Phút giây hạnh phúc tột cùng của cô sinh viên y khoa Nina Davuluri.
Bị nhầm là người Ả Rập
Bất chấp làn sóng phản đối ồn ào, bất chấp việc bị cư dân mạng ví vòng eo với chiếc bánh mì, cuối cùng, nữ sinh viên gốc Ấn 24 tuổi, Nina Davuluri vẫn đánh bại các ứng viên hoành tráng đến từ 49 bang của nước Mỹ, quần đảo Virgin và Puerto Rico để giành chiếc vương miện danh giá trong cuộc thi Miss America (Hoa hậu Mỹ) tổ chức ở Atlantic bang New Jersey đêm 16.9 theo giờ Mỹ.
Gây ấn tượng mãnh liệt với điệu múa Ấn Độ mang phong cách Bollywood đầy hoang dại, cô gái theo đạo Hindu này khiến ban giám khảo thích thú và tán thưởng bao nhiêu thì nhiều kẻ mang tư tưởng cực đoan tại Mỹ lại quy kết cô là người Ả Rập bấy nhiêu. Dĩ nhiên, Nina cũng không phải là phiên bản của “gái đẹp Ả Rập” bị trục xuất như sự kiện “trai đẹp bị trục xuất” vài tháng trước. Nhưng cô cũng là một hiện tượng xã hội khiến báo giới rất “phấn khích”. Bởi vì đây là lần đầu tiên, một cô gái gốc Ấn đăng quang thay cho những cô gái bản xứ Mỹ da trắng, tóc vàng như tiền lệ.
Sau đêm chung kết, trên mạng xã hội Twitter tràn ngập những tweet (bình luận) mang tính miệt thị Nina Davuluri. Trang AFP trích một dòng tweet nhận được nhiều hưởng ứng nhất là: “Al-Qaeda đã gây ảnh hưởng tới các giám khảo theo đường lối tự do”.
Bù lại, nhiều cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ đã lên tiếng bênh vực Nina Davuluri, đồng thời lên án những kẻ có đầu óc phân biệt chủng tộc. Rất nhiều người ca ngợi màn trình diễn của Nina Davuluri, cho rằng điệu múa của cô đã “tôn vinh sự đa dạng văn hóa”. Dù nhận về phức hợp ý kiến thuận, nghịch đủ cả nhưng kết quả ngôi vị Hoa hậu Mỹ năm 2014 chắc chắn đã nằm trong tay Nina.
Với tư cách là Hoa hậu Mỹ, Nina sẽ phải đi khắp các bang với tổng quãng đường lên tới 32.190km mỗi tháng để phát biểu trước công chúng về những vấn đề đang chia rẽ nước Mỹ.
Ngoài ra, cô sinh viên Đại học Michigan này cũng sẽ chính thức là Đại sứ thiện chí của tổ chức thiện nguyện mang tên Mạng lưới đem phép màu tới cho trẻ em ở các bệnh viện. Phần cô được nhận về chính là giải thưởng hoa hậu đáng mơ ước cùng học bổng 50.000USD (hơn 1 tỉ đồng) để tiếp tục duy trì việc học hành.
Cuộc “ép xác” ly kỳ
Bạn có bất ngờ không khi đọc được những thông số này: 170 pounds (80kg) - 25kg = 53kg? Đây là biến chuyển cân nặng của Nina từ năm 2011 cho đến thời điểm hiện tại.
Được các bác sĩ xác nhận là không hút mỡ hoặc can thiệp dao kéo thẩm mỹ, cô gái 24 tuổi này đã lấy lại vóc dáng thon gọn trong vòng 16 tháng chỉ với việc ăn kiêng và tập luyện ở cường độ cao.
So với mặt bằng chung, chiều cao 1,68m và số đo 3 vòng 86-64-93 không hề là “vũ khí” sắc bén để Nina đủ sức vượt qua 51 thí sinh khác cùng rất nhiều vòng thi khắc nghiệt khác của Miss America. Thế nhưng, cô gái không quá đặc biệt này đã chứng minh sự lợi hại của mình.
Năm thứ 3 ở Đại học Michigan, Nina có cân nặng xấp xỉ 80kg và cô đã không có hứng thú nhìn mình trong gương nữa.
