Hóa ra nơi đây có rất nhiều dấu ấn của người Việt năm xưa, ngoài khu mộ hoang được xem là của người Việt, còn có các miếu, đền, chùa, tượng cùng các câu chuyện nói về người Việt nơi viễn xứ. Đặc biệt, điều đáng nói là người mang họ Hồ quần cư vùng Lão Hổ Sơn rất nhiều. Liệu trong số ấy có ai là con cháu dòng người biệt xứ 600 năm trước?
Biệt tích nơi xa xứ
Như nhà khảo cổ lão thành tâm sự, tâm nguyện hơn nửa cuộc đời ông không phải duy nhất là đi tìm mộ vua Hồ Quý Ly, mà còn là tìm lại dấu tích đoàn người Việt bị quân Minh bắt làm tù binh từ hơn 600 năm trước, cùng những anh hùng vị quốc lưu lạc nơi xứ người. Sử sách ta chỉ nhắc đến chuyện nhà Hồ thất thủ, như là một cuộc "cưỡng chế" tù nhân lớn trong lịch sử. Nói đúng hơn là sử ta cũng chỉ "theo" bước chân đoàn người đến ngang ải Nam Quan (tỉnh Lạng Sơn xưa) mà thôi.
Hình ảnh chia ly, biểu tượng cho cuộc đại biến đã đi vào lịch sử ấy là cảnh người thanh niên Nguyễn Trãi tuổi 20, bất lực khóc tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh khuất sâu sau ải Nam Quan. Người cha mang nỗi niềm vong quốc ngoảnh lại mà dặn rằng: "Con hãy quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu".
Ông Đỗ Đình Truật chụp ảnh kỷ niệm tại Trung Quốc
Sau khi bị giải qua bên kia biên giới, tuyệt nhiên 16 vạn tù binh (vì có nhiều số liệu khác nhau nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi tạm lấy con số của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật - PV) không còn rõ tung tích. Họ sống, chết... ở đâu không ai hay biết. Sau này, qua những sử sách nhà Minh chúng ta mới hay, đoàn người khổ sai vua tôi lẫn lộn ấy bị bắt đi lính, đi phu, đi xây thành đắp lũy và chết một cách vô danh nhiều nơi trên mảnh đất Trung Hoa đại lục. Chỉ một số rất ít người tài giỏi được sử dụng, cho lấy vợ, sinh con, còn đại đa số đều bị chúng dùng mọi biện pháp triệt sản để ngăn chặn nòi giống (diễn theo ý nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật).
Cụ thể, như vua Hồ Hán Thương được chúng trọng dụng, phong một chức quan, chuyên trách về việc giảng Kinh dịch cho quan lại nhà Minh ở Nam Kinh; Hồ Nguyên Trừng người được chúng gọi là Thần, vì phát minh ra súng thần cơ, phong cho chức quan Bộ công chuyên trách về chế tạo súng, đạn thuộc Công bộ thượng thư. Ông được lấy vợ và sinh con là Lê Thúc Lâm (1401-1470, khi sang Trung Quốc, họ Hồ bị đổi sang họ Lê) nối nghiệp cha.
Về điều này thì bộ Minh sử tân hiệu bản (của Academia Sinica, Đài Loan) ghi: "Năm thứ 10 Ất Sửu 1445, Lê Trừng, vương tử An Nam, nhậm chức Công bộ thương thư vào tháng 6, chuyên lo cung cấp các thứ đồ dùng cho nội phủ, đến Bính Dần, năm thứ 11, tháng 7, Trừng chết. Ngoài ra thì kiến trúc sư thiên tài Nguyễn An (1381-1453) là tù binh bị "thiến" làm thái giám, trở thành vị kiến trúc sư nổi tiếng thời Minh Thành Tổ. Ông được phong là kiến trúc sư trưởng thành Bắc Kinh, tác giả của các công trình thời nhà Minh, được vua Minh rất nể phục".
Nhà sử học Trương Tú Dân (Đài Loan, từng làm việc tại Thư viện Bắc Kinh, nơi lưu giữ tài liệu về Nguyễn An) cho rằng, Minh sử không nói tường tận về vua Hồ Quý Ly, mà chỉ sơ lược rằng, Hồ Quý Ly bị bắt đi đày ở Quảng Tây làm lính, để hợp thức hóa cái chết của ông. Tuy nhiên theo tài liệu của Chúc Doãn Minh (1460-1526, thi nhân nhà Minh) thì Hồ Quý Ly chết năm 84 tuổi, chôn tại ngoại thành Nam Kinh, nơi Hồ Nguyên Trừng làm quan chứ không bị giết chết vào năm 1407, vì một lẽ, ông là con tin để nhà Minh bắt con trai thiên tài Hồ Nguyên Trừng cống hiến cho Công bộ, chuyên về sản xuất quân nhu.
Những dòng sơ lược về quan, quân nhà Hồ sau khi bị bắt sang Trung Quốc để thấy rằng dã tâm giặc Minh hết sức thâm độc. Bằng cách nào đó, chúng đã bóc lột chất xám của những người có khả năng cống hiến, còn lại tất cả chúng xem như những người vô danh, chết đi không để lại một dòng tiểu sử, trong đó Hồ Quý Ly là một ví dụ.
