Tai họa bất ngờ
Lở là người dân tộc Dao, sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc vùng núi thôn Pạc Tà. Cái tên Lý Láo Lở được bố mẹ đặt cho với ý nghĩa là đứa con đầu lòng. Nhưng thật không may, khi Lở 4 tuổi thì mẹ qua đời. Chẳng lâu sau bố Lở lấy người phụ nữ khác về làm vợ.
Lý Láo tự mình làm được mọi việc trong gia đình bằng đôi tay cụt.
Lở tâm sự: Cuộc sống dì ghẻ con chồng chẳng mấy khi thuận buồm xuôi gió. Nhất là sau khi mẹ kế sinh đứa em thứ 2. Tuy thế, Lở vẫn luôn cố gắng học tập. Ngày ấy, ở xã chưa có trường Tiểu học, sau khi học hết lớp 3 tại một lớp tự túc, em khăn gói lên trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bát Xát theo học tiếp.
Trường cách nhà 60km, nên ngay từ bé em đã tự lo mọi chuyện cho bản thân và nuôi ước mơ trở thành thầy giáo, dạy cái chữ cho các em bé người Dao ở vùng cao A Mú Sung.
Nhưng cuộc đời của Lý Láo Lở đã bước sang một lối rẽ khác, khi tai họa bất ngờ ập đến trong lần em tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh Lào Cai. Lở nhớ lại: Hôm đó là vào buổi chiều một ngày cuối tháng 12/2002 em cùng các bạn dựng rạp để chuẩn bị cho cuộc thi ngày hôm sau.
Khi đó, em đang cầm ống tuýp dài chừng 6m thì bất ngờ dây điện cao thế từ trên cao rơi xuống đúng vào thanh tuýp. Thế rồi, em ngất đi. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong Viện Bỏng Quốc gia và đôi cánh tay không còn nữa. Dòng điện cao thế đã làm cho cánh tay của Lý Láo Lở bị hoại tử. Để cứu được Lở, các bác sĩ đã phải cưa hai cánh tay của em, khi đó Lở mới 14 tuổi.
"Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", bao giấc mơ, hoài bão như tan thành mây khói Lở trở lên lầm lũi, sống cô độc và rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Em không đủ dũng cảm để bước tiếp đến trường khi thấy mình không còn lành lặn. Nhà nghèo không có tiền cho cậu chạy chữa, vì thế khi ra viện cậu đã về quê sống 2 năm bỏ bẵng đi con chữ.
Nhưng rồi với niềm khát khao được chinh phục tri thức, bằng tất cả nghị lực, chàng thanh niên người Dao đã tập viết mọi lúc, mọi nơi. Cậu quyết tâm quay trở lại trường Phổ thông Dân Tộc nội trú Bát Xát học tiếp.
Năm 2009, một hy vọng được lóe lên khi có một tổ chức từ thiện đồng ý lắp cho Lở cánh tay giả. Mọi hy vọng như được thắp trở lại, Lở cho biết: "Khi biết tin đó, em đã hét toáng lên vì sung sướng. Mọi ước mơ bị chôn vùi từ lâu nay dường như trỗi dậy.
Nhiều đêm liền em không ngủ được, cứ đặt mình xuống là ý nghĩ có lại hai cánh tay mới, mặc dù nó là giả, lại ùa về. Nhưng rồi niềm vui đó chẳng được lâu, sau phẫu thuật do không giữ được vệ sinh nên vết mổ bị nhiễm trùng, cuộc nối ghép tay thất bại. Lở phải trở lại đối diện với sự thực phũ phàng với hai cánh tay cụt ngủn.
Lý Láo đang viết bằng đôi tay cụt.
Hành trình tìm lại chính mình
Giờ đây, khi đã là sinh viên đại học, Lở kể về quãng thời gian luyện viết chữ với hai cánh tay cụt mà giọng nặng trĩu nỗi niềm: "Em không bao giờ quên được ngày tháng gian khó khi em vượt qua ranh giới của cuộc đời. Nhiều khi em đã nghĩ đến ăn lá ngón để tự tử khi bản thân mình đã không giúp được gì cho gia đình lại còn làm phiền đến bố mẹ.
Nhưng rồi em nghĩ, như thế có khác nào mình đầu hàng số phận. Giàng (ông trời - PV) đã may mắn cho sống sót, mình phải quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, có như thế mới khẳng định được mình.
Trong quãng thời gian 2 năm ở nhà, tranh thủ những lúc đi nương hay lên rừng kiếm củi, Lở nhặt những cành cây rồi dùng khoảng tay còn lại chập vào giữ lấy que củi rồi cứ thế mà viết xuống đất. Các que củi cọ vào những mỏm xương khiến cho hai đầu cánh tay đau buốt, xước xát khó chịu vô cùng. Cuối cùng Lở phát hiện cách viết hiệu quả nhất là kẹp bút vào giữa hai mỏm tay còn lại, chữ viết đẹp dần lên.
Ngoài ra, Lở cũng tự mày mò tập làm lại việc nhà bằng hai phần tay còn lại. Tập quét nhà là việc đầu tiên em thử làm. Giữa mùa đông mà người nhễ nhại mồ hôi, từ những nhát chổi vụng về, cuối cùng cây chổi cũng phải làm theo ý muốn của Lở.
Có lần Lở đi cày bừa giúp bố. Khi sợi dây thừng buộc mũi trâu bị rơi, không làm cách nào nhặt lên được, Lở đã phải dùng miệng cắn sợi dây lên, khi đó miệng cậu dính đầy bùn đất.
Lở nhớ lại hôm được bố đưa trở lại trường sau 2 năm, thầy Hiệu trưởng nhìn đôi cánh tay cụt ngủn của Lở tỏ vẻ ái ngại, thầy sợ rằng Lở không thể viết kịp được với các bạn. Nhưng sau khi chứng kiến những nét chữ nắn nót, tròn trịa được viết ra từ hai cánh tay tật nguyền kia, thầy Hiệu trưởng liền nhận cậu vào học lớp 8. Ngay trong năm đó, bằng cố gắng của mình Lở đã giành danh hiệu học sinh giỏi và nhận được bằng khen do Chủ tịch tỉnh Lào Cai ký tặng.
Ngoài giờ học chính, cậu còn xin làm kế toán cho một cửa hàng bán đồ nhựa, sau chuyển sang làm thủ kho cho cửa hàng vật liệu xây dựng.
Lở vui vẻ kể: Các bạn trong lớp rất tốt với em, còn đặt cho em biệt danh là chàng trai không tay, những lúc không chép kịp bài các bạn đều cho mượn vở về nhà chép. Hiện tại, em rất muốn tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện của trường để được hòa đồng với các bạn, được tiếp xúc với nhiều bạn cùng cảnh ngộ, như thế em sẽ tìm thấy sự đồng cảm nhiều hơn.
Cậu bảo: Sắp tới, có lẽ em cũng phải tìm cho mình một công việc để kiếm thêm thu nhập vì gia đình em nghèo nên không có tiền cho em đi học. Từ khi xuống đây em toàn tiêu tiền mà mình dành dụm được trong thời gian làm thêm chờ giấy báo nhập học, mà số tiền ít ỏi cũng sắp cạn rồi!
Thùy Dung