Nông Thị Dung (xã Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố Dung là ông Nông Văn Linh làm nghề thợ xây, thu nhập bấp bênh. Còn bà Liễu, mẹ của Dung, chỉ gắn bó với 3 sào ruộng, lại thường xuyên đau ốm.
Nhớ lại cách đây 20 năm, bà Liễu bùi ngùi kể: “Niềm vui sinh con vừa đến thì tin bác sĩ báo cháu có vấn đề về mắt, tim tôi thắt lại. Sau đó gia đình đã đưa cháu đi chạy chữa nhiều nơi, nhưng vẫn không có kết quả. Kinh tế gia đình thì cạn kiệt, nên cũng đành để cháu như vậy”.
Lên 5 tuổi, Dung được cô giáo mầm non gần nhà khuyến khích gia đình cho đi học, đôi mắt không nhìn được ánh sáng nhưng Dung rất ham học. Thấy vậy khi Dung sắp lên lớp 1, gia đình liên hệ nhiều nơi để em được đến lớp, cuối cùng bố mẹ em cũng tìm được một trường dạy chữ nổi trên thị xã Cao Bằng. Dung chia sẻ với PV: “Đây là quãng thời gian thực sự khó khăn với em, đưa em xuống nhập học được 5 ngày thì mẹ phải về thu hoạch mùa màng. Khi ra về mẹ gửi tiền cho cô giáo, nhờ cô chăm sóc, thiếu đồ gì thì xin cô mua giúp. Lúc đó em chỉ biết khóc, mấy ngày sau liên tục đòi về nhà”.
Trải qua bao khó khăn trong học tập và sinh hoạt, với nỗ lực từ bản thân và sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, Dung đã đạt thành tích tốt trong chặng đường chinh phục con chữ đầu tiên, 5 năm liền em luôn là học sinh khá, giỏi.
Háo hức khi tiếp tục lên cấp 2 nhưng Dung không được nhận học. Thầy Hiệu trưởng giải thích: “Cấp 2 có nhiều bộ môn, lại mỗi thầy cô dạy một môn và không dạy được chữ nổi nên không giúp em học được”.
Việc này như một cú sốc với Dung và gia đình, thật may, sau đó có người giới thiệu, ông Linh lại lên đường nộp hồ sơ cho con và được đồng ý học tại trung tâm Giáo dục hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.
Lên cấp 3, cô gái dân tộc Tày lại tiếp tục hành trình đi đến ước mơ đại học của mình, em phải xuống Hà Nội học vì ở đây mới có trường dành cho học sinh khiếm thị. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm, trong thời gian học cấp 3, Dung tìm hiểu và đi học một lớp dạy tẩm quất cho người mù. Học xong khóa học, Dung bắt đầu xin đi làm.
Dung tâm sự: “Do sức khỏe yếu và thấy em nhỏ con nên họ không muốn nhận, những khi thiếu người thì họ mới nhận làm. Hay những ngày cuối tuần đông khách thì em lại phải đi học. Số tiền kiếm được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, em cố gắng chi tiêu thật tiết kiệm, để không phải xin tiền gia đình nữa. Lúc biết, bố mẹ em cũng phản đối nhưng thấy em quyết tâm quá nên bố mẹ cũng dần bị thuyết phục”.
Năm 2015, niềm vui đến khi em được gọi nhập học tại trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn. Dung chọn khoa Công tác xã hội vì cảm thấy phù hợp với bản thân. Lên đại học, Dung tiếp tục với thử thách mới, thầy cô không hiểu được chữ nổi, em lại làm quen cách đánh văn bản trên máy vi tính. Sau thời gian chuyên tâm miệt mài em cũng thành công.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần hiếu học, sau hai năm, Dung trở thành sinh viên có điểm số cao nhất lớp, với điểm tích lũy đạt 3,6/4 điểm và giành nhiều suất học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó và sinh viên có thành tích học tập tốt.
Sau bao năm khó khăn, con đường chinh phục con chữ của cô nữ sinh nhỏ nhắn còn hai năm phía trước. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cô gái vẫn luôn tự tin: “Em nhất định sẽ vượt qua. Em chỉ mong ước bố mẹ luôn khỏe mạnh, còn em sau khi học xong sẽ xin vào hội Người mù ở huyện em làm, để có thể giúp đỡ được những người kém may mắn”.
Công Luân - Đặng Thủy