“Vậy mà lâu nay con tưởng gia đình mình hạnh phúc!” Chị cảm nhận được vị đắng trong giọng nói của con. Chị khẳng định: “Gia đình mình hạnh phúc. Đó là hạnh phúc chúng ta. Đến một lúc nào đó, con sẽ hiểu con người cũng cần có hạnh phúc một mình.”
Tôi đến thăm bạn trong căn nhà mới chị vừa dọn vào sau khi một mình ngao du sơn thủy gần một tháng. Căn nhà nhỏ gần như trống trải trong hẻm vắng. Tưởng chị chưa dọn hết đồ về đây, nhưng chị bảo không còn gì nữa.
Theo thỏa thuận ly dị, căn nhà đã bán để chia phần cho những người có liên quan. Các tài sản khác ai muốn thứ gì mà không có tranh chấp thì cứ lấy. Những gì còn lại chị cho người thu gom ve chai. Trong đó có hai tủ quần áo giày ví, chị chỉ giữ những gì tối cần thiết, giấy tờ tùy thân và cái laptop chị quen sử dụng, tất cả để gọn trong một cái vali và cái túi đeo vai. Những thứ “lớn lao” từng là tất cả cuộc sống của mình, mà chị đã dứt ra được, vướng bận làm gì nữa những thứ lẻ tẻ?
Một năm sau tôi mới có dịp trở lại, đồ đạc trong nhà của bạn vẫn gần như trước, chỉ thêm một hai vật dụng đơn giản: một chậu hoa to để giữa phòng, một cái võng mắc trong góc. Không có tivi, tủ lạnh, không cả kệ sách, tường cũng không tranh ảnh. Trong bếp chỉ có một bếp từ, một cái chảo, hai cái nổi, một ít chén dĩa và đồ dùng cần thiết như dao muỗng đũa. Phòng ngủ còn trống hơn: một tấm chiếu tre trải trên sàn, một cái gối, một cái mền vải, tủ quần áo không có tới mười bộ đồ.
Tôi nhìn gương mặt tươi tắn an vui của bạn mà phân vân. Suy diễn kiểu nhà văn của tôi thì hẳn tâm hồn bạn tôi trống vắng trong cô độc, hoặc ngao ngán chán chường, không còn tha thiết gì nữa. Nhớ vẻ mặt bình thản của bạn hôm đám cưới con trai khi nói sẽ “cưới vợ bé cho chồng”. Đến khi chồng chị công khai sống với người tình trong thời gian chờ hòa giải, mọi người hiểu ra hôm đó chị không đùa, và hiểu rằng con người chị “thấy vậy mà không phải vậy”.
Tôi cố gắng hết sức tế nhị gợi mở tâm tình bạn, nhưng thực ra không cần vòng vo rón rén. Bạn nói: Một năm sống theo phong cách “tinh yếu” này có hiệu quả. Mười mấy năm trước mình có đến thăm một thiền viện, thấy các ni cô mỗi người chỉ có một tấm phảng kê trên một cái thùng đựng toàn bộ tư trang. Lúc đó, mình vướng bận nào chồng con, với hai bên nội ngoại, và công việc… Nhà mới xây bốn tầng, rộng gấp ba nhà cũ, mà đồ đạc cứ bừa bộn, cứ sắm cái này lại thiếu cái kia, có người giúp việc mà mình vẫn bận bịu tất bật suốt ngày. Lúc đó mình thấy những của cải mình sắm đầy nhà là sang trọng quí giá, sung sướng vì có những thứ ấy. Như mình đã tin gia đình là thứ quí báu mình may mắn có, phải luôn giữ gìn, dù phải ép mình lại, dốc hết lòng vì chồng vì con.
Hạnh phúc gia đình đáng trân quí như kim cương vàng ròng, nếu là đồ thiệt. Nhưng khi một trong những quan hệ gia đình là sự dối lừa thì hạnh phúc đó như một thứ lấp lánh giả hiệu, đôi khi phải duy trì vì thói quen, sĩ diện, trách nhiệm, hay vì những phức tạp xã hội. Cơn khủng hoảng suýt giết mình là khi phát hiện ra viên kim cương quí nhất của mình là đồ giả. Vứt nó đi chỉ là vấn đề thời gian để chuẩn bị sắp xếp lại mọi thứ cho ổn thỏa.
Trong thời gian ấy mình đã hình dung cuộc sống khi còn lại một mình. Người ta có thể sống hạnh phúc một mình không? Mình đã đi khắp căn nhà, điểm từng món lớn nhỏ, cân nhắc giữ lại cái gì , trả lời dứt khoát một lần: cái này có thực sự cần thiết không, không có nó mình có thể sống hạnh phúc không?
Có những thứ mình đã nghĩ là sẽ sắm lại với mẫu mã như ý khi một mình làm chủ căn nhà riêng. Nhưng một năm nay, như bạn thấy đó, mình sống thoải mái nhờ không có những thứ mà trước đây mình tưởng không thể thiếu. Tại sao phải cần cái tủ lạnh khi mà mỗi ngày đều có thể mua được mọi thứ tươi ngon dùng ngay? Những máy xay sinh tố, máy vắt ép trái cây… để làm gì khi chỉ cần con dao gọt vỏ trái cây rồi ăn luôn, thưởng thức trọn vẹn hương vị bằng răng môi lưỡi? Áo quần nhiều kiểu chỉ khiến mình mất thì giờ đi mua sắm, lựa chọn, rồi băn khoăn ăn mặc như vầy trông như thế nào, người ta nghĩ ra sao. Rốt cuộc mình chỉ thay đổi trong vòng mấy bộ đồ tiện mặc nhát, và vì vậy không có nhu cầu sắm cái máy giặt. Những thứ khác cũng tương tự vậy.
Rồi mình nhận thấy căn nhà nhỏ này rất đỡ tốn công dọn dẹp lau chùi, và nhờ ít đồ đạc nên thoáng đãng, mình cảm thấy khỏe hơn, bởi vì tất cả những đồ dùng hiện đại, từ bàn ghế cho đến đồ điện tử, thứ nào cũng có phát tiết sóng từ hay chứa hóa chất có hại cho sức khỏe.
Quan trọng nhất là mình chỉ tốn không hơn một giờ mỗi ngày để chăm sóc cho môi trường sống của mình đạt tình trạng mỹ mãn, và phát ớn khi nhớ lại mấy chục năm trời ngày nào cũng bù đầu năm bảy tiếng đồng hồ làm việc nhà mà không bao giờ vừa ý mọi người. Chúng ta bây giờ đâu còn nhiều thì giờ để lãng phí nữa. Mà còn bao nhiêu điều mình chưa kịp làm vì mãi loay hoay với bao thứ phù phiếm.
Một năm nay mình tinh giản cuộc sống vật chất đến mức chỉ còn những gì thực sự thiết yếu, cuộc sống xã hội và cuộc sống tinh thần của mình từ đó phong phú hơn, thong dong hơn, sâu lắng hơn. Thoát khỏi sự săn đuổi và ràng buộc vật chất, mình tự do. Và mình hạnh phúc.
Nhà văn Lý Lan