Có lẽ một vài độc giả (nhất là độc giả trẻ) chưa nhận thấy sự quen thuộc từ cái tên này, nhưng chắc hẳn không một ai là không biết câu thơ: "Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ"? Đó chính là những câu thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Nỗi buồn kiêu hãnh
40 năm rồi, "Hương thầm" vẫn "thấm sâu vào lồng ngực" của bao lớp độc giả với những vần thơ trong trẻo: "Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ". Không biết có phải vì "định mệnh hoa bưởi" không mà thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn chọn sống tại một khu chung cư sang trọng trên đường Bưởi? Tôi đem những băn khoăn và cả tâm tình ái mộ đến gặp bà trong một chiều mùa xuân đầy nắng.
Không ái mộ sao được khi mới 19 tuổi, bước qua mối tình đầu không suôn sẻ, bà đã sáng tác bài thơ "Con đường" đầy kiêu hãnh. Tôi thích thơ của Phan Thị Thanh Nhàn không phải vì nỗi niềm thất tình trong thơ bà mà là sự kiêu hãnh toát lên từ những vần thơ ấy. Bà bảo: "Dù làm ở bất cứ lĩnh vực nào hoặc giữ bất kì chức vụ nào thì đời sống tình cảm của người phụ nữ luôn có rất nhiều trạng thái: Yêu có, được yêu có và thất tình cũng có. Nhưng tôi cho rằng, tâm thế của chủ thể mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ người phụ nữ phải tự tin và phải tự đứng được trên đôi chân của mình. Tình yêu giúp người phụ nữ đẹp lên chứ không phải là chỗ để người phụ nữ dựa vào. Mình không coi nhẹ tình yêu nhưng mình phải có tư thế để luôn làm chủ cuộc đời mình".
"Nhiều người nhìn tôi và nói tôi khổ. Chồng tôi mất sớm, ai chưa trải qua những mất mát thì khó có thể hiểu được. Khi đó tôi còn rất trẻ, mới hơn 30 tuổi. Đối diện với sự ra đi của chồng, tôi cảm thấy vô cùng hẫng hụt và thấy mình là người thua thiệt trong cuộc sống. Nhưng tôi không nhìn đời với tâm thế của người thất bại. Tôi vượt qua nỗi đau và thấy mọi chuyện nhẹ nhàng hơn".
Cuộc đời quá ngắn để phải buồn
Nhà thơ tâm sự: "Tôi luôn giữ những ấn tượng đẹp về mọi người và nhìn vào đó để đối nhân xử thế. Ví dụ phụ nữ có cái tật nói xấu sau lưng, cô A nói xấu cô B, cô B lại nói xấu cô A và nếu hai cô gặp nhau thì sẽ nói xấu cô C. Nhưng tôi thì không có "sở thích" đó.
Có lần, tôi chia sẻ cùng bạn không thân lắm về một bạn gái khác đang sống rất khó khăn, ai cũng biết và tôi cũng không thể giúp gì được nữa. Thế là lập tức người nọ nói với người kia là tôi đã nói vậy - mặc dù chính họ còn nói nhiều hơn và vẫn ngạc nhiên vì sao tôi lại cứ tốt với bạn đó! Tôi đành bỏ chuyện đó sang một bên và tự nhắc mình không bao giờ được chia sẻ với những người không thân thiết nữa. Tôi không để ý đến việc ai đang xì xèo điều gì, ai ghét mình, nói xấu mình. Tôi luôn muốn nhìn vào mặt tốt của mọi người. Ai tôi cũng chơi được, mỗi người đều có một khía cạnh nào đó phù hợp với mình. Tôi không phải là người ba phải nhưng tôi nhìn vào khía cạnh đẹp chứ không tập trung vào mặt xấu của họ. Cũng có người nói xấu tôi nhưng tôi không chấp. Ở tuổi này, tôi thấy cuộc sống không đáng là bao, sao phải làm nhau khổ bằng những lời nói xấu?".
Nghe ca khúc "Hương Thầm" - Thanh Tuyền
"Trong tình yêu cũng thế, khi yêu lúc nào cũng đẹp nhưng vì một lý do nào đó mà chia tay thì hãy giữ những kỷ niệm đẹp về người ấy. Có những người chia tay thì không muốn nhìn mặt nhau nhưng tôi khác. Tôi luôn giữ những kỉ niệm đẹp lúc yêu nhau nên tôi vẫn luôn yêu quý và nếu gặp lại người cũ, tôi vẫn rất vui vẻ, thoải mái. Đó là lý do vì sao nhiều người nhận xét đọc thơ thất tình của tôi lại cảm thấy yêu đời. Tôi luôn nhìn đời ở khía cạnh đẹp".
Ở độ tuổi này rồi, người viết có cảm giác tác giả của "Hương thầm" vẫn còn nguyên nét thanh tao, dịu nhẹ của một thiếu nữ Hà thành. Nếu được nhận xét, tôi thấy bà luôn nhìn đời bằng lăng kính màu hồng, suy nghĩ giản đơn như con trẻ và yêu đời như thiếu nữ đôi mươi. Có lẽ vì vậy, bà thường tự nói đùa với bạn bè và con gái: "Ta là bà già điên, đừng chấp nhé!".
