Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An

Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Chủ nhật, 15/09/2019 07:50

Với 240 điểm giành được ở cuộc thi quý I, Trần Thế Trung không chỉ giành tấm vé quý giá vào chung kết năm, mà còn ghi tên mình vào lịch sử THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khi là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình về trường.

Cận cảnh điểm cầu Olympia tại Nghệ An dự kiến 5.000 người tham gia

Niềm đam mê cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Không đến khi lọt vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, em Trần Thế Trung (lớp 12A3) mới trở thành gương mặt nổi tiếng ở trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, Trung là thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý của trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Em còn xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý năm học 2018 – 2019; giải Khuyến khích chung kết Oympic Tiếng Anh học sinh sinh viên toàn quốc 2018. Đặc biệt, mới đây Tỉnh đoàn Nghệ An cũng vinh danh Trần Thế Trung là một trong 15 thanh thiếu niên tiêu biểu của tỉnh năm 2019.

Giáo dục - Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An

Trần Thế Trung là một trong 4 thí sinh sẽ cùng nhau tranh tài tại Chung kết Đường lên đỉnh 0lympia 2019. Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, vào thời điểm năm lớp 9, khi Trung đang tập trung học tập để thi vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu thì gia đình xảy ra biến cố. Một cú sốc lớn đến với em, khi người chị gái không may qua đời. Thế nhưng, cũng vì vậy mà Trung đã cố gắng và giành thủ khoa bởi lời hứa với chị gái của mình.

Với lực học và số điểm ấn tượng, Trần Thế Trung được xếp vào hạt giống số 1 do thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô ở tổ Vật lý lựa chọn, tạo nguồn cho đội tuyển quốc gia. Không ngờ rằng, người học sinh ưu tú này đã quyết định từ chối, vì muốn dành thời gian cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

“Cuộc thi này là mơ ước của em từ hồi còn nhỏ. Từ khi biết đến cuộc thi, em không bỏ sót chương trình nào và hi vọng sau này mình sẽ được đứng ở đó. Mặc dù em cũng rất muốn thi HSG Quốc gia nhưng em càng muốn giành vòng nguyệt quế hơn”, Trung nói.

Giáo dục - Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An (Hình 2).

Thế Trung xuất sắc giành giải nhất cuộc thi tháng. Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia.

Thí sinh chuyên gia lật ngược tình thế

Trong suốt quá trình tham dự cuộc thi, Trần Thế Trung được biết đến là thí sinh “chuyên bứt phá, lật ngược tình thế” vô cùng ấn tượng. Trong cuộc thi Quý, khi đang thua thí sinh dẫn đầu 90 điểm, Trung đã bình tĩnh vượt lên giành vòng nguyệt quế với số điểm 240 (chỉ hơn người về nhì 5 điểm).

Thậm chí, có thời điểm Thế Trung đã phải cúi đầu xuống tiếc nuối vì nghĩ rằng mình đã hết cơ hội mang cầu truyền hình về trường. Tuy nhiên, kịch bản khó tin nhất đã diễn ra khi thí sinh cao điểm nhất trả lời sai và bị trừ 15 điểm. Khán đài như nổ tung với kết quả này.

Sự bứt phá cũng được Trung thể hiện trong cuộc đua tháng. Trong phần thi khởi động, em không có kết quả tốt nhất khi chỉ đứng thứ 3 trong 4 thí sinh. Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, Trung đã dần dần lật ngược cuộc đua. Nam sinh Nghệ An rất tự tin ở các câu hỏi tiếng Anh. Trong phần thi về đích, em còn xuất sắc ghi thêm 60 điểm từ gói câu hỏi của 2 bạn chơi còn lại để giành chung cuộc 280 điểm, đoạt vòng nguyệt quế.

Giáo dục - Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An (Hình 3).

Trung sẽ là ẩn số thú vị trong cuộc thi chung kết. Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia.

Bước vào trận thi đấu cuối cùng vào sáng 15/9, Trung cho hay, em giữ cho mình một tâm thế tự tin, thoải mái và không nghĩ nhiều đến thắng thua. Bởi đối với em thì đi đến trận chung kết này đã là một thành công rất lớn.

“Em chờ đợi trận đấu này vì đây là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, để tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi năm nay có dịp được gặp gỡ nhau. Em cũng muốn cảm ơn tất cả mọi người đã cổ vũ cho em trong suốt chặng đường đã qua. Sự cổ vũ này là áp lực nhưng cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng và thi đấu hết mình”, Trung nói.

Giáo dục - Hành trình ấn tượng của thí sinh xin không tham gia HSG quốc gia để đưa cầu truyền hình Olympia về Nghệ An (Hình 4).

Điểm cầu chung kết Olympia của tỉnh Nghệ An.

Thầy giáo Trần Ngọc Thắng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 cho biết, trước trận chung kết năm nay, thầy rất vui bởi học trò của mình đã vượt qua rất nhiều thử thách để có mặt ở trận đấu cuối cùng này.

“Tôi có niềm tin tuyệt đối vào Trần Thế Trung bởi nhiều lý do. Em đã trải qua rất nhiều thăng trầm và có rất nhiều kinh nghiệm ở cuộc thi tháng, thi tuần và thi quý. Với nền kiến thức tương đối tốt, Trung còn có lợi thế đó là tinh thần bền bỉ đến phút cuối cùng”, thầy Thắng nói.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh, Tổ trưởng tổ Lý - Hóa, trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho hay: “Tất cả giáo viên và học sinh của trường đều rất tin tưởng em Trung. Với những nỗ lực, cố gắng, bản lĩnh và trí tuệ của mình thì em sẽ bình tĩnh và về đích đầu tiên. Chúc Trần Thế Trung mang vinh quang về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, về với trường Phan thân yêu”.

Chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 sẽ được phát trực tiếp trên VTV3 vào lúc 8h ngày 15/9/2019.  

4 thí sinh xuất sắc sẽ cùng nhau tranh tài tại Chung kết Đường lên đỉnh 0lympia 2019 là: Trần Thế Trung (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An); Nguyễn Hải Đăng (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa); Nguyễn Bá Vinh (THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ) và Đoàn Nam Thắng (THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk).

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.