Hành trình bí ẩn tìm mộ liệt sĩ trong rừng Quảng Nam

Hành trình bí ẩn tìm mộ liệt sĩ trong rừng Quảng Nam

Thứ 6, 29/11/2013 15:27

Đã 40 năm rồi, đêm nào mẹ cũng mong, đêm nào mẹ cũng khóc. Vợ chồng tôi năn nỉ mãi mẹ mới chịu sang nhưng cũng chỉ chơi được một ngày rồi lại bắt đưa mẹ về ngay. Mẹ bảo: “Đi vắng nhỡ anh mày được về không thấy ai nó lại quay đi thì tội lắm!”. Thì ra trong lòng mẹ, anh tôi vẫn còn sống. Anh đang chiến đấu ở một nơi nào đó xa lắm và chưa được về mà thôi.

Liệt sĩ bảo người cháu hướng dẫn việc đi tìm mộ

Thấm thoát thời gian cứ trôi đi. Mẹ tôi đã bước sang tuổi 94. Vào một chiều thu trời trở gió, mẹ cho gọi tất cả các con cháu, dâu rể về nhà. Mẹ dặn dò nhiều lắm. Cuối cùng giọng mẹ trầm xuống, mẹ nói như ra lệnh qua hơi thở yếu dần: ''Phải đi tìm ''chú bộ đội'' đưa về quê cho mẹ yên lòng!''.

Từ khi anh tôi hy sinh, mẹ thường gọi đứa con trai thương yêu của mình là ''chú bộ đội''. Có lẽ mẹ nghĩ rằng gọi như thế để anh khỏi giật mình. Ngày giỗ anh, mẹ thắp hương gọi ''chú bộ đội'' về nhà dùng món canh cua mẹ nấu rau đay- một món canh hồi còn ở nhà anh rất thích.

Đêm đó mẹ lặng lẽ ra đi, mắt vẫn mở nhìn đàn con cháu vừa như thúc giục, khẩn khoản, vừa như khích lệ các con thực hiện lời dặn dò của mẹ. Anh cả đưa tay nhẹ nhàng vuốt lên đôi mắt mẹ và hứa trong tiếng nấc rằng chúng con nhất định sẽ thực hiện bằng được tâm nguyện của mẹ. Sự kìm nén như đã đến tột đỉnh, những tiếng nấc bỗng bật lên, vỡ òa đớn đau, thảm thiết…

Xã hội - Hành trình bí ẩn tìm mộ liệt sĩ trong rừng Quảng Nam

Ảnh minh hoạ

Cuộc đối thoại kỳ lạ

Hai hôm sau, chị vợ tôi ra Phùng cắt thuốc, tình cờ gặp người thương binh già. Trong khi chờ đợi, người thương binh hỏi:

Cô nhà có gần đây không mà đi sớm thế?

Em ở ngay Tân Hội đây thôi. Thế bác ở đâu?

Ở Tân Hội có biết cậu Tấn không?

Có. Sao bác biết ông Tấn?

Chúng tôi ở với nhau mãi trong chiến trường mà lị.

Thế bác có biết anh em không? Anh em tên là Hào, Nguyễn Văn Hào.

Biết rồi, Hào người trắng trẻo phải không? Đơn vị  vẫn gọi là Hào Tây, lạ gì.

Ở bộ đội em thấy ai cũng có một cái tên riêng kèm theo, hay thật đấy. Thế bác có biết anh Hào nhà em hiện nay được chôn cất ở đâu không?

Người thương binh  trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi nói: “Việc này chỉ có ông Sùng là hiểu rõ nhất vì ông ấy là trung đội trưởng, là người trực tiếp đào huyệt. Cô phải đến hỏi ông Sùng thương binh cụt chân ở Trung Châu, Thọ Xuân ông ấy sẽ chỉ cho.

Sáng sớm hôm sau, hai anh em lai nhau lên nhà ông Sùng. Làng Trung Châu cách Tân Hội chỉ vài cây số nên việc đi lại chả gặp khó khăn gì. Ông Sùng rất nhiệt tình tiếp đón khách. Ông kể giọng như lạc đi, mắt lim dim nhìn vào khoảng không: “Cậu ấy là một chiến sĩ rất hăng hái, tích cực. Dạo ấy chúng tôi hành quân vào đến khu vực Quảng Nam mất hơn 5 tháng trời. Đến nơi cậu ấy bị sốt rét nặng rụng hết cả tóc. Vậy mà cứ nằng nặc đòi ra trận. Cấp trên điều cậu ấy về trung đội tăng gia để có thời gian nghỉ ngơi cho khỏe. Tôi nhớ lúc đó là gần đến tết mậu thân 1968. Ai cũng phấn khởi vì nghe tin sắp có đánh lớn. Đêm đó chúng tôi nhận lệnh đi vận chuyển một số thuốc men và lương thực ở khu vực gần dân cư.

