Hành trình lập kỷ lục guiness của chàng trai khiếm thính

Hành trình lập kỷ lục guiness của chàng trai khiếm thính

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Nằm giữa những gian trưng bày lung linh màu sắc của nhiều cửa hàng giới thiệu gốm sang trọng khác, căn phòng nhỏ bài trí các sản phẩm "chẳng giống ai" của Phạm Anh Đạo luôn đông khách tham quan.

Kiếm được vợ từ nghề gốm

Bệnh tật đã cướp đi đôi tai của Phạm Anh Đạo nhưng có lẽ ông trời thương cảm bù lại cho anh khối óc và đôi tay như có "phép thuật". Từ những cục đất vô tri vô giác đã được bàn tay của anh thổi hồn vào, tạo nên tiếng nói sinh động cho gốm. Những sản phẩm của anh được người ta đánh giá là hàng hiếm ở cái xã hội công nghiệp hóa này. Điều đặc biệt, dù chính bàn tay anh thiết kế nhưng chưa bao giờ có chuyện hai sản phẩm giống nhau.

Sự kiện - Hành trình lập kỷ lục guiness của chàng trai khiếm thính

Anh Đạo thể hiện kỹ năng vuốt gốm bằng tay.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Trinh (vợ anh Đạo) cho biết, anh Phạm Anh Đạo sinh năm 1977, trong một gia đình có truyền thống làm gốm ở Bát Tràng. Từ khi lọt lòng mẹ, cậu bé quê gốm đã chịu những cơn ốm đau dai dẳng hành hạ. Có lẽ, cái ngày ấy, chính những liều kháng sinh nặng đã cứu anh Đạo thoát khỏi tay "tử thần" nhưng cũng chính nó đã cướp đi đôi tai của cậu bé.

Anh Đạo tâm sự: "Tôi có một cậu em sinh đôi tên Đức. Lúc mới sinh, tôi và Đức mỗi người chỉ nặng 1,5kg. Tôi yếu hơn nên ốm đau triền miên. Có lúc, bố mẹ đã phải chuẩn bị hậu sự sẵn cho tôi. Tôi sống qua được cái giai đoạn đó cũng là một kỳ tích". Học hết tiểu học, Phạm Anh Đạo phải từ bỏ sách vở vì tai anh không thể nghe tiếng cô giáo và không theo kịp được các bạn cùng trang lứa. Thế rồi, anh ở nhà làm bạn với những cục đất và các sản phẩm gốm.

Cuộc sống của anh bắt đầu bằng công việc làm thuê cho những người khá giả. Năm 18 tuổi, chàng trai khiếm thính xin làm thuê ở Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng và được nhận vào công việc đúc khuôn gốm. Trái với người khác chỉ học cách ốp khuôn tạo ra hàng loạt sản phẩm, Phạm Anh Đạo học cách vuốt nặn gốm bằng tay.

Sau này, Phạm Anh Đạo được bố mẹ mở cho một xưởng gốm ngay tại nhà. Chị Trinh cho biết, ngày ấy, người dân Bát Tràng đua nhau mua máy móc về để đúc gốm hàng loạt. Riêng chồng chị chỉ cắm cúi nặn nặn vuốt vuốt các sản phẩm bằng tay. Điều này khiến không ít người cười mỉa mai chàng trai khiếm thính.

Họ cho rằng, Phạm Anh Đạo không biết các kinh doanh và sẽ sớm phải bỏ nghề. Nhìn cậu con trai mặt mũi lấm lem bùn đất, cha mẹ anh đau lòng lắm. Nhưng khuyên nhủ thế nào cũng không được nên họ lặång thầm nhìn con trai thực hiện sở thích của mình.

Rồi những sản phẩm tinh hoa của Phạm Anh Đạo cứ thế nối tiếp nhau ra đời. Người dân trong vùng đều nghe danh chàng trai khiếm thính duy nhất trong làng còn vuốt nặn gốm bằng tay. Cũng chính từ đây, chàng trai khiếm thính đã tìm được hạnh phúc trọn đời từ cái nghề của mình.

"Nhìn những chiếc bình hoa, chậu cảnh của anh, tôi như bị hút hồn. Tôi mê mẩn những tác phẩm ấy từ lần đầu tiên nhìn thấy. Tôi chủ động tiến đến làm quen với anh. Rồi không biết chúng tôi nảy sinh tình cảm từ lúc nào. Sau đó không lâu, chúng tôi trở thành vợ chồng trong sự ngạc nhiên và vui mừng của làng xóm", chị Trinh tâm sự.

Sự kiện - Hành trình lập kỷ lục guiness của chàng trai khiếm thính (Hình 2).

Hai chiếc chóe "khổng lồ" của vợ chồng anh Đạo.

6 đêm thức trắng "canh" hai chiếc chóe khổng lồ

Chúng tôi đến nhà anh Đạo đúng vào lúc có ba vị khách từ Sài Gòn đến mua hai chiếc chóe nằm trong sách kỷ lục guiness Việt Nam mà anh Đạo tự tay thiết kế và vuốt nặn. Được biết, đây là sản phẩm anh thực hiện để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đã hai năm kể từ ngày sản phẩm này ra lò và đã có rất nhiều khách hàng đến đặt mua chiếc chóe này của anh. Tuy nhiên, khách đã trả hàng trăm triệu đồng nhưng anh chị vẫn không bán.

