghĩ "con cái ai nào chọn được mẹ cha..." nên cố gắng chú tâm trong chuyện học hành. Vì thế, thực sự tôi đã không chọn nghề luật mà chính ngã rẽ bất ngờ này làm cho nghề Văn bớt được một người viết không có năng khiếu (cười). Có nhiều điều không giải thích và tiên lượng trước được, kể cả phận mình trong dòng chảy của đời sống tự nhiên. Được hành nghề luật trong một khoảng thời gian nhiều giông bão của đời sống tố tụng những năm qua là một hạnh phúc hiếm hoi mà cuộc sống ban tặng cho mình rồi...

Luật sư - 'Hành nghề luật sư, nỗi buồn nhiều vô kể'

Luật sư Phan Trung Hoài. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo đuổi nghề luật đã hơn 26 năm, chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Thực sự những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình hành nghề rất nhiều nhưng niềm vui thì hiếm, nỗi buồn thì nhiều vô kể. Nghề nghiệp cho tôi được dịp tiếp xúc với nhiều số phận, nhiều người trong số họ vướng vào lòng lao lý, đau lòng lắm. Có nhiều phán quyết sáng rõ, thậm chí được minh oan nhưng họ không dễ gượng dậy và nguôi ngoai, rất khó trở lại đời sống bình thường được nữa. Với tôi, quá trình được hành nghề cùng cố luật sư lão thành Nguyễn Thành Vĩnh nhằm bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn An Trung – Việt kiều Nhật Bản trong vụ án 118 xe ô tô tay lái nghịch xảy ra tại công ty liên doanh Sài Gòn Ô tô được coi là kỷ niệm để lại dấu ấn sâu sắc nhất đối với tôi. Điều đáng nói ở đây là tôi “học" được rất nhiều từ chính khách hàng của mình, từ tâm thế đáng kính của luật sư Nguyễn Thành Vĩnh và hiểu ra đó là một phán quyết hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa...”. Nhưng kỷ niệm buồn thì nhiều lắm, vì nhiều trong số họ là người đứng đầu doanh nghiệp, khi bị bắt tạm giam, kéo theo số phận của doanh nghiệp cũng bị sụp đổ.

Mỗi vụ án đều có nguyên cớ của nó

Đứng trước một vụ án, điều đầu tiên mà ông cảm nhận là gì? Có khi nào ông nhìn thấu được suy nghĩ của những người đứng đầu doanh nghiệp khi họ bị vướng vào vòng lao lý?

Tôi nghĩ mỗi vụ án đều có nguyên cớ của nó, nhất là trong điều kiện có sự va đập, không tương thích giữa pháp luật và đời sống. Vì thế, điều nghĩ đến đầu tiên của tôi khi tiếp cận hồ sơ vụ án chính là bối cảnh và nguyên nhân nảy sinh sự việc, các yếu tố tác động đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Tiếp xúc với nhiều người đứng đầu doanh nghiệp bị vướng vào vòng lao lý, tôi hiểu thêm những khó khăn thật sự của họ luôn phải đứng trước những cuộc lựa chọn có tính sinh tử. Đó là việc mong muốn được kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, nhưng pháp luật đó lại chưa theo kịp với đời sống, thậm chí lạc hậu, trở thành lực cản cho việc phát triển kinh tế xã hội, với thực tế khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, muốn vượt rào, tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá...Gốc rễ của vấn đề chính là làm sao tạo được môi trường pháp lý an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp và tạo một thói quen, sự đồng thuận hợp tác, hỗ trợ giữa doanh nghiệp và đội ngũ luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý rất đa dạng hiện nay. Tôi nghĩ, rồi đến lúc các doanh nghiệp cần tính đến việc mua bảo hiểm cho những rủi ro khi sự vận hành gặp phải sự biến động của pháp luật.

Khi dịch vụ pháp lý được coi là một ngành sản xuất vật chất

Nhu cầu tư vấn pháp luật trong các doanh nghiệp rất lớn, nhưng làm thế nào để luật sư đến gần với các doanh nghiệp và trở thành một người cộng sự thân thiết với doanh nghiệp?

Đúng là nhu cầu về tư vấn pháp luật, hỗ trợ về pháp lý đối với các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nhưng vẫn còn là những cản ngại nhìn từ hai phía. Trước hết, về phía doanh nghiệp, do chưa coi trọng việc phòng ngừa rủi ro về các vấn đề pháp lý trong giao kết hợp đồng, cơ chế vận hành nội bộ, cho đến xử lý quan hệ lao động, nên đa phần khi đến với luật sư hoặc đụng chạm đến tố tụng thì nhiều việc thành “sự đã rồi”. Về phần mình, tôi nghĩ tố chất của đội ngũ luật sư cũng cần được nâng lên một bước ngang tầm với đòi hỏi của các doanh nghiệp, nhất là trong tranh chấp thương mại quốc tế; đồng thời xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tính dịch vụ trong hoạt động tư vấn và sứ mạng phục vụ cho doanh nghiệp, cho xã hội của người luật sư.

Ông đã từng đề cập quan niệm cần coi hoạt động dịch vụ pháp lý là một ngành sản xuất vật chất. Ý nghĩa đích thực của quan niệm này là gì ?

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đưa ra các cam kết về dịch vụ pháp lý như là một phần trong các dịch vụ chuyên môn nằm trong phân ngành các dịch vụ kinh doanh. Trừ những hạn chế nêu trong phụ lục kèm theo Nghị quyết 71 của Quốc hội, thực chất phạm vi dịch vụ pháp lý mà Việt Nam cam kết nằm trong Bảng phân loại dịch vụ chủ yếu của Liên Hợp quốc với mã số CPC (Central Product Classification) 861. Vì thế, dịch vụ pháp lý cần được quan niệm là một ngành sản xuất vật chất, bởi hoạt động này có những đóng góp, tích lũy và chiếm tỷ trọng nhất định trong nguồn thu dịch vụ, hàm lượng tư duy pháp lý được cấu thành trong giá trị sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.

Chân thành cảm ơn ông!

Minh Thư (Phong cách Doanh nhân)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.