Hạnh phúc của chàng "hiệp sĩ công nghệ thông tin một ngón"

Hạnh phúc của chàng "hiệp sĩ công nghệ thông tin một ngón"

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Mặc dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể, không được may mắn như người bình thường, nhưng chàng trai Nguyễn Công Hùng không xem đó là bất hạnh.

"Máy tính đã làm thay đổi cuộc đời tôi"

Chàng trai Nguyễn Công Hùng sinh năm 1982 tại một vùng quê nghèo của huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ngay từ khi sinh ra, cậu bé Hùng đã kém may mắn so với chúng bạn khi mang trong mình những căn bệnh dị tật quái ác. Chính vì sức khỏe quá yếu nên Hùng buộc phải bỏ giấc mơ học hành dù học rất giỏi. Chán nản, bệnh tật triền miên đã vắt kiệt chút tinh thần cuối cùng của Công Hùng.

Hùng kể lại: "Ở nhà, nhìn chúng bạn vui chơi, được đến trường, còn mình thì ngồi một chỗ, bất động khiến tôi chán nản. Có lúc tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa". Thế nhưng, ai ngờ, cuộc đời Hùng đã rẽ sang một ngả khác kể từ khi Hùng "gặp" chiếc máy vi tính trong một lần ra Hà Nội chơi. Lúc đó, máy vi tính, mạng internet đối với Hùng là cả một thế giới mông lung nhưng đầy hấp lực. Chính nó đã kết nối anh đến với mọi người, giúp anh hiện thực hóa được những giấc mơ của mình.

Sau gần 2 năm tự mò mẫm bằng bàn tay khó nhọc với chiếc máy vi tính, Hùng đã thực sự tìm được chính mình khi quyết định trở thành một người hiểu biết về tin học dù vẫn phải ngồi bất động trên xe lăn.

Pháp luật - Hạnh phúc của chàng 'hiệp sĩ công nghệ thông tin một ngón'

Nguyễn Công Hùng nhận giải cá nhân tình nguyện xuất sắc.

Đồng cảm với những hoàn cảnh của những người khuyết tật như mình, Công Hùng đã nhen nhóm ý tưởng thành lập câu lạc bộ tình nguyện "Nối vòng tay lớn", chuyên đi hướng dẫn sử dụng máy vi tính và phổ cập kiến thức tin học cho những thanh thiếu niên khuyết tật và cả thanh thiếu niên lành lặn trên quê hương mình. Sự kiên trì của chàng trai tàn nhưng không phế này đã khiến người khác cảm động và ủng hộ nhiệt tình.

Cuối cùng, những cố gắng vượt lên số phận của anh cũng đã được công nhận. Năm 2004, Nguyễn Công Hùng được bổ nhiệm làm giám đốc cơ sở Đào tạo tin học và ngoại ngữ nhân đạo Công Hùng.

Đã 7 năm, kể từ ngày Hùng được phong hiệp sĩ CNTT rồi chung sức cùng nhóm bạn bè điều hành trung tâm Nghị lực sống hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí dành riêng cho người khuyết tật. Mỗi chặng đường anh đã đi qua đều để lại dấu ấn khó phai.

Dù tấm thân bé gầy có lúc oằn mình lên vì những vết đau khi trái gió trở trời, nhưng nhìn anh, nhìn nụ cười lấp lánh và rạng rỡ ấy buộc người khác phải tin tưởng vào những gì mà anh đang có.

Trái tim không bao giờ ngừng yêu

Không khí cuộc trò chuyện giữa tôi và Công Hùng thực sự cởi mở hơn khi những tâm tư tình cảm dần được bộc bạch. Hóa ra, đằng sau cái bóng của một chàng hiệp sĩ, anh đã thực sự sống một cuộc sống rất đỗi bình thường như bao người bình thường khác. Yêu và cũng được yêu, mong muốn hạnh phúc và cũng được hạnh phúc mỉm cười.

Khi tôi ngỏ ý muốn viết về cuộc sống riêng tư của anh, muốn anh bộc bạch những niềm hạnh phúc của mình nhưng vẫn thấy ái ngại. Ngại vì sợ làm anh buồn. Nhưng dường như anh đủ tinh ý để nhận ra được điều đó.

Công Hùng trả lời thẳng thắn: "Có lẽ với những người khác thì đây là điều nhạy cảm, nhưng với tôi thì quen rồi. Nó cũng là một phần trong đời sống của mỗi người mà bản thân tôi chưa từng thấy có sự khác biệt".

Pháp luật - Hạnh phúc của chàng 'hiệp sĩ công nghệ thông tin một ngón' (Hình 2).

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng với nghị lực phi thường.

Với trọng lượng chỉ hơn 10kg và gần như mất hoàn toàn khả năng vận động, chàng trai bại liệt đã vượt qua những khó khăn thường ngày để vinh dự trở thành "Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2005". Chỉ với một chiếc máy tính, một ngón tay còn có thể cử động được để điều khiển bàn phím ảo, anh vừa làm việc vừa trả lời rất đầy đủ những câu hỏi của tôi. Thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại, người thương của anh vội chạy vào giúp anh nghe máy rồi lại vôi vàng trở ra ngoài nấu bếp dọn dẹp.

Điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi bởi đó là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, cao ráo, có duyên và thực sự gây ấn tượng với người khác bởi sự gần gũi. Chị luôn miệng cười nói, hỏi chuyện mọi người trong nhà, thông báo tình hình người nọ người kia, tay thì bận rộn với chai lọ, bếp núc. Thi thoảng chị nói xen vào trêu Hùng, hoàn toàn tự nhiên đúng kiểu quan tâm mà những người yêu thương dành cho nhau.

Hùng và cô gái ấy gặp nhau trong một chuyến đi từ thiện ở miền núi. Tuy lần đầu gặp nhưng chị cũng đã ít nhiều biết về anh qua những người trong đoàn và cả qua sách báo từ trước đó, đến khi gặp rồi, thấy anh cười rạng ngời lại càng khiến chị tò mò hơn. Cũng như bao người khác, lần đầu gặp mặt, chị thấy khó tin trước người đàn ông đối diện mình có thể làm được những điều phi thường đến thế.

Anh quá bé nhỏ so với người bình thường, nhưng cặp mắt rất sáng và tự tin. Chị đi nhiều, biết nhiều, bản lĩnh và luôn tự tin làm chủ cuộc đời mình. Những chuyến đi giúp cho người con gái này được thấy nhiều cảnh, gặp nhiều người, trăn trở trước nhiều điều.

Tôi biết, chị và Công Hùng đến với nhau trước hết bởi cái tâm. Họ có cùng chung một tấm lòng trước những mảnh đời khốn khó. Sự nhân ái kéo họ lại gần nhau hơn. Sau chuyến đi đó, chị mau chóng hòa nhập vào cuộc sống của anh, bạn bè anh, trở thành một phần không thể thiếu xung quanh anh. Tình cảm cứ thế lớn dần lên, rồi thành tri kỷ lúc nào không hay.

Hai người có thể ngồi hàng giờ bên nhau, nói cho nhau nghe, cùng nhau bàn luận về những dự định, những chuyến đi một cách say mê. Họ chia sẻ cho nhau sự đồng điệu và cả tình yêu thương. Nhìn cái cách mà chị nhìn anh, bón cho anh từng thìa cơm trong bữa ăn, người viết không khỏi chạnh lòng: Vợ chồng bình thường, mấy ai đã dành được cho nhau như thế?

Đã trải qua vài cuộc tình, gắn bó với vài người rồi lần lượt từng người ra đi. Những người con gái đến với anh đều xuất phát từ tình cảm tận đáy lòng. Nhưng vì chính hạnh phúc của họ mà anh lại buộc mình phải hi sinh. Chỉ cần thấy những người phụ nữ mà mình yêu thương hạnh phúc đã là niềm an ủi lớn nhất của anh, mọi thứ đều tuân theo lẽ tự nhiên, cũng không khiên cưỡng được.

Tuy không thể gắn bó với nhau trọn đời, nhưng vẫn luôn có thể quan tâm tới nhau, chăm sóc lẫn nhau và duy trì tình bạn lâu dài mới là điều mà anh hướng tới.

Lẽ thường, ai cũng mong muốn có một gia đình riêng hạnh phúc, có vợ và những đứa con ngoan, nhưng Hùng biết những điều mà mình không thể. Cho dù mọi người đều cố gắng vun đắp để anh chị có thể tiến tới một hạnh phúc vững bền nhưng anh nhất quyết bằng lòng với cái gọi là: Hãy cứ là tình nhân.

Nói như vậy, không có nghĩa với anh chỉ là một mối quan hệ lỏng lẻo. Tình yêu là quan trọng, nhưng tình người còn lớn hơn, điều này là nghị lực, là sức mạnh để anh vững bước suốt những năm tháng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình với cuộc đời. Mọi sự ràng buộc cũng chỉ là hình thức, tình cảm đến tự nhiên, có ở lại được hay không còn tùy thuộc vào mỗi người.

Anh còn cười: Chỉ sợ mình lấy vợ rồi thì sẽ không còn có thể quan tâm tới ai khác, không thể chăm lo cho mọi người như trước nữa vì lúc bấy giờ chỉ biết có gia đình mình mà thôi.

Năm 2003: Mở Trung tâm Tin học Công Hùng dành cho con em ở địa phương và người khuyết tật. 2005: Được trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Năm 2006: Được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Tháng 08/2006: Một website mang tên: www.nghilucsong.net chính thức ra đời với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới, 100 nghìn bài viết được sẻ chia. 2008: Nguyễn Công Hùng và nhóm bạn bè mở trung tâm Nghị lực sống. Giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật với hai nội dung chính là Ngoại ngữ và CNTT, đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên, thu hút khoảng 600 thành viên là bạn đồng hành cùng website. Hiện, anh là Giám đốc Công ty cổ phần Nghị lực sống và là Ủy viên ban cố vấn Hội tin học trẻ Việt Nam. Giải thưởng Mãi mãi tuổi 20. Giải thưởng Alaxan-chiến thắng nỗi đau của bộ Lao động thương binh xã hội và Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi.

Nguyễn Công Hùng đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi vào "Danh mục đề xuất kỷ lục về ý chí của Việt Nam", "Người khuyết tật đầu tiên làm giám đốc"; Tạp chí E-chip trao danh hiệu hiệp sĩ CNTT; Trung ương Đoàn trao tặng Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2006, được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trao bằng khen Thanh niên tiêu biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Gia Lê


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.