> Việt Nam Xanh - Hành trình đi tới tương lai
Xin nghỉ hẳn 2 ngày làm dự án để chạy xe đến lâm trường Cường Thịnh. Có lẽ thời gian trôi đi theo tháng năm nên mọi cảnh sắc nơi đây đã thay đổi. Không còn các cánh rừng bạt ngàn như lời kể của ba tôi mà chỉ còn những quả đồi và dãy núi trọc. Một số quả đồi thấp được khoác lên mình bằng những cây nguyên liệu giấy như Tràm bông vàng, bạch đàn hay những đồi chè nhỏ và hầu như chẳng có ai còn nhớ tên lâm trường này nữa mặc dù tôi đã hỏi nhiều người.
May mắn có một chú lớn tuổi sau khi hỏi ông mới cho tôi biết là chẳng còn ai nhớ nữa vì lâm trường này đã không còn tồn tại hơn ba chục năm rồi.
Nói chuyện một hồi hỏi thăm tôi từ đâu đến và cuối cùng hai chú cháu nhận nhau là người quen vì ông ấy là bạn cũ của ba tôi, chú Nguyễn Văn Sửu.
Đầu và miệng của cá Anh Vũ được cấu tạo độc đáo. Ảnh minh họa
Câu chuyện về loài cá trong tấm hình đơn sắc của tôi được đưa ra trong bữa tối thân mật với những món sản vật của vùng đất đã một thời nuôi tôi lớn khôn. Nhìn hình con cá chú Sửu mấy người con trai của chú cho biết là có một loài rất giống loài này ở ở vùng lưu vực nhưng rất hiếm vì chúng thường sống ở vùng nước rất xoáy và nơi gành đá. Cũng đã rất lâu rồi họ không còn cơ hội đánh bắt được loài này nên việc tìm kiếm chắc cũng khó khăn.
Chúng tôi lên kế hoạch ngày mai cho việc tìm kiếm chúng và chú Sửu cũng cử luôn 3 anh con trai tham gia. Họ cũng rất nhiệt tình mời thêm một số ngư dân thường hay chài lưới trong vùng ủng hộ tìm kiếm loài này.
Khi mặt trời còn đang ngái ngủ, làm sương sớm phủ kín mặt con sông Bứa hiền hòa thơ mộng vào những tháng mùa khô. Mùa này những cơn mưa cũng đã ngừng rơi, mặt sông không còn đục ngàu màu đất và dòng nước không còn quá chảy xiết.
Tuy nhiên nhìn dòng sông vẫn còn hung dữ với những người rất thiếu kinh nghiệm sông nước như tôi. Nhưng lòng đam mê luôn là vũ khí giúp tôi vượt qua nhiều thách thức cuộc sống, nên tôi luôn hy vọng và tin tưởng vào kinh nghiệm mình đã có.
Một ngày làm việc cật lực của 6 con người nào chài, nào lưới dăng, trong cái lạnh giá vì ngâm mình trong nước lâu môi ai cũng thâm tím, tay chân thì nhợt nhạt. Chúng tôi trở về trong vô vọng trên tay chì là một ít cá mương sông và một con cá vé khá lớn. Mặc dù không thành công như mong đợi nhưng những hy vọng làm tan biến sự mệt mỏi trong khi đôi tay tôi cũng run lên bần bật vì lạnh và đói.
Ngày hôm sau cũng là một ngày thất bại với chúng tôi mặc dù đã rất nỗ lực. "Bất chợt, một ngư dân reo lên “có cá” . Mẻ lưới kéo lên trong sự vui mừng của mọi người. Tim tôi đập thình thịch. Con cá thon dài, kích cỡ gần như con cá trong hình. Gỡ lưới ra, hóa ra chỉ là một con cá Vé! Đến cuối giờ chiều mà cũng không có gì hơn.
Chúng tôi trở về với một ít cá mương sông và cô cá Vé đi lạc. Tôi chỉ có hai ngày ở đây. Vậy mà, ngày kế tiếp cũng lại là một ngày thất bại.
Có lẽ sự may mắn không mỉm cười với tôi được gặp mặt loài cá tiến vua.
Kỳ tới: Cơ duyên gặp cá Anh Vũ
Huyền thoại về cá Anh Vũ Trong dân gian, cá Anh Vũ liên quan mật thiết tới sông Hát và một loài cây có tên Chiên Đàn. Thời trước, người ta cho rằng sông Hát bắt nguồn từ sông Giang Hán, một chi nhánh của sông Dương Tử, Trung Quốc. Trong lòng sông Hát có một loài cây tên là cây Chiên Đàn cao hàng chục trượng, rễ cây xuyên thông qua sông Giang Hán. Cá Anh Vũ vốn sống ở Giang Hán đã theo rễ cây đi về phía Nam để tới sông Hát. Gắn liền với nguồn gốc huyền bí như vậy, từ đời nhà Trần, nhà Lê, cá Anh Vũ đã được coi là cá tiến thần, tiến Vua. Chỉ đến mãi sau này, người ta mới biết sông Hát là một nhánh của sông Hồng, chứ không phải của sông Giang Hán và cây Chiên Đàn là một loài cây không hề có thật. Nó chỉ là sự tưởng tượng được lưu truyền trong dân gian, để làm linh thiêng thêm vùng đất Phong Châu thời thượng cổ mà thôi. (Biên tập viên tổng hợp) |
Nhóm tác giả Phùng Mỹ Trung - Nguyễn Thị Liên Thương