Tổ ba người do đồng chí Hào phụ trách đến khe núi thuộc thôn Lâm Tây của huyện Đại Lộc thì bị phục kích. Đồng chí Hào đi đầu bị trúng đạn hy sinh nhưng anh em không lấy xác về được vì địch canh gác suốt ngày đêm. Sang đêm thứ ba, tôi cùng một đồng chí nữa chờ đến khuya lại bò đến khu vực khe núi. 

Xã hội - Hành trình bí ẩn tìm mộ liệt sĩ trong rừng Quảng Nam (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Chúng tôi đào huyệt ở một góc đất bằng phẳng cách chỗ cậu ấy nằm khoảng chừng chục mét ngay chân núi. Khi đào được khoảng gần một mét thì bỗng nhiên bả vai tôi đau nhói một cái rồi tê cứng không cử động được nữa. Tôi biết mình đã bị lộ và bị thương nên đành ra hiệu rút lui. Địch đã canh giữ xác của cậu ấy đúng một tuần mới thôi. Sau đó đơn vị  tổ chức mai táng cho đồng chí ấy ở đúng cái hố mà tôi đã đào.

Kể đến đây ông bỗng dừng lại nhìn anh cả và hỏi: “Gia đình mình định khi nào thì vào tìm cậu ấy?”. Sau khi biết rằm tháng sau chúng tôi sẽ đi tìm, ông nói: "Tôi rất tiếc vì sức khỏe bây giờ không thể đi xa được nữa nhưng tôi sẽ cố gắng suy nghĩ để viết lại cho thật rõ ràng về cái khu vực ấy giúp gia đình vào tìm và hỏi thăm cho dễ. Hẹn đúng 2 hôm nữa anh lên đây tôi đưa cho”. 

Tìm thấy hài cốt và chiếc bút máy khắc tên liệt sĩ

Đứng ở nhà ga Nội Bài nhìn chiếc máy bay chở vợ và những người thân bay lên mà lòng tôi hoang mang. Ba người phụ nữ nhút nhát chưa từng đi xa bao giờ nay dựa vào ông anh cả đã ngoài 70 tuổi lại cũng không  biết tí gì về rừng núi, không hiểu bản đồ và địa hình. Thật là một sự liều lĩnh ngoài sức tưởng tượng.

Tôi bồn chồn nhấc máy gọi về tổng đài 1080 để hỏi số máy của huyện đội Hòa Vang nhờ các đồng chí trong ấy giúp đỡ. Vì bí nên tôi cứ gọi liều chứ nào có quen biết gì đâu. Không ngờ lại được các đồng chí bên phòng chính sách của huyện đội Hòa Vang nhiệt tình và chu đáo đón gia đình tôi và cử người đưa xuống tận Ủy ban nhân dân xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc.

Ở đó gia đình được bố trí ăn nghỉ tại nhà bà Xanh thuộc thôn Danh Lâm Tây. Đây là một cơ sở cách mạng, một nữ giao liên dũng cảm thời kỳ chống Mỹ. Ở đây giờ đang là mùa mưa nên mấy hôm nay trời mưa to liên miên. Ăn cơm tối xong, cháu Hoa bảo: “Hình như chú Hào về hay sao ấy, cháu thấy đầu nặng lắm”.

 

Trời Quảng Nam những ngày tháng 10 mưa như trút nước. Mọi người ai cũng sốt ruột. Sang ngày thứ 3 (tức ngày 18/10 ) bỗng nhiên mưa gần như tạnh hẳn. Cháu Hoa đang ngồi nghỉ bỗng đứng phắt dậy xắn quần. Mọi người ngơ ngác hỏi: “Mày đi đâu thế Hoa?” - Cháu Hoa lẳng lặng xắn quần, không nói gì rồi xăm xăm bước ra sân. Lúc đó đồng hồ chỉ đúng 2h chiều. Cháu vốn dĩ có dáng người nhỏ bé, yếu ớt mà cứ đi băng băng trong mưa, luồn lách trong rừng dáng điệu trông rất thuần thục như bộ đội đi hành quân vậy. Mọi người cố sức mới theo kịp.

Cháu đi băng qua đường Hồ Chí Minh theo con đường đất chạy vào rừng rồi bỗng rẽ quẹo sang con đường mòn rất nhỏ chạy men theo khe suối. Đến một hõm núi, cháu dừng lại chỉ vào đó và bảo thắp hương (Chắc là xin thần núi). Sau khi thắp hương xong, cháu lại lúc cúc đi tiếp. Con đường mòn chạy ngoằn ngoèo men theo sườn núi dẫn mọi người đến một gốc cây không to đứng một mình nơi bằng phẳng nằm giữa hai triền núi (đúng như trong thư người thương binh già đã mô tả) thì cháu bỗng dừng lại chỉ xuống đất, sát gốc cây nói: “Chỗ này!” anh cả hỏi: “Đúng không?” . “Đúng”. “Thế đầu đằng nào?”. Cháu Hoa không nói, người ngửa ra phía sau ý muốn nói đầu nằm ở phía sau, còn chân ở phía trước.