Ấn tượng ban đầu về Nina là gương mặt thuần Ấn Độ với đôi mắt to, nụ cười tươi sáng và thân hình săn chắc gợi cảm. Rõ ràng, so với những nhan sắc hoa hậu trước thì Nina quả là không nổi bật cho lắm nếu không muốn nói là quá bình thường. Tuy nhiên, cô có nét duyên dáng, mặn mà của những cô gái Á châu. Hơn nữa, cô vô cùng tự tin về ngoại hình và trí tuệ của mình. Cô không ủng hộ lắm việc phẫu thuật thẩm mỹ, cô tự hào về dòng máu của mình. Đó là lý do khi được hỏi về việc MC gốc Hoa Julie Chen đã phẫu thuật thẩm mỹ để bớt giống người châu Á, Nina Davuluri nói rằng cô không đồng ý và khuyên các cô gái nên tự tin về những gì mình có.
Quay về 16 tháng trước, bạn sẽ chỉ biết về một hình ảnh Nina béo phì với cân nặng 80kg. Do áp lực học hành, cuộc sống và chế độ ăn uống của một du học sinh, Nina không hay biết mình đã mắc bệnh cuồng ăn. Cô ăn vô độ những món giàu chất béo như gà rán, bánh ngọt... Chứng bệnh này vốn chiếm hơn 30% trong độ tuổi thanh thiếu niên ở Mỹ. Việc ăn nhiều hơn để lấp đầy tâm trạng tiêu cực là giải pháp chung của các bạn trẻ. Năm thứ 3 tại Đại học Michigan, Nina nặng hơn hiện tại đến 27kg. Bằng chứng rõ ràng là bức ảnh chụp bên bể bơi năm 2011 với bộ bikini 2 mảnh chấm bi đen trắng, trông cô quá mập và chẳng có chút hấp dẫn nào cả.
Ngắm dung nhan của mình trong gương, Nina nhận ra cô đã lên cân không thể kiểm soát. Cô bắt đầu thấy sợ hãi và ao ước có được vóc dáng cân đối hơn mặc dù trước đây, Nina luôn khinh bỉ những cô gái Mỹ lúc nào cũng ám ảnh việc ăn kiêng để thanh mảnh. Cô chia sẻ: “Tôi tăng cân rất nhiều và mắc bệnh hen suyễn nặng. Tôi đã tự nhủ: Mình sẽ không thể sống tiếp nếu không thay đổi”.
Quá hoảng hốt, cô chạy ngay đến chỗ huấn luyện viên thể hình Tia Falcone tại Dewitt, New York để cầu cứu. Nữ huấn luyện viên Tia đã áp dụng chế độ ăn uống kiêng khem hết sức cho Nina chỉ với bông cải xanh, nước lọc, quả việt quất... Đây là chế độ ăn của các siêu mẫu thế giới. Song song với chế độ ăn nghèo nàn dinh dưỡng là việc thực hiện các bài tập thể hình khắc nghiệt và kinh điển. Ngoài giờ học, Nina dành hầu hết thời gian cho việc tập gym, chạy bộ, gập bụng, bơi lội... Có những ngày, Nina lả đi trên máy tập đi bộ do đuối sức và căn bệnh hen suyễn hành hạ. Thời gian đầu, việc gập bụng giảm eo khiến cơ bụng cô luôn đau nhức. Dĩ nhiên trước khi luyện tập, Nina cũng đã nghiên cứu những tác hại của việc giảm cân.
Nói về tác hại của chứng rối loạn dinh dưỡng, bà Lynn Grefe, Chủ tịch - Giám đốc điều hành của Hiệp hội rối loạn ăn uống quốc gia, cho biết: “Việc giảm cân khiến bạn dễ bị rối loạn dinh dưỡng. Nó giống như một trận động đất chạy qua cơ thể làm hỏng thận, rối loạn tiêu hóa và gây ra chứng loãng xương cho một phụ nữ trước tuổi 30 thay vì phải chờ thêm vài chục năm nữa bệnh ấy mới hỏi thăm”. Biết rằng sẽ rất vất vả, phải chịu đựng sự “đói khát” kinh niên; Cũng biết rằng sẽ phải đổ mồi hôi, sôi nước mắt trên sàn tập nhưng Nina đã vạch ra mục tiêu “đốt cháy” 27kg mỡ thừa, và cứ thế, Nina hoàn thành xuất sắc mục tiêu ấy. Cô trở nên ham tập thể dục và thay vì muốn nối nghiệp cha cô, một bác sĩ sản khoa tại Fayetteville, Michigan thì đã có lúc Nina cũng muốn trở thành huấn luyện viên thể hình. Tia Falcone tiết lộ: “Cô ấy tập luyện rất chăm chỉ và thực sự truyền cảm hứng cho mọi người”.
