Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 6, 14/02/2025 12:44

Từ những lá đơn của bị hại trên địa bàn, Công an Hà Tĩnh nhận định, có một đường dây lừa đảo quy mô, hoạt động tinh vi xuyên quốc gia, núp bóng đầu tư tiền điện tử Bitcoin và làm nhiệm vụ TikTok.

Video cuộc tấn công, đánh úp vào sào huyệt đường dây lừa đảo từ Campuchia. (Video: CAHT).

Lần theo dấu vết

Giữa năm 2024, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Hà Tĩnh nhận được nhiều đơn thư của các bị hại tố cáo bị lừa đảo liên quan đầu tư tiền điện tử Bitcoin (BTC). Bằng biện pháp nghiệp vụ, quá trình xác minh, Phòng CSHS nhận định, có một đường dây lừa đảo quy mô, hoạt động xuyên quốc gia, núp bóng tiền điện tử BTC, khiến rất nhiều nạn nhân "sập bẫy" với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSHS đã báo cáo xin ý kiến Ban giám đốc Công an Hà Tĩnh xác lập chuyên án, quyết tâm đấu tranh, triệt phá. Ban chuyên án xác định, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhiều công dân Việt Nam đã sang Philippines làm việc cho tổ chức lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu tại Thủ đô Manila. Nhóm này tổ chức các văn phòng lừa đảo chuyên nghiệp, phân chia thành nhiều bộ phận từ cấp vụ quản lý, tổ trưởng, nhân viên và đội kỹ thuật hậu thuẫn. Các đối tượng liên tục thay đổi nơi làm việc, chỗ ở để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 1.

Toà nhà làm việc của tổ chức lừa đảo đóng tại Thủ đô Manila, Philippines (Ảnh: CAHT).

Để thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm này lập các tài khoản Facebook ảo, giả danh doanh nhân thành đạt, khoe hình ảnh về sự giàu có để tạo lòng tin với nạn nhân. Sau khi làm quen, các đối tượng dụ dỗ bị hại tải ứng dụng "UNISAT", tham gia đầu tư đồng tiền điện tử BTC với mức tối thiểu 8 triệu đồng để hưởng lợi nhuận cao trong thời gian ngắn. Ban đầu, bị hại được phép rút cả gốc lẫn lãi nhằm củng cố niềm tin. Khi đầu tư số tiền lớn hơn, chúng viện lý do lỗi hệ thống, tiền thuế, phí bảo hiểm… để yêu cầu nộp thêm tiền, sau đó chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại đã nộp.

Các đối tượng được phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ lập tài khoản Facebook, tạo dựng hình ảnh lừa đảo, đến điều phối hoạt động nạp – rút tiền. Khi có người mới tham gia tổ chức này, tổ trưởng sẽ cung cấp kịch bản lừa đảo, hướng dẫn cách tương tác với bị hại. Bộ phận "hậu đài" kiểm soát giao dịch, quyết định có cho bị hại rút tiền hay không. Với những cách thức hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức lừa đảo quốc tế này đã khiến hàng nghìn bị hại là người Việt Nam "sập bẫy", chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 2.

Đường dây lừa đảo đã lừa, chiếm đoạt tiền của rất nhiều bị hại trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại tại Hà Tĩnh. (Ảnh: CAHT).

Các trinh sát của Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh đã kiên trì theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lần theo dấu vết của đường dây tội phạm xuyên quốc gia trong suốt nhiều tháng trời; ngày đêm thu thập, phân tích, móc nối dữ liệu, đảm bảo bí mật để chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch "cất vó".

Đánh úp vào sào huyệt

Cuối năm 2024, sau khi Bộ Công an Việt Nam phối hợp, cung cấp thông tin, đề nghị cảnh sát Philippines truy quét, đường dây lừa đảo này đã dịch chuyển địa bàn về Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Nhận định thời cơ chín muồi, Ban chuyên án lập tức báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an triển khai kế hoạch hành động.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 3.

Tất cả di biến động của tổ chức lừa đảo đều nằm trong tầm ngắm của ban chuyên án. (Ảnh: CAHT).

Ngày 13/1/2025, dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Đại tá Phạm Thanh Phương – Phó giám đốc Công an tỉnh; Thượng tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng CSHS đã trực tiếp "cầm quân", cùng sự phối hợp của cảnh sát Campuchia, cảnh sát Philippines, cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài, Đồn An ninh Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh và nhiều đơn vị nghiệp vụ khác, tổng lực đánh up vào sào huyệt đường dây.