Liệu bà có phải là người may mắn khi toàn gặp những người tốt, để khi chia tay bà vẫn giữ được những ấn tượng đẹp? Bà chẳng nói đúng, cũng chẳng nói sai, chỉ cười: "Thì vẫn chia tay như thường đấy thôi. Sướng khổ là do quan niệm sống của mỗi người và tôi vẫn thích câu nói: "Ai là người biết bằng lòng với cuộc sống của mình thì sẽ thấy hạnh phúc". Ví dụ như tôi chỉ có xe máy mà lúc nào cũng mơ có ô tô thì có phải khổ không? Cũng như vậy, nếu tôi luôn nghĩ mình đáng lẽ phải có cái này, đáng lẽ được hưởng điều kia thì chắc tôi khóc suốt ngày. Cuộc sống luôn có mặt này mặt khác. Hiện giờ tôi có sức khỏe, có con gái, có đông anh chị em và các cháu ruột thịt rất quan tâm đến tôi, có bạn bè, được đi đây đó, như thế là sướng rồi".
Không hiểu sao giữa những xô bồ của cuộc sống, bà lại yêu đời được như thế? Và tôi thấy giọng bà chùng lại, bà kể về tuổi thơ vất vả nhưng rất vui tươi bên những người bạn. Cuộc sống tuy nghèo nhưng lúc nào cũng vui tươi, sôi nổi và nghịch ngợm. Trong số những người bạn chơi cùng nhau thuở niên thiếu cũng có một người đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường giống như người em của bà. Ở họ, bà nhìn thấy một cuộc đời đẹp đã hy sinh để cho bà được sống. Nếu sống một cuộc sống đau khổ, liệu có xứng đáng với những con người ấy? Vì thế, bà tận hưởng từng giây phút trong cuộc sống.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đọc thơ tại liên hoan thơ quốc tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất tại Việt Nam - tháng 2/2012.
Một góc "Hương thầm"
Hẳn nhiều độc giả đã biết, "Hương thầm" được nữ thi sĩ viết dành tặng cho người em trai đi bộ đội năm 1969, một năm sau, bài thơ được giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Và năm 1974, người em của bà hy sinh. Đến tận bây giờ, bà cũng không chắc rằng người em ấy biết mình được chọn làm hình tượng trong bài thơ nổi tiếng của chị mình vì bà viết bài thơ đó sau khi ông đi bộ đội. Chia sẻ về người em trai đặc biệt của mình, nhà thơ nói: "Mẹ tôi vẫn nói cậu ấy là người đã gánh hết mọi khó khăn vất vả của mấy chị em chúng tôi. Tôi rất thương cậu ấy, chưa yêu, chưa lập gia đình nhưng đã phải hy sinh. Tôi viết "Hương thầm" sau ngày em trai đi bộ đội, "cửa sổ" hay "hương bưởi" là một cái cớ để bày tỏ sự yêu quý của tôi với em trai mình. Tôi viết một bài thơ rất thật về gia đình mình nhưng vào những năm tháng chiến tranh ấy, bài thơ lại mang hơi thở của cuộc sống. Tôi viết rất tự nhiên với những cảm xúc riêng của mình và không nghĩ rằng bài thơ lại thành công như thế".
Kể về kỷ niệm của "Hương thầm", bà chia sẻ: "Cách đây hơn chục năm, có đài truyền hình đến gặp tôi và yêu cầu dẫn sang nhà "cô hàng xóm" xuất hiện trong bài thơ "Hương thầm". Tôi nghĩ, khi tôi viết bài thơ, có thể "cô gái" đó cũng không để ý và lúc đài truyền hình muốn gặp, cô ấy đã có chồng có con rồi. Một chuyện từ ngày xưa khi hai người đã không dám nói với nhau thì liệu có nên nhắc lại? Tôi nghĩ không nên cụ thể hóa văn thơ. Có lẽ nếu gặp được "cô gái", biết đâu các bạn sẽ thất vọng. Hãy coi đó là một hình tượng chung của cả một thời tuổi trẻ mơ mộng và đẹp đẽ khi đất nước có chiến tranh và mọi người đều hướng về tiền tuyến".
Không biết bà yêu hoa bưởi trước hay sau khi "Hương thầm" ra đời, chỉ biết rằng bà vẫn mua hoa bưởi mỗi khi có dịp và vì "Hương thầm" mà bà chọn sống tại con phố mang tên Bưởi. Chồng mất sớm, một mình nuôi dạy con gái, một mình tạo dựng cuộc sống tương đối an nhàn khi đã về hưu, từ nhỏ đến nay vẫn chăm thể thao để giữ được sức khỏe và vóc dáng nhanh nhẹn thon gọn như là... thiếu nữ, vẫn phấn son qua loa, mặc váy áo phù hợp và phóng xe máy vù vù mỗi khi ra đường. "Bà già điên"-như bà tự giễu mình thật đáng để tôi và nhiều bà già khác ước mơ.
Thanh Xuân