Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1985, quê tỉnh Khánh Hòa) cho hay, khoảng đầu năm 2013, chị tình cờ quen biết với một người đàn ông quốc tịch Pháp tên là Azais (SN 1975, quốc tịch Pháp). Mới gặp nhau, nhưng chị và Azais có cảm giác như quen thân từ bao giờ. Không lâu sau, họ dọn về sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn.
Chị kể: “Khi tôi mang thai bé gái đầu lòng, Azais hạnh phúc lắm, anh chăm sóc mẹ con tôi hết mực. Không lâu sau đó, chúng tôi bắt đầu bất đồng quan điểm, cãi nhau thường xuyên. Dù tôi đã cố gắng, nhưng vẫn không thể hòa giải, cuối cùng chúng tôi quyết định chia tay. Khi đó, tôi đang mang bầu những tháng cuối”.
Vào ngày 14/8/2014, chị sinh bé gái tại bệnh viện quốc tế ở Bình Dương, đặt tên là Sarah. Bệnh viện làm cho đứa bé hai bản chứng sinh bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngay hôm sau, ông Azais đã mang bản chứng sinh bằng tiếng Anh đến lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM làm giấy khai sinh và xin cấp hộ chiếu cho con.
“Ra viện, tôi chuyển về sống với người thân ở Vũng Tàu. Còn Azais vẫn sống trong căn biệt thự tại quận 2, anh đến thăm con vào cuối tuần. Hai tháng sau đó, để con gái được gần bố, tôi chuyển lên TP.HCM ở. Hằng ngày, Azais vẫn đến đón bé về chơi, vài tiếng sau lại đưa đến trả tôi. Nhưng rồi, một ngày cuối năm 2014, anh ấy đến đón con, nhưng không trả lại, thấy lạ, tôi đã gọi điện, nhưng không ai nghe máy. Sau đó, tôi trình báo với chính quyền địa phương, nhưng được biết, con gái tôi khai sinh tại lãnh sự quán Pháp nên không thể can thiệp”, chị Huyền kể.
Sự việc sau đó được chuyển cho công an phía Việt Nam giải quyết. Ông Azais được triệu tập, nhưng công an không thể giải quyết cho chị bởi Azais và con gái là người Pháp.
Quyết đòi lại con, ngày 5/12/2014, chị nộp đơn kiện Azais lên TAND TP.HCM, nhưng đơn bị trả lại do chị không đủ chứng cứ chứng minh chị là mẹ của cháu Sarah. Cuối năm đó, chị về Khánh Hòa làm giấy khai sinh cho con nhưng một lần nữa bị từ chối. UBND xã có công văn trả lời chị rằng, cháu Sarah đã được chính quyền Pháp công nhận. Việc khai báo cho con với các nhà chức trách Việt Nam phải có sự đồng ý của người cha trong khi ông Azais không đồng ý chuyện này.
Khi đang đau khổ, chị nhận được tin báo ông Azais đã cùng con gái xuất cảnh khỏi Việt Nam bằng hộ chiếu của chị. Đau đớn vì bị tước đi quyền được làm mẹ, nhưng chị vẫn không nguôi hy vọng sẽ được gặp lại con. Hằng ngày, chị đi làm để dành dụm tiền, rồi đi học tiếng Pháp. Khi đã có một khoản tiền nhỏ, cùng vốn từ Pháp cơ bản, chị một mình sang Pháp.
Sau bao khó khăn, chị đã biết được nơi con sống. Được một người quen tư vấn, chị làm đơn khởi kiện quyền được nuôi con ra Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi (Pháp) và được cấp tòa này thụ lý vụ việc.
Hạnh phúc vỡ òa
Ngày 23/6/2016, Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Albi đưa ra xét xử vụ án dân sự về tranh chấp quyền nuôi con. Kết quả, tòa tuyên chị Huyền thắng kiện và buộc ông Azais giao lại con cho người mẹ. Cụ thể, chị Huyền được phép trở về nước cùng với con gái, ông Azais phải giao lại hộ chiếu của con cho chị Huyền giữ. Tuy nhiên, ông Azais đã không chấp hành mà tự đưa bé Sarah về Việt Nam.
Cuối tháng 6/2016, ông Azais cùng con gái đã nhập cảnh vào Việt Nam. Chị Huyền cũng nhận được thông báo của ông Azais về việc ông và con gái đang sống tại phường Thảo Điền, quận 2, song chị vẫn chưa được gặp lại con. Cho đến nay, mặc dù bé Sarah chưa rời khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng chị vẫn chưa một lần được nhìn thấy bé.
Sau đó chị Huyền làm đơn yêu cầu TAND TP.HCM công nhận toàn bộ bản án mà tòa thẩm quyền rộng Albi đã tuyên.
Những ngày cuối tháng 5/2017, tại trụ sở TAND TP.HCM, Tòa gia đình và người chưa thành niên đã mở phiên họp sơ thẩm công khai giải quyết việc: “Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án hôn nhân gia đình của Tòa án nước ngoài” về quyền nuôi con của chị Huyền.
Để giải quyết vụ việc được công tâm, ông Azais đã 2 lần được tòa triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do. Chính vì thế, cấp tòa này vẫn quyết định mở phiên họp theo đúng quy định pháp luật.
“Tôi đã rất lo lắng vì không biết mình có được nuôi con theo như phán quyết của Tòa án Pháp hay không. Ước mong lớn nhất của tôi là được gặp con, được nuôi con sau nhiều năm xa cách”, chị Huyền nói.
Niềm khát khao được chăm sóc con của chị Huyền cuối cùng đã thành hiện thực, khi chủ tọa phiên tòa đọc quyết định: “Theo quy định, con dưới 36 tháng tuổi sẽ theo mẹ của luật pháp Việt Nam, các thủ tục cấp dưỡng của người bố dành cho con. Qua đó, TAND TP.HCM công nhận bản án của Tòa án Pháp, quyền nuôi bé Sarah thuộc về chị Huyền. Sau 15 ngày ra thông báo, bản án này sẽ có hiệu lực thi hành, chị Huyền sẽ nhận được quyền nuôi con”.
Chị bật khóc, bởi những gian khổ mà chị phải trải qua cuối cùng đã được đền đáp. Chị nói, chị đếm từng ngày để được thấy mặt con. Dù trước mắt vẫn còn những nỗi lo, nỗi lo về việc Azais sẽ giấu con của chị. Nỗi lo về những tháng ngày khó khăn có thể một mình chị phải chịu đựng, để nuôi cháu Sarah được tốt nhất. Nhưng tất cả, không bằng được, niềm khao khát được làm mẹ của chị, được tự tay chăm sóc cho con của mình.
Chị Huyền khóc không phải vì đau khổ. Hôm nay, chị khóc bởi hạnh phúc. Niềm hạnh phúc và hy vọng về những tháng ngày bên con gái của chị Huyền bắt đầu từ đó...
Công Thư