Chị Trinh cho biết, chào mừng Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội, anh Đạo có 5 sản phẩm, gồm hai chiếc chóe, hai lọ lục bình và một chiếc bát hương lớn. Mỗi chiếc chóe có trọng lượng khoảng 5 tạ, chiều cao 1,95m, đường kính gần 1,2 mét. Khi mang đến triển lãm, anh Đạo phải thuê mười người mới có thể khiêng được hai chiếc chóe này đặt lên kệ.

Được biết, tất cả những sản phẩm này hoàn toàn được vuốt nặn bằng tay trong 10 tháng trời. Khi chúng ra lò cũng đồng nghĩa với việc anh chị phải bỏ gần 250 triệu đồng. Được biết, đây là số tiền mà hai vợ chồng anh Đạo phải đi vay mượn mới có được.

Anh Đạo vui vẻ giới thiệu cho chúng tôi về ý tưởng của những họa tiết trên hai chiếc chóe "khổng lồ". "Trước đó, để vẽ hình rồng, tứ linh trên hai chiếc chóe, tôi phải tham khảo từ rất nhiều nơi và mất mấy tháng trời mới hoàn thành. Theo tôi được biết, ở Việt Nam, đây là hai chiếc chóe được vuốt nặn bằng tay lớn nhất", anh Đạo kể lại. Anh Đạo nói đùa, đây là những sản phẩm mình đặt tên là "sáu ngày không ngủ".

Bởi vì hai vợ chồng phải thức trắng sáu ngày đêm để canh lò nung. Riêng tiền gas để nung 5 sản phẩm này đã lên đến gần 40 triệu đồng. Hôm nung thành công, cả làng đổ xô đến nhà anh Đạo xem hai tác phẩm "kỷ lục", độc nhất vô nhị này.

Từng được mời sang Nhật làm giáo viên

Chị Trinh nhớ lại, năm 2003, chị bị động thai và gọi anh Đạo chở đến trạm xá. Khi chở vợ qua một ngôi chùa, nhìn thấy hai con rồng được các nghệ nhân trang trí rất đẹp, anh Đạo đã dừng xe lại. Mặc kệ cho vợ đứng đấy, anh chạy xuống nhìn chằm chằm vào hai con rồng hàng giờ đồng hồ. Biết chồng đã ham cái gì thì không thể cản nổi nên chị ra ngoài thuê xe ôm tự đến trạm xá. Đến bây giờ, câu chuyện này vẫn được chị Trinh nhắc đi nhắc lại như một điển tích về sự đam mê của chồng. Hay câu chuyện, một đêm đông trời lạnh căm căm, hai vợ chồng đang nằm trong chăn thì bỗng nhiên anh Đạo bật dậy. Anh chạy xuống xưởng gốm lôi đất ra đặt lên bàn xoay nặn nặn, vuốt vuốt. Yêu chồng, chị đành phải yêu những thói quen, sở thích chẳng giống ai của anh.

Chị Trinh cho biết, vì là người khiếm thính nên sự nghiệp của anh Đạo cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trước đây, có một doanh nhân trong ngành gốm Nhật Bản đến Bát Tràng du lịch. Ông ấy "chết mê chết mệt" trước những sản phẩm của anh Đạo. Một thời gian sau, ông doanh nhân này quay lại mời anh Đạo sang Nhật làm giáo viên dạy nghề cho một trường dạy vuốt gốm ở bên ấy.

Nhưng biết trước được anh khiếm thính sẽ rất khó khăn trong việc giao tiếp nên gia đình chị chủ động từ chối. Hiện nay, trong cuộc sống cũng như công việc, chị Trinh vừa là vợ, vừa tai vừa là miệng của chồng.

Nói chuyện với chúng tôi, anh Đạo cho biết, khách tham quan thích thú phong cách vuốt gốm bằng tay của anh ở chỗ, cùng một thời điểm, cùng một người, cùng chất đất... nhưng không thể nào vuốt, nặn được ra hai sản phẩm giống hệt nhau như máy móc. Có khi cái này cao hơn nhưng lại không dày bằng cái kia... Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của vuốt gốm bằng tay và làm gốm bằng máy.

Chị Trinh tự hào khoe, năm 2008, hãng cà phê Trung Nguyên đến tận nhà thuê anh Phạm Anh Đạo nặn giúp 10 mẫu tách uống cà phê. Những mẫu này được hãng cà phê thuê người thiết kế sẵn. Sau khi vuốt nặn xong 10 mẫu tách theo thiết kế của họ, anh Đạo tự mình sáng tạo ra 10 mẫu mới. Nhìn thấy những sản phẩm mà Phạm Anh Đạo sáng tạo, hãng cà phê Trung Nguyên đổi ý. Họ lập tức hủy bỏ những mẫu mà họ thuê thiết kế trước đó và làm hợp đồng gần 30.000 chiếc tách cà phê với vợ chồng anh Đạo.

Chỉ trong vòng 9 tháng, anh Đạo đã hoàn thành bản hợp đồng này. Điều đặc biệt là trong 30.000 chiếc tách do chính tay anh làm, không chiếc nào giống hoàn toàn chiếc nào.

Phương Phương


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.