Tại Phnôm Pênh, lực lượng chức năng bất ngờ ập vào nơi trú ẩn của các đối tượng, khống chế, bắt giữ 30 nghi phạm. Cùng thời điểm, tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, những tổ công tác bí mật chốt chặn, nhanh chóng khống chế thêm 26 đối tượng vừa từ Philippines đặt chân về nước trước khi sang Campuchia. Cuộc đột kích bí mật, bất ngờ của ban chuyên án đã khiến tổ chức lừa đảo không kịp trở tay. 56 đối tượng sau khi bị bắt giữ đã được ban chuyên án di lý về trụ sở Công an Hà Tĩnh nhanh chóng, an toàn.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 4.

Các đối tượng trong đường dây bị đánh up, không kịp trở tay. (Ảnh: CAHT).

Theo ban chuyên án, trong đường dây này có rất nhiều mắt xích quan trọng, đóng vai trò cầm đầu. Trong đó, phải kể đến đối tượng Nguyễn Thế Anh (SN 1996, trú tại Yên Bái). Đối tượng giữ vai trò quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động lừa đảo của hơn 80 người Việt Nam dưới sự chỉ đạo của chủ người Trung Quốc. Nguyễn Thế Anh là người lên các kịch bản lừa đảo chi tiết để đào tạo nhân viên.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Đồng (SN 2000, trú tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cũng là một trong số các đối tượng cầm đầu. Đồng tham gia tổ chức lừa đảo từ tháng 7/2023, được chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ quản lý và vận hành hàng trăm tài khoản Facebook ảo. Hắn chịu trách nhiệm tiếp quản các ID tài khoản Facebook mua lại, chiếm quyền đăng nhập và chuyển đổi thành tài khoản lừa đảo, giao cho nhân viên sử dụng.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 5.

Các thiết bị tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động (Ảnh: CAHT).

Một mắt xích khác đó là Nguyễn Quang Phương (SN 1995, trú tại Bắc Giang) trong vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" trên nền tảng facebook. Phương gia nhập tổ chức lừa đảo từ đầu năm 2024, xuất cảnh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến thủ đô Manila, Philippines. Tại đây, Phương được chủ người Trung Quốc cho quản lý người Việt Nam đào tạo các thủ thuật lừa đảo. 

Phương sử dụng các tài khoản Facebook ảo, dưới vỏ bọc doanh nhân thành đạt để tiếp cận những người phụ nữ trung niên Việt Nam đơn thân, thiếu thốn tình cảm. Theo kịch bản đã được đào tạo, Phương áp dụng kịch bản "7 ngày xây dựng lòng tin", từng bước thiết lập mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Khi đã chiếm được sự tin tưởng, đối tượng chia sẻ "bí quyết thành công" của bản thân, thuyết phục nạn nhân cùng đầu tư BTC trên sàn UNISAT với lời hứa hẹn về một tương lai tươi đẹp. Với các thủ thuật lừa đảo, Phương khiến nạn nhân tin rằng họ đang không chỉ đầu tư tài chính mà còn bước vào một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, bền vững.

Hành trình 150 ngày đêm triệt phá đường dây lừa đảo tại Campuchia- Ảnh 6.

Sự phối hợp, hỗ trợ nhịp nhàng của cảnh sát Campuchia, cảnh sát Philippines, cơ quan đại diện Bộ Công an tại Campuchia và nhiều đơn vị nghiệp vụ khác đã góp phần tạo nên thành công của chuyên án. (Ảnh: CAHT).

Trao đổi Người Đưa Tin, Thượng tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng CSHS Công an Hà Tĩnh cho biết, ban chuyên án đã gặp rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình từ thời điểm xác lập chuyên án cho đến lúc tổng lực tấn công. Trong đó, khó khăn lớn nhất là công tác thu thập tài liệu chứng cứ, đánh án ở nước ngoài, phụ thuộc vào sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng nước bạn.

"Công tác thu nhập tài liệu chứng cứ và đánh án ở nước ngoài rất khó khăn cho ban chuyên án. Các trinh sát gặp khó khăn về cả ngôn ngữ lẫn địa bàn tác nghiệp và các quy định pháp luật của nước bạn. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công truy quét, trước đó, ban chuyên án đã điều động hàng trăm lượt trinh sát đi đi, về về giữa Việt Nam, Philippines, Campuchia, suốt từ tháng 9/2024 cho đến ngày đánh úp vào sào huyệt. Thành công chuyên án là kết quả sự phối hợp của nhiều lực lượng trong và ngoài nước, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ công an, Ban giám đốc Công an Hà Tĩnh, sự dấn thân của các cán bộ, chiến sỹ không kể ngày, đêm", Thượng tá Nguyễn Phi Hải nói.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố 50 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hình thức đầu tư tiền điện tử BTC và lừa đảo làm nhiệm vụ TikTok. Hiện, vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.