Trong tứ đại đèo được dân phượt nhắc đến nhiều nhất ở vùng đất Tây Bắc đầy bí ẩn thì đèo Ô Quy Hồ, con đèo nối hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai với độ dài gần 50km được coi là hùng vĩ nhất, hiểm trở nhất, thử thách nhất, xứng danh "vua đèo" trong cảm quan của các phượt thủ. Vượt đèo, đổ đèo không chỉ là chinh phục mà nó còn là cái thú mê đắm bao tay lái Việt, thậm chí "gây mê" cả những khách du lịch Tây khi đến với Việt Nam. Điều thú vị hơn nữa là trên đỉnh con đèo ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển tưởng chỉ có hun hút gió mây ấy, con người vẫn sống, vẫn mưu sinh tự bao đời.
Huyền thoại đèo... vua
Đã có hứng thú khám phá vùng đất Tây Bắc Việt Nam mà không phượt đèo bằng xe máy thì cũng coi như mất một phần thú vị nhất của cuộc hành trình. Đó là điều không chỉ người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, mà ngay cả những vị khách du lịch nước ngoài khi muốn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của dải đất hình chữ S cũng khẳng định. Với những thông số là đèo dài nhất, nguy hiểm nhất, hùng vĩ nhất, con đèo vắt qua dãy Hoàng Liên Sơn đến nay vẫn là một trải nghiệm đầy thú vị với những ai đã một lần đến và là niềm mơ ước chinh phục trong mắt kẻ chưa có dịp diện kiến.
Nhân một chuyến phượt bụi lên vùng cao Tây Bắc, tôi được anh bạn người Dao là Bàn Sá Lì (SN 1987) ở Tam Đường, Lai Châu chia sẻ: "Đã lên đến Lai Châu mà không phượt đèo Ô Quy Hồ qua Sa Pa, Lào Cai để tận hưởng cảm giác trên "đỉnh trời" có sự giao hòa âm dương thì không xứng là thanh niên Việt Nam". Phần vì tưng tức, phần vì tò mò và cũng sẵn máu phiêu lưu, dù bản thân là con gái, tôi làm bộ, vật nài anh bạn chí cốt hồi còn chung "chiến hào" trên giảng đường đại học dẫn tôi phượt một chuyến cho đã. Và tất nhiên, máu phiêu lưu của tôi đã chạm đúng niềm tự hào quê hương bản tộc của bạn. Một chiếc "min khờ" đã được trùng tu kỹ lưỡng, chai nước khoáng 500ml là tất cả hành trang của chúng tôi khi chinh phục "đèo vua". Lì nháy mắt tinh nghịch bảo tôi: "Đừng lo đói, lên cổng trời ở đỉnh đèo sẽ có tiếp tế".
Tiếng máy nổ giòn tan của "con ngựa sắt" đưa chúng tôi qua một hành trình đầy nguy hiểm. Có những lúc xe bạn lùi về số 1 mà tiếng máy vẫn gầm ì ì bướng bỉnh bò từng mét đường dốc lên. Mệt, cân não qua những khúc quanh tay áo rợn người nhưng với năng khiếu của một hoạt náo viên từ thời còn đi học, Lì đã tranh thủ kể cho tôi nghe khá nhiều những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn.
Một kiểu khí hậu ướt mưa sương của 1/3 đèo còn lại thuộc địa phận tỉnh Lào Cai. (Thường xuyên có khí hậu đối nghịch nhau ở con đèo huyền thoại Ô Quy Hồ). Ảnh: Thu Dương.
Theo lời Lì, đèo xưa có tên là đèo Hoàng Liên, hay là đèo Hoàng Liên Sơn, bởi con đèo như dải lụa vắt vẻo ngang qua dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có nóc nhà Đông Dương là đỉnh Phan Xi Păng ngự trị. Các cụ cao niên trong bản thường truyền tai con cháu đời sau câu chuyện về những con "hổ thần" ẩn mình quanh đèo vắng. Theo đó, từ thời xa xưa khi con đường chưa đổ bê tông, trải nhựa như bây giờ, khắp vùng là núi... hoang sơ. Nhiều người kiếm củi ngang qua khu vực vách núi này bắt gặp từng đàn hổ gầm rú đến khiếp sợ. Mỗi năm nếu bản không tự động cống nạp một thanh niên trai tráng chưa vợ cho "thần hổ" thì "thần hổ" sẽ phái cả bầy đàn xuống bản bắt người làm đồ tế lễ.
Ngày đó, tại bản, ngay dưới chân đèo có một đôi nam nữ yêu nhau say đắm mà đúng năm đó, thanh niên trai tráng trong làng đã không còn người để cống nạp nữa. Tình yêu của đôi trẻ khiến người bản không nỡ cắt sợi duyên trời se. Đến ngày mang lễ vật cống hổ, người bản xúi đôi trai gái chạy trốn đi thật xa để lũ hổ không tìm thấy được. Thế nhưng, định mệnh như bắt họ phải ở mãi nơi đây với con đèo huyền thoại. Lũ hổ đã tìm thấy và càm đôi nam nữ lên đỉnh đèo cao...