Khi đã lấy lại được vóc dáng thon gọn lý tưởng như hiện tại, Nina bắt đầu có ý định sẽ thử sức mình với cuộc thi Miss America. Trả lời trên NewYork Post, cô nói chỉ mong muốn tái tạo niềm tin và thoát ra khỏi chứng ám ảnh trong quá khứ, thế nhưng thật không ngờ, hơn cả sự mong đợi, cô giành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi sắc đẹp đã có lịch sử 87 năm của Mỹ. Kỳ thực, Nina sinh ra tại Syracuse, New York nhưng cha mẹ cô là người Ấn Độ. Năm Nina 4 tuổi, gia đình cô chuyển đến Oklahoma và sau đó đến Michigan (họ hiện đang sống ở Fayetteville, New York). Trong những năm thiếu niên, cô từng tham gia và xuất sắc trở thành Hoa hậu tuổi teen Michigan năm 2006. Quá trình học tập ở Đại học Michigan, Nina Davuluri càng chứng tỏ mình xinh đẹp và thông minh khi nhận thêm giải thưởng National Honor Society. Cho nên khi mắc chứng cuồng ăn và lên cân quá độ, Nina cố gắng tìm lại chính mình bằng danh hiệu hiện tạ. Đây là điều mà không mấy người đủ nghị lực để làm được.
Vẻ đẹp Ấn Độ lên ngôi
Dường như vẻ đẹp mới này là cơ hội cho một số người Mỹ chấp nhận miễn cưỡng sự mở rộng thẩm mỹ đa chiều hơn” - Nhà bình luận Richard Rodriguez, tác giả của cuốn sách Brown phát biểu.
Rõ ràng, Nina là một hình mẫu tuyệt vời cho các cô gái trẻ ở Mỹ bởi lâu nay trong mắt họ, “định nghĩa về cái đẹp” thường thông qua những hình mẫu da trắng, tóc vàng, mắt xanh...
Về cơ bản, Nina thách thức các tiêu chuẩn quốc tế về cái đẹp với màu da nâu mà không cần dùng kem tẩy trắng hay phẫu thuật thẩm mỹ cho giống... người Mỹ. Thêm vào đó, Nina cũng rất tự tin với hình thể chưa đáng gọi là chuẩn của mình. Cô đang nối gót Hoa hậu Ấn Độ đẹp nhất thế giới Aishwarya Rai qua dáng dấp thấp tròn, đầy đặn, thấp thoáng vẻ đẹp của phụ nữ thời phục hưng.
Điệu múa Bollywood vui nhộn được Nina mang tới cuộc thi Miss America năm nay.
Dù sao đi nữa, đẹp hay không còn nằm ở mắt nhìn của người đối diện. Thế giới thiếu gì những người đẹp được vinh danh nhưng nhan sắc vẫn bị la ó, phản đối thì Nina cũng không là ngoại lệ. Đồng ý Nina có thể không phải là nhan sắc nổi trội nhưng cô rất thông minh, giàu nghị lực, giàu niềm tin để chạm đến ước mơ của mình. Hơn nữa, sau cuộc thi này, biết đâu người ta sẽ có góc nhìn mới mẻ và khác biệt hơn về vẻ đẹp của nhân loại?
Nếu như lâu nay bạn thiếu đi động lực để giảm cân thì Nina Davuluri chính là hình mẫu diệu kỳ để bạn hướng đến. Chẳng ai có thể tin được việc một người bị rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, cuồng ăn, béo phì với cân nặng 80kg, trầm cảm... chỉ sau 1 năm đã trở thành Hoa hậu Mỹ 2014. Đặc biệt, cô ấy lại là người gốc Ấn và mang cả tinh thần văn hóa Ấn chinh phục người Mỹ.
Nina Davuluri cũng là Hoa hậu Mỹ đầu tiên có dòng máu Ấn Độ trong suốt chiều dài 93 năm của cuộc thi. Á hậu 1 thuộc về Hoa hậu bang California Crystal Lee và Á hậu 2 thuộc về Hoa hậu bang Oklahoma, Kesley Griswold. Ngoài tân Hoa hậu, khán giả năm nay cũng dành nhiều sự để ý đến Hoa hậu bang Kansas, Theresa Vail, khi cô được cho là người trước nhất công khai những hình xăm đáng nể của mình.
Theo Mốt & Cuộc Sống