Lặn lội học nghề
Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn, sinh năm 1964, trú thôn 4 (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Sinh ra trong một làng nghề làm gốm truyền thống, từ khi 3 - 4 tuổi, cậu bé Tuấn đã được tiếp xúc với đất với gốm, để rồi khi lên 7 - 8 tuổi đã có thể kiếm tiền bằng nghề gốm.
Năm 14 tuổi, cậu vào làm cho phân xưởng mỹ nghệ của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, đến năm 24 tuổi, chàng thanh niên mở lò gốm của riêng mình. Là một người con Bát Tràng cực kỳ đam mê với gốm sứ, nghệ nhân Tuấn đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về gốm, về đất. Ông đến khắp các làng nghề gốm sứ ở cả nước để tìm hiểu, nghiên cứu.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn cho biết, chính tình yêu nghề, tình yêu gốm sứ Bát Tràng đã là động lực là cơ duyên đưa ông đến với ấm trà Tử Sa.
Theo ông, ấm trà Tử Sa mặc dù xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại rất gần gũi với người Việt. Từ xa xưa, giới sành trà ở Việt Nam đã biết dùng và chơi loại ấm này.
Nếu như ấm trà Tử Sa Trung Quốc được làm từ đất Tử Sa ở Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô), thì ấm trà Tử Sa Việt Nam được làm từ phù sa sông Hồng.
"Ấm trà Tử Sa Bát Tràng và ấm trà Tử Sa Trung Quốc khác nhau rất nhiều. Trong làng nghề gốm Trung Quốc người ta có sẵn mỏ đất riêng để tạo ra ấm trà Tử Sa.
Việt Nam thì lại không có, chính vì thế tôi phải kết hợp giữa nhiều nguồn đất khác nhau như: Quế Quyển (Hà Nam), Thổ Hà (Bắc Giang), Phù Lãng (Bắc Ninh), Giếng Đáy (Quảng Ninh) cùng với một số nguyên liệu của làng Bát Tràng như phù sa sông Hồng để tạo ra chất liệu đất của dòng gốm Tử Sa", nghệ nhân chia sẻ.
Vào năm 2006 ông đã nghiên cứu và sản xuất thành công ấm trà Tử Sa. Để có thành tựu đó, ông đã phải mất 2 năm mầy mò nghiên cứu, đi khắp nơi để học hỏi, thậm chí sang cả Giang Tô để tìm hiểu.
Ông cho hay, để sản xuất một chiếc ấm trà Tử Sa hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều thể hiện sự kì công trong cách chế tác của người nghệ nhân. Ngoài ra, sự khác biệt về chất liệu, nhiệt độ nung và độ bóng so với các loại ấm khác cũng chính là điểm thể hiện giá trị và tính nghệ thuật cao của ấm Tử Sa.
Thời điểm đầu, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn đã phải lặn lội xuống Quế Quyển để lấy đất, sau đó về pha chế, kết hợp với các loại đất khác để có độ dẻo, dai và đặc biệt chịu nhiệt lớn. Nhiệt độ để nung ấm trà Tử Sa phải đạt trên mức 1.200 độ C.
Và để tạo ra được loại đất chịu nhiệt lớn như vậy là cả một quá trình vất vả, tìm hiểu về chất đất, cách pha chế.
Theo nghệ nhân, ấm trà Tử Sa khi hoàn thành, dùng vật cứng gõ vào sẽ phát ra tiếng kêu rất thanh như chuông. Đặc biệt, khi pha trà bằng chiếc ấm này thì nước trà rất đẹp, có hương thơm và giữ nóng lâu.
Nhắc đến sự đặc biệt của ấm trà Tử Sa, ông cho biết thêm: "Thứ nhất ấm Tử Sa khác với ấm men, sứ và khi đạt được sự nung chín, qua tay người sử dụng nhiều năm, nhiều lần thì chiếc ấm có tuổi, chuyển bóng, lên một lớp men bằng thời gian, bằng trà, bằng mồ hôi tay. Đó chính là sự quý giá và đặc biệt của chiếc ấm này".
Ấm tử sa mang văn hóa Bát Tràng
Dù đã thành công, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn vẫn không ngừng tìm tòi, học hỏi. Nếu như cách đây 14 năm, đất làm ấm trà Tử Sa được ông sử dụng là đất từ làng nghề Quế Quyển, thì đến nay, ấm trà Tử Sa được làm nguyên liệu ngay ở Bát Tràng, đó là bằng đất, bằng cát phù sa sông Hồng với tỉ lệ khoảng 40 - 50% nguyên liệu.
"Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ sông Hồng. Điều quan trọng là mình đã tận dụng được, sử dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, đó mới chính là cái quý giá nhất của một làng nghề", nghệ nhân chia sẻ.
Được biết, hiện nay tại Bát Tràng, ngoài nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn còn có rất nhiều nghệ nhân đã chế tác thành công ấm trà Tử Sa. Ấm Tử Sa tại đây có nhiều chủng loại khác nhau với giá thành từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng/bộ.
Ông cho biết, ở Bát Tràng cũng có một số cơ sở nhập đất tại Giang Tô về để làm ấm trà Tử Sa. Nhưng đối với ông, "giá trị lớn nhất của ấm trà Tử Sa Bát Tràng là nguyên liệu của địa phương, mang văn hóa của người Việt".
Để giữ gìn bản sắc riêng của ấm Tử Sa Bát Tràng cũng như gốm Bát Tràng, nghệ nhân luôn sử dụng cát và phù sa sông Hồng để làm gốm.
Trong xu thế hội nhập, nhiều người đang có xu hướng chuộng ngoại, vậy ấm trà Tử Sa nói riêng và gốm Bát Tràng nói chung có mất "chỗ đứng"?
Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn khẳng định: "Chưa bao giờ tôi băn khoăn, lo lắng về vấn đề đó. Trong quá trình sản xuất của mình, thấy mọi người vẫn yêu quý sản phẩm, thấy chất lượng sản phẩm của mình đã đạt được mong muốn của người tiêu dùng. Nên tôi yên tâm về vấn đề đó, bởi đất nước nào cũng có văn hóa, làng nghề nào cũng có truyền thông, mình giữ được văn hóa của bản sắc trong truyền thống của làng nghề thì có gì phải ngại".
HOÀNG YÊN