Dù xã hội phát triển, nhưng quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình. Có những cặp vợ chồng vì sinh con gái một bề mà rơi vào cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Thậm chí, không ít ông chồng bắt vợ sinh con thứ ba, thứ tư... cố kiếm bằng được mụn con trai.
Trò chuyện với PV báo điện tử Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Nguyên (SN 1978, Vĩnh Phúc) không giấu nổi những giọt nước mắt xót xa: “Nhiều lúc tôi thấy mặc cảm với bản thân mình, tôi thấy áp lực vì không thể sinh nổi cho chồng một thằng con trai nối dõi tông đường”.
Chị Nguyên kể rằng, khi sinh con gái đầu lòng, chồng chị đã tỏ ra buồn, ít nói và thường hay cáu gắt. Chị cũng đoán được là lý do vì sao chồng chị lại như vậy, bởi anh là con trưởng, anh muốn có con trai để nối dõi tông đường.
“Gia đình nhà chồng tôi có 6 người con nhưng đến 5 gái, đến người thứ sáu mới có được con trai là anh. Ngày đó anh bảo, do áp lực dòng họ nên nhất định phải đẻ được con trai để nối dõi tông đường, nên giờ đến đời anh bằng bất cứ giá nào cũng phải có con trai. Vậy là sau sinh được hơn 1 năm vợ chồng tôi lại lên kế hoạch sinh con và trong đầu anh luôn có suy nghĩ “phải sinh bằng được con trai”, chị Nguyên tâm sự.
Nhưng ông trời không chiều lòng người, khi bầu được hơn 3 tháng chị đi siêu âm bác sĩ kết luận là con gái. Từ ngày đó, chồng chị càng trở nên lầm lì, ít nói hơn. Chưa kể, anh là dân xây dựng nên đi từ sáng tới tối không về nhà. Còn bố chồng, suốt ngày hậm hực, đi ra đi vào nói bóng gió con dâu không biết đẻ
Nhớ đến những ngày tháng đó, chị Nguyên gạt nước mắt: “Suy nghĩ “phải có con trai” nó đã ăn sâu vào tư tưởng của gia đình nhà chồng tôi rồi. Hai đứa con gái của tôi dường như không dám gần bố, ông bà nội. Chồng tôi còn nói nhìn con gái là thấy ngứa mắt. Đến khi 2 con gái tôi đã bắt đầu đi học, chồng lại bắt tôi sinh tiếp, chế độ ăn uống đầy đủ để có được quý tử.
Có lần, trong lúc say, chồng chị quả quyết: “Phải đẻ đến khi nào được thằng cu thì dừng lại”. Chị có nói: “Trai hay con gái đâu quan trọng, miễn sao sau này mình nuôi dạy chúng nên người”. Nghe vậy, chồng chị lại quát mắng. Sinh 2 con gái, không khí gia đình chị Nguyên căng thẳng hơn nhiều. Đi đến đâu chị cũng được anh em, bạn bè hỏi bao giờ mới sinh quý tử cho dòng họ. Những khi đó, chị im lặng và tự nhủ sẽ chăm sóc tốt cho hai cô con gái. Còn anh và gia đình liên tục giày vò chị, ép chị sinh bằng được con trai.
Tuy nhiên, lần mang bầu thứ 3, khi thai mới được hơn 2 tháng thì bị lưu thai. Chồng tôi không hề quan tâm đến sức khỏe của tôi, 3 tháng sau lại bắt tôi có bầu, tôi một mực không chịu và “lửa” đã cháy trong gia đình tôi. Mẹ chồng tôi bênh con trai nên thẳng thừng tuyên bố: “Nếu không đẻ được con trai thì để nó đi kiếm bên ngoài”.
Áp lực, đau đớn khi bị nhà chồng đổ hết tội vì “không biết đẻ” chị Nguyên như mặc cảm trước số phận. Mấy năm gần đây, gia đình chị chưa bao giờ có nụ cười, kinh tế cũng từ đó mà kéo theo xuống. Giờ đã gần 40 tuổi, chị thấy mình không thể sinh quý tử cho gia đình nhà chồng nữa, nhưng còn anh, anh vẫn không hài lòng với hạnh phúc mình đang có.
Mai Thu