Về ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình sau những lối đi đầy xương rồng của làng bão Chanchu, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) hỏi đến câu chuyện “cổ tích” đầy cảm động về hành trình đi gieo chữ của cô gái tật nguyền Vương Thị Dung (21 tuổi) ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Sức sống mãnh liệt của “xương rồng”…
Câu chuyện bại liệt kỳ lạ ấy xảy ra cách đây 5 năm, lúc Dung đang học lớp 11, sau một đêm ngủ dậy, Dung không thể cử động được tay chân. Cả phần thân trên cũng mất cảm giác không thể lăn lê được. Khi ấy, Dung chỉ biết ú ớ gọi mẹ. Thấy con gái bỗng dưng bị căn bệnh lạ như thế, bà Trần Thị Đào (60 tuổi, mẹ Dung) hốt hoảng gọi người đưa con đi cấp cứu.
Qua nhiều bệnh viện, các bác sỹ vẫn đã không thể nào đưa ra kết luận với những triệu chứng lạ lùng của Dung. Chỉ biết đó một bệnh lý hiếm gặp là viêm tủy cắt ngang vùng cổ, tổn thương tủy sống, gây mất vận động dưới vùng tổn thương (liệt dưới vùng tổn thương), nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng.
Mẹ Dung, rớt nước mắt khi kể về đứa con gái tội nghiệp của mình.
Hơn nửa năm trời cùng con vật lộn với bệnh tật, Đào không dám cho con biết về tình hình của mình. Thương con, bà đi cầu cứu khắp nơi nhưng y khoa bất lực với căn bệnh này, bà đành đưa con về vì không còn hy vọng.
Khi biết được bệnh tình của mình, Dung đã khóc cạn nước mắt vì tuyệt vọng. Từ một cô gái xinh xắn với nhiều ước mơ, Dung phải nằm liệt giường vì không thể cử động, bao nhiêu hy vọng tan biến hết chỉ sau một đêm ngủ dậy bởi căn bệnh quái ác kia.
Không khuất phục trước số phận, từ chỗ chỉ có thể nằm bất động, toàn thân như cọng bún, các khớp xương tay, chân như rời ra không cử động được; chỉ sau một năm khổ luyện cô đã vượt lên số phận.
Mỗi lần Dung ngồi dậy dạy học đều nhờ đến bàn tay của mẹ.
Với một người liệt toàn thân, chân tay teo tóp, co quắp, không đến lớp được, Dung nghĩ ra cách học qua tivi, nhờ bạn, nhờ mẹ dạy thêm. Vì không thể sử dụng được bút bằng tay, Dung phải tập luyện miệt mài. Những ngày đầu tập luyện như thế, mồ hôi đổ ướt đầm trên cả người mẹ và con. Sau gần 5 thắng nỗ lực không biết mệt mỏi, Dung đã có thể cử động được cánh tay phải. Cứ như thế, sau hơn 5 năm miệt mài luyện tập, thêm cánh tay trái của Dung đã có thể cử động và làm những việc nhỏ được.
“Nhiều khi tay đau lắm, cổ mỏi rã rời, cánh tay thì cứ giật giật khiến con chữ méo mó. Mẹ em xót con lại khuyên thôi, nhưng em quyết tâm nên mẹ đành xuôi theo!” - Dung chia sẻ.
Giấc mơ “cổ tích” của cô giáo “trường làng”
Dung khiến chúng tôi khâm phục khi tự mở lớp dạy học cho những đứa trẻ trong thôn, trong làng mình. Dung bảo: “Học sinh ở nơi khác được đi học thêm, được học nhiều kiến thức. Còn những đứa trẻ ở đây thì ngoài những lúc học trên lớp chẳng biết học thêm ở đâu, mà có thì cũng chẳng có tiền mà học. Thương tụi nhỏ nhà nghèo, em kêu về đây dạy cho chúng. Chúng cũng chịu khó nên đứa nào cũng học được hết!”.
Hỏi ra mới biết, những ngày còn đi học, Dung luôn đứng trong tốp đầu của lớp. Bây giờ truyền đạt lại kiến thức và cách học của mình cho những đứa trẻ trong thôn, trong làng nên cũng không mấy khó khăn gì.