Bà chị vợ tôi bảo: “Bây giờ em thắp 3 nén hương nếu bác Hào sống khôn thác thiêng hiện về đây thật thì hãy làm tắt một nén ở giữa đi để cho gia đình được biết!”. Mọi người ngồi uống nước, hút thuốc nói chuyện không để ý, lát sau nhìn vào đã thấy một nén hương ở giữa bỗng dưng tắt ngấm. Tất cả gia đình cùng các đồng chí cán bộ xã Đại Đồng và người dân địa phương đi cùng hôm đó đều kinh ngạc chứng kiến tận mắt. Một không khí thiêng liêng bao trùm. Anh cả không cầm được nước mắt, cất tiếng hỏi như để phá tan bầu không khí yên lặng: “Đã 40 năm rồi giờ có còn xương cốt không?”.

Xã hội - Hành trình bí ẩn tìm mộ liệt sĩ trong rừng Quảng Nam (Hình 3).

Ảnh minh họa.

Gật đầu. “Thế khi chôn chú đi giày hay đi dép cao su?”. “Đi giày!”. Anh cả lau nước mắt, giọng lạc đi: “Còn vật gì mang theo trong người không?”. “Cái bút máy!”. “Có khắc tên ai không?”  Cháu Hoa gật đầu. “Tên ai?”. “Hào, Nguyễn Văn Hào!”.

Trời đã tạnh hẳn, mọi người bắt đầu đào. Càng xuống sâu nước mạch tràn vào càng nhiều nên phải liên tục tát nước. Đào đến vút đầu rồi mà vẫn chưa thấy. Không ai nói ra nhưng trong lòng mọi người đã bắt đầu nản và hoài nghi. Nhớ lời người thương binh già kể thì ông chỉ mới đào được sâu chưa đầy một mét đã phải rút vì bị địch phát hiện. Vậy mà…

Vừa lúc đó có một cậu bé chăn trâu không biết đến từ bao giờ ngồi trên bờ vừa bẻ bánh đa ở mâm thờ ăn rất tự nhiên vừa nói: “Sắp đến rồi, đào tý nữa, đào tý nữa!”. Bà Xanh nhìn thằng bé mắng: “Cái thằng trẻ con biết gì mà cũng nói!”. Mọi người đào thêm một lượt xẻng nữa bỗng trào lên lớp bùn non màu xanh rêu hệt như màu quần áo Tô Châu mới. Cháu Hoa khóc, ai nấy cũng thương, khóc theo. Bác cả bốc hết lớp bùn màu xanh vào cái xô và phát hiện bờ thành của huyệt.

Thì ra sau này người ta đào hố trên núi để xây dựng đường dây 500KV. Năm tháng và những trận mưa đã làm cho đất trên núi lở trôi xuống và bồi đắp thêm lên một lớp đất dày gần 2m nữa. Ai nấy đều thở phào hy vọng. Bây giờ họ dùng tay moi, thận trọng bốc lên từng nắm đất. Đôi đế giày vải được tìm thấy đầu tiên rồi đến các ống xương chân, tay... Những đốt xương có vẻ còn nguyên vẹn nhưng khi đưa lên bờ một lúc sờ vào thì mủn ra hết. Không ai cầm nổi nước mắt.

Trời đã tối mà mọi người quên hết mệt mỏi. Họ nhào bóp từng nắm đất, nhặt cả những chiếc cúc áo và cuối cùng cũng đã tìm thấy chiếc bút máy. Chiếc bút Trường Sơn đã bị mất cài nhưng thân bút có lẽ vẫn còn tốt được một lớp đất và gỉ sắt bám lên. Bác cả tay run run, dùng vạt áo lau thật sạch rồi soi đèn. Một dòng chữ mờ được khắc trên thân bút dần dần hiện lên: ''Nguyễn Văn Hào''.

Mái đầu bạc rung lên, những giọt nước mắt lã chã rơi xuống bùn. Một cảm giác thương xót, đau đớn đến tột cùng xâm chiếm. Ông lấy tay áo quyệt lau, cố kìm nén những đau thương vào trong. Trên bờ, hai người cô ôm chặt cháu Hoa khóc nức nở.

Tất cả hài cốt được vảy nước thơm, gói vào  tấm vải đỏ và đặt trong một chiếc tiểu rồi phủ cờ lên. Sáng hôm sau chính quyền xã Đại Đồng cùng bà con nhân dân tổ chức rất long trọng lễ đưa anh vào nghĩa trang của xã. Trong bài diễn văn của đồng chí Trung - phó chủ tịch kiêm trưởng ban thương binh xã hội xã Đại Đồng hôm đó có đoạn: “Đồng chí Nguyễn Văn Hào - Người con của quê hương Đan Phượng đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho quê hương Đại Đồng chúng ta. Tuổi xuân của anh sẽ mãi mãi trường tồn cùng năm tháng, trường tồn cùng với mùa xuân của đất nước Việt Nam''.

Phạm Văn Năm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.