Trước đây, đời sống của đồng bào Mày, bản K. Ai , xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, rất khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, đốt rừng làm rẫy, đói ăn quanh năm.
Hiểu được sự vất vả đó, năm 2011, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã quyết định làm thí điểm mô hình trồng lúa nước, ngay vụ đầu tiên lúa đã cho năng suất cao. Căn cứ vào kết quả đó, BĐBP đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân bản K. Ai vươn lên.
Với quan điểm giúp đồng bào “cái cần câu” thay vì cho “con cá”, năm 2013, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã triển khai dự án trồng lúa nước tại bản K. Ai với diện tích 5ha.
Do đặc thù của tiểu vùng khí hậu nên ở K. Ai nắng ít, mưa nhiều. Vì thế, lịch thời vụ trồng và thu hoạch cây lúa nước cũng muộn hơn so với miền xuôi. Từ những ngày đầu, BĐBP đã hướng dẫn từ cách cày đất, ngâm ủ hạt giống, cách chăm bón để cây lúa tốt tươi.Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất lúa cao.
Vụ hè thu năm nay, cánh đồng lúa nước trên trên bản K.Ai cho năng suất 3,5 tấn/ha. Đây là vụ mùa đánh dấu mốc sự kiện 10 năm hình thành ruộng lúa nước bản K. Ai.
Trải qua 20 vụ mùa, từ chỗ được cầm tay chỉ việc, đến nay đồng bào Mày ở bản K. Ai đều tự tay làm lấy. Giờ đây đồng bào đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi, công sức mình bỏ ra.
Cũng như những bà con dân bản K.Ai khác, cuộc sống của gia đình bà Hồ Thị Giót, trú bản K.Ai, đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, gia đình bà chỉ biết vào rừng hái măng, bẫy thú, thì nay họ đã biết trồng cây lúa nước, làm kinh tế để thoát nghèo.
“Thời gian đầu, khi nghe bộ đội dạy làm ruộng nước, gia đình tôi không làm vì chưa quen. Vào mùa thu hoạch, đồng lúa chín vàng ươm ngay trước nhà, bà con dân bản khi đó ngạc nhiên lắm. Bộ đội thu hoạch lúa xong, chia đều cho các hộ trong bản. Sau đó, gia đình tôi và nhiều người khác được bộ đội dạy trồng cây lúa nước, dạy cả cách cầm liềm cắt lúa. Bây giờ, cuốc, gieo, gặt, máy cày, máy tuốt chúng tôi sử dụng thành thạo lắm rồi. Nhờ bộ đội biên phòng, cuộc sống của chúng tôi đã đổi thay rất nhiều”, bà Giót chia sẻ.
Được biết, với 2 vụ lúa trong một năm, năng suất trung bình gần 4 tấn/ha đã giúp cho 138 hộ trên 708 khẩu bảo đảm nguồn lương thực, chuyện đói ăn, đứt bữa đã lùi xa theo quá khứ. Ngoài gạo đủ ăn quanh năm, bà con còn để dự trữ và chăn nuôi gia súc.
Ông Hồ Hùng, Trưởng bản K.Ai, hiện không chỉ biết trồng lúa nước, các hộ ở bản cònbiết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu để trang trải cho cuộc sống của mình.
“Dù chưa hết khó khăn nhưng chúng tôi đã nhận thức được chỉ có tự tạo lập thì cuộc sống mới ổn định, chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước được”, ông Hùng nói.
Việc BĐBP giúp đồng bào tạo ra bước chuyển đổi từ “cắt, đốt, cốt, trỉa” sang trồng lúa nước, góp phần định canh, định cư, ổn định bền vững còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với địa phương.
Những bông lúa chín vàng “cúi đầu” trĩu nặng hạt là món quà vô giá đối với đồng bào tộc người Mày, người Rục, người Vân Kiều ở miền núi Quảng Bình. Ý nghĩa thiêng liêng hơn nữa là hạt gạo thơm đã được làm ra từ chính những tâm huyết, giọt mồ hôi của tình đoàn kết quân dân, sự gắn bó thủy chung giữa người lính Biên phòng và các đồng bào dân tộc ít người sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.