Chiều hay sáng, mái ấm gia đình Dung luôn đầy ắp tiếng học bài của học trò.
Nói về chuyện dạy học, Dung cười thật tươi: “Hồi nhỏ em ước mơ lớn lên làm cô giáo nhưng không được. Thôi thì không được đứng trên bục giảng thì “ngồi” trên bục giảng cũng được miễn sao là ước mơ của em được thực hiện. Giờ em là cô giáo làng rồi”. Lũ trẻ đến học ở nhà Dung bất kể lúc nào từ sáng, trưa, chiều và cả buổi tối. Từ những học sinh lớp 10 hay lớp 1, Dung lấy đó làm vui. Lũ trẻ đến mang theo biết bao câu chuyện bên ngoài, hay trong trường lớp để kể cho Dung nghe.
Dung quan niệm: “Có buồn có khóc thì bệnh tình của em cũng đâu có thể chữa khỏi được nữa. Phải biết chấp nhận mà sống, mà vươn lên chứ! Em bị bệnh thế này cha mẹ em khổ lắm anh ạ!”
Qua tìm hiểu được biết, hoàn cảnh gia đình Dung khá vất vả. Ba Dung mặc dù bị mất một quả thận, sức khỏe rất yếu nhưng ngày ngày vẫn phải ra biển đánh cá để lấy tiền nuôi gia đình. Anh trai Dung lại mắc bệnh tim bẩm sinh, suốt ngày ngất lên ngất xuống. Mẹ Dung một mình phải chăm hai đứa con bệnh tật nên chẳng còn thời gian đi làm kiếm tiền nữa.
Bà Đào thổn thức: “Thấy con quằn quại, vật vã trong những cơn đau vẫn cố gượng mình gieo chữ cho con trẻ vùng quê mà lòng tôi đau như dao cắt. Nếu có thể đánh đổi, tôi nguyện sẽ chịu thay bất hạnh để cho con thực hiện niềm khát khao dạy chữ!”.
Quanh năm suốt tháng, Dung không thể nào thoát li nỗi chiếc giường của mình
Nghe mẹ kể, Dung cũng ngậm ngùi: “Em biết em bệnh tật thế này làm cha mẹ em khổ lắm! Em muốn làm được điều gì đó cho ba mẹ em, em muốn giúp ba mẹ em bớt khổ. Nhưng em có thể làm được gì đâu. Em chỉ biết cầu trời khấn phật cho ba em đi biển bình yên, cho mẹ em được nhiều sức khỏe. Em chỉ cố gắng mong sao được đem con chữ đến cho các em là niềm vui, là động lực để tiếp tục “chiến đấu” với căn bệnh quái ác này!”…
Không những vậy, Dung còn có biệt tài viết văn, làm thơ. Những tác phẩm đầu tay của Dung viết cho riêng mình: “Tôi đã cố gắng hết sức mình chống chọi với bệnh tật và mong rằng sẽ có ngày, tôi chiến thắng bệnh tật. Nhưng tôi không thể chiến thắng được số phận nghiệt ngã của mình." Nhiều bài thơ, bài văn của Dung đã được gửi tới các báo, tạp chí như Thiếu niên Tiền Phong, Hoa học trò, Áo Trắng… nhưng chắc chẳng ai biết những bài viết còn non nớt ấy là cả một sự cố gắng không biết mệt mỏi của một cô gái bị liệt tứ chi .
Những lúc rảnh rỗi, Dung lại tự tay làm hoa giấy, kết lại thành chùm, thành giỏ hoa tặng sinh nhật cho lũ trẻ trong làng, hay cho lớp mẫu giáo gần nhà để lũ trẻ cùng chơi. Những bông hoa giấy Dung làm vô cùng khéo léo, đẹp không thua gì hoa giả bán ngoài chợ. Dung bảo: “Cuộc sống cũng như những bông hoa anh nhỉ. Làm sao cống hiến cho đời vẻ đẹp thì mới đáng chứ!” nói rồi Dung lại cười, nụ cười lạc quan và đẹp khó tả…
Câu chuyện về nghị lực phi thường của cô gái Vương Thị Dung không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã giữa vùng đất cát trắng khô cằn miền biển Quảng Nam là bài học về giá trị cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có hôm nay.
Hà Kiều