Sau tiếng đàn hổ gầm rú vang dậy tứ phương, khác với mọi khi, người ta thấy trời bỗng dưng đổ mưa tầm tã suốt cả ngày. Buổi đêm, người bản lại thấy trên đỉnh đèo bừng lên một nguồn sáng rực cả một góc rừng. Ngày hôm sau, không thấy dấu tích của đàn hổ dữ. Tại địa điểm đỉnh đèo, nơi xưa nay diễn ra những cuộc hành xử rùng rợn của đàn hổ với vật phẩm cúng tế, người ta thấy xuất hiện đôi chim Ô Quy Hồ cứ quấn quýt lấy nhau cả ngày lẫn đêm.
Người dân nơi đây cho rằng, đôi chim đó là hiện thân của đôi trai gái yêu nhau không đến được với nhau vì sự man rợ của "hổ thần". Cũng từ khi đôi chim xuất hiện, không bao giờ người ta còn thấy hổ bắt người trên con đèo hoang vu này nữa. Cuộc sống của người dân nhờ đó mà bình yên, có thể khai hoang sinh sống quanh khu vực đèo. Để tưởng nhớ và cảm ơn đôi trai gái đã "hy sinh" vì sự bình yên của dân bản, người ta bắt đầu gọi con đèo là đèo Ô Quy Hồ.
Sức sống bền bỉ nơi đỉnh đèo vua
Câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí của Lì khiến tôi quên đi cái cảm giác rùng rợn khi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, và trước mắt là những khúc cua tay áo đến chóng mặt. Khi đã đi qua gần 30km vượt đèo dốc liên tục, Lì dừng chân ở một bãi đất rộng, nhìn lại phía sau là biển mây trắng bồng bềnh trôi. Cái nắng hè rực sáng cả một cung đường nhỏ xíu vắt ngang qua dãy Hoàng Liên như nét chấm phá điệu nghệ của người họa sĩ trong bức tranh núi rừng. Lì kéo tôi vào vệ đường nơi có một quán lá lụp xụp với một người phụ nữ đứng tuổi bày trước mặt mình một lò than hồng lửa, bên trên có những bắp ngô đang cháy sém cùng trứng, khoai và một vài loại nước ngọt khác.
Mang tiếng là học cùng nhau 4 năm nhưng đây là lần tiên tôi gặp mẹ Lì. Tôi bất ngờ và hạnh phúc lây lan khi thấy Lì nhìn mẹ yêu mến. Thì ra, cái nháy mắt "tiếp tế" của Lì là đây. Mẹ Lì không nói sõi tiếng Kinh nên tôi và bà phải giao tiếp với nhau qua người phiên dịch là Lì. Gia đình Lì đã "canh tác" đất buôn bán ở đỉnh đèo này từ khi con đường được mở.
Nhiều năm nay, mỗi sáng, bố Lì chở mẹ Lì vượt chặng đường đèo mà tôi vừa mới đi qua mang theo những mặt hàng cần thiết lên bán để mưu sinh. Ngày gặp khách, trừ hết chi phí đi cũng kiếm năm ba chục nghìn bỏ túi, phải ngày mưa gió thì coi như đi du lịch đèo. Khi xưa, bố Lì là người đầu tiên khai mở hàng quán ở đỉnh đèo thì làm ăn cũng khá. Anh em Lì đều được lớn lên, được ăn học từ gánh hàng rong vượt đèo của cha mẹ. Vài năm trở lại đây, nhiều người cũng tìm kế mưu sinh giống nhà Lì nên hàng họ ế ẩm nhiều. Nhưng khổ một nỗi, dưới bản ruộng ít lại cằn, nên mưu sinh nhờ khách du lịch ngang qua ở đỉnh đèo cũng là cách để thoát đói. Lì cười, cho tôi biết: "Mấy năm trước khi chưa có xe máy, bố mẹ mình toàn gánh bộ mang đồ lên bán đấy".
Tôi mang theo sự ngạc nhiên và khâm phục sức sống bền bỉ của người vùng cao, như gia đình Lì, theo cậu chinh phục 1/3 đoạn đèo còn lại. Chỉ cách điểm cổng trời nơi mẹ Lì bán hàng một vòng cua núi, xe chúng tôi ùa vào một vùng sương mờ bảng lảng, lạnh buốt người, phải dừng xe mặc thêm áo mưa mới giữ ấm người để đi tiếp được. Lì bảo, ở con đèo này thường xuyên tồn tại hai kiểu thời tiết đối nghịch nhau. Chỉ cách nhau một khúc quanh núi mà thời tiết đã phân định rõ ràng.
Phía đèo mạn Lào Cai thường lạnh và mù sương, khác hẳn với cái nắng nóng đốt cơ thể phía đèo mạn Lai Châu. Đỉnh trời theo quan niệm của người dân nơi đây là nơi giao thoa giữa trời và đất, âm và dương. Như thế, cái lạnh phía Lào Cai bằng 1/3 quãng đường đèo biểu thị cho phần âm yếu ớt như đức tin muôn đời của người bản rằng cái ác sẽ chỉ là một phần âm rất nhỏ. Điều tốt luôn tồn tại đánh bật cái ác. Như tình yêu của đôi nam nữ năm xưa lẩn khuất trong tiếng kêu da diết của chim Ô Quy Hồ, nhắc nhở rằng: Cái tốt đẹp sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian!
Thu Dương - Trinh Phúc