Vào những năm 1999, ông Bảy Ánh bắt đầu biết đến mô hình nuôi cá chình thông qua một người quen cũng là thương lái thu mua cá. Do vậy, ông đánh liều đào một ao nuôi thử. Lúc này, ở Cà Mau hầu như chưa có ai nuôi loài cá xa lạ này.
Mặc dù chịu sự ngăn cản lớn của vợ nhưng ông Ánh vẫn quyết bán 100 giạ lúa để mua 400 con cá chình giống về nuôi thử nghiệm. Do có sẵn kinh nghiệm từ việc nuôi cá bống tượng nên ông không gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi cá chình.
Sau 18 tháng thả nuôi, ông tát ao bán được 330 con cá chình với trọng lượng từ 1-3 kg/con. Ông thu về 65 triệu đồng. Sau đó, ông Ánh trích ra 40 triệu đồng tiền lãi từ vụ nuôi thử nghiệm thuê cơ giới đào thêm 8 ao mới và bắt con giống về thả nuôi. Hiệu quả đem lại quá lớn đã khiến không ít người ngỡ ngàng và thán phục.
Những năm sau đó, thấy mô hình hiệu quả nhiều người địa phương đã phát triển nuôi cá chình. Đến giai đoạn 2014-2015, nuôi cá chình trở thành một phong trào có tiếng ở địa phương. Trong đó, không ít người vươn lên làm giàu, những ngôi nhà kiên cố được mọc lên chỉ sau hai đến ba vụ nuôi cá chình thành công.
Có được nguồn vốn từ nhiều năm nuôi cá chình, năm 2019, ông Ánh quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua 5,5ha đất tại ấp 3, xã Tân Thành để xây dựng lại mô hình. Ở đây, ông Ánh thuê cơ giới đào 30 ao (800m2/ao) và bắt cá chình giống về nuôi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm ông Ánh thu lãi hơn từ 1,3-1,5 tỷ đồng.
Trải qua hơn 22 năm gắn bó với con cá chình với nhiều thăng trầm, hơn ai hết ông Ánh hiểu rõ, để có được “trái ngọt” người nông dân cần sự kiên trì. Đã có lúc sản lượng cá chình ở địa phương vượt nhu cầu, giá cả bấp bênh, nhưng chính nhờ kinh nghiệm và cái tâm với con đường đã chọn, ông Ánh đã vượt qua và trụ vững.
Theo ông Ánh, cá chình rất ít bệnh, dễ nuôi, thức ăn loài này chủ yếu là cá tạp có nhiều tại địa phương như cá phi. Nhưng nếu không chú ý thì người nuôi cũng dễ thua lỗ, bởi con giống có giá cao, cá nuôi trong thời gian dài mới thu hoạch được.
“Trước khi thả giống, nông dân cần chú ý cải tạo ao tốt. Ao sau khi đào thì lấy nước vô ngâm khoảng 15-20 ngày, sau đó tát nước bỏ lấy nước mới vào. Kế đó, phải xử lý nước bằng vôi bột và sát khuẩn. Kể từ lúc đào ao đến khi thả giống phải từ 25 ngày và mực nước để nuôi cá chình là khoảng 1,6m”, ông Ánh lưu ý.
Ngoài nuôi cá chình, trên phần đất của gia đình, hiện ông Ánh đang trồng 600 cây dừa, 150 cây sa pô và hơn 50 cây xoài. Đây sẽ là những nguồn thu trong tương lai để ông Ánh lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục đầu tư vào nuôi cá chình.
Trung bình 1kg cá chình thương phẩm sẽ tốn khoảng 10kg cá thức ăn. Nếu chăm sóc tốt, cứ bán 1kg cá chình người nuôi có thể thu lãi từ 50-60%. Hiện cá chình thương phẩm đang được thương lái địa phương thu mua với giá từ 400.000-420.000 đồng/kg.
Theo ông Phan Tấn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thành, hiện toàn xã có hơn 7ha nuôi cá chình. Tuy nhiên, hiệu quả cao nhất là mô hình của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Ánh.
Nhờ loài cá trên mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nông dân bớt nỗi lo được mùa mất giá.