Khán giả từ TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng về Hà Nội đã đành. Điểm thú vị hơn, đây là một lần rất hiếm hoi, người ta thấy VN trở thành nơi "đổ bộ" của các fan bóng đá đến từ quốc gia khác, mà cụ thể là 200 khán giả người Anh và 200 khán giả đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Bởi thế, chẳng có gì lạ, khi truyền thông phương Tây tỏ ra quan tâm tới sự kiện thể thao - xã hội đang diễn ra tại VN. Bằng chứng, chỉ vài giờ sau khi đặt chân tới VN, hình ảnh các “pháo thủ” đội chiếc nón lá VN truyền thống đã được đăng tải trên trang chủ tờ Dailymail tại quê hương họ.
Các thành viên đội bóng Arsenal vui vẻ đội nón lá Việt Nam
Thương hiệu lớn của một câu lạc bộ lớn, đó là lý do để câu chuyện vượt khỏi khuôn khổ của một trận bóng đá thông thường và trở thành một sự kiện truyền thông quan trọng. Đó cũng là lý do để các doanh nghiệp phải bỏ ra 50 tỷ đồng cho sự kiện này - mà không có mấy người tỏ ra... xót ruột như trường hợp chuyến đi của Nick Vucijic chỉ một tháng trước đây.
Có điều, dù chấp nhận "chịu chơi", chúng ta vẫn phải thắc mắc: Vậy thì VN (chứ không chỉ là những đơn vị tổ chức), có... vớt vát được gì, để số tiền ấy không bị tiêu hết theo kiểu "mua vui cũng được một vài trống canh"?
Câu trả lời cũng khá đơn giản và thực tế: Đó là cơ hội để quảng bá về VN, cụ thể là về du lịch Hà Nội - vấn đề có tính lâu dài và đôi khi, khó có thể ước lượng ngay bằng tiền mặt. Một tấm hình chụp cảnh các pháo thủ đang ngồi tại chùa Một Cột. Một chiếc nón lá VN. Một clip quay hình thầy trò ông Wenger tại chùa cổ Trấn Quốc - như dự kiến trong chiều 15/7. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy, chính là cơ hội của du lịch VN, không chỉ trước 400 fan nước ngoài đang theo chân Arsenal, mà trước vô vàn khán giả khác - nếu họ quan tâm tới câu lạc bộ này.
So sánh hơi khập khiễng, nhưng ở góc độ khai thác truyền thông ấy, người ta sẽ nhớ tới Bill Clinton trong chuyến thăm VN năm 2000. Câu nói cuối cùng "tôi sẽ trở lại VN để du lịch" của tổng thống Mỹ được rất nhiều tờ báo trích dẫn, và bình luận: đó là một món quà tuyệt vời của Bill tặng cho ngành du lịch VN vẫn còn non trẻ. 13 năm sau sự kiện ấy, Arsenal đặt chân tới Hà Nội, như một trong những cột mốc khác mà ngành du lịch cần biết tận dụng để tìm kiếm cơ hội cho mình.
Bởi thế, hẳn nhiều chuyên gia về truyền thông sẽ "tiếc đứt ruột", khi trong buổi chiều ngẫu hứng đi thăm Hà Nội, các cầu thủ Arsenal lại không có dịp đặt chân dạo bộ quanh Hồ Gươm như dự kiến. Khó trách được sự cuồng nhiệt của các fan, mà chúng ta chỉ có thể tiếc nuối về việc chưa có nhiều kinh nghiệm, trong những trường hợp thế này.
May mà vẫn còn chiếc nón lá được đội lên đầu các cầu thủ Arsenal, khi họ đặt chân xuống sân bay.
Theo Thể thao Văn hóa