Trăn trở còn vương
Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật bảo, những năm tháng đi tìm mộ Hồ Quý Ly ở Trung Quốc không khác gì "mò kim đáy bể". Tuy nhiên, cũng chính vì điều đó mà ông khám phá ra rất nhiều điều. Tại Quảng Tây, nơi hơn nửa thế kỷ trước ông và GS. Trần Văn Giáp nghi là có mộ vua Hồ Quý Ly, chính ông đã lần ra mộ của Nguyễn Thiện Thuật (nhà chí sỹ của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Hưng Yên, năm 1892, phiêu dạt sang Trung Quốc và mất tại đây - PV).
Cũng chính ông Truật là người giúp đưa di mộ Nguyễn Thiện Thuật về tỉnh Hưng Yên, rồi "kỷ niệm" một bài điếu văn ngay bên bia mộ. Tại đất Nam Kinh, cách Quảng Tây hơn 2.000 km ông đã khám phá ra nhiều bí mật lịch sử bất ngờ, ông căn cứ vào sử liệu và lần theo dấu chân khổ ải của đoàn người năm xưa.
Vùng Lão Hổ Sơn, nơi có hàng ngàn ngôi mộ hoang được cho là của người Việt bị đày
Ông Truật đưa cho tôi bức ảnh chụp một khúc sông mênh mông rộng lớn. Đây là bức ảnh có được sau khi ông tận bước đến hạ nguồn sông Hoàng Phố (TP. Thượng Hải). Khi đứng ở đây, ông không khỏi bùi ngùi, không biết trên khúc sông này nắm xương tàn ai đó trong đoàn người bị rơi rớt?. Tiếp tục ngược lên Bắc Kinh, ông đến Vạn Lý Trường Thành, rồi khám phá ra câu chuyện vị tướng Lý Ông Trọng thời An Dương Vương, được Tần Thủy Hoàng kính nể.
Ông Truật kể: "Khi tôi đến Vạn Lý Trường Thành tìm dấu tích của phu người Việt bị đày đi xây thành, thì được nghe câu chuyện của một hướng dẫn viên Trung Quốc. Người này bảo, trên thành từng có một ngôi tượng rất vĩ đại của người Việt, khi hỏi tên thì người này nói giọng lơ lớ ý chỉ Lý Ông Trọng". Ông Truật lần lại lịch sử hóa ra đó là nhân vật Lý Ông Trọng thời Thục An Dương Vương, đây là một nhân vật đại tài, được cử đi sứ ở nước Tần. Lúc này biên giới Tần bị quân Hung Nô (Mông Cổ) ở phía Bắc sang xâm lược, vua Tần phải gấp xây thành Vạn Lý, mặt khác nhờ Lý Ông Trọng ra trấn giữ. Nể tình, Lý Ông Trọng bao phen dẫn quân đi đánh làm bọn giặc Hung Nô khiếp vía.
Dù được vua Tần trọng dụng, ban vàng bạc thế nhưng khắc khoải nhớ về quê hương nên Lý Ông Trọng xin về nước. Thấy vắng bóng Lý Ông Trọng, bọn Hung Nô lại ngóc đầu xâm lược, vua Tần lại sai sứ sang nước ta mời sang giúp chống giặc. Vua nước ta vờ Lý Ông Trọng đã chết, nên từ chối. Nghe tin sứ giả về tâu, vua Tần thương tiếc mà đúc một pho tượng khổng lồ ngay trên Vạn Lý Trường Thành, nhìn về phương Bắc.
Người hướng dẫn viên này còn kể cho ông Truật rằng, bức tượng lớn đến nỗi nhiều người chui vào được, bên trong có cót cử động chân tay. Tượng trụ đến những năm 60 của thế kỷ 20, thì bị tàn phá trong cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc. Ông còn thăm bãi trưng bày súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng bày ở một góc thành Bắc Kinh; thăm chiếc thước phong thủy mà Cao Lỗ dùng để xây thành Cổ Loa thời An Dương Vương, không hiểu sao lại có ở Bắc Kinh. Chính chiếc thước đó đã góp phần vào việc xây thành Bắc Kinh. Rồi ông còn được nghe kể rằng, ở một ngôi chùa tại Quảng Đông có thờ Mỵ Châu nhưng chưa có cơ hội đến...
Điều đặc biệt, những chuyến điền dã tại núi Lão Hổ Sơn, ông Truật gặp rất nhiều người mang họ Hồ. Qua tìm hiểu với những vị bô lão, thì được biết rằng, trước kia khu mộ hoang ở Lão Hổ Sơn có một chiếc mộ rất lớn, người dân họ Hồ thường đến hương khói, lễ cúng rất linh đình. Nhưng tiếc thay, những năm đầu thế kỷ, khi Nhật Hoàng chiếm Trung Quốc, khu mộ bị phá làm công sự, nên đã bị phá hoàn toàn, dấu tích nay đã không còn. Nhưng theo ông nhận định, nếu có điều kiện khai quật thì chắc chắn sẽ còn dưới lòng đất. Cũng tại đây, ông đã gặp ngôi mộ của Hồ Văn Hải, chôn cùng quần mộ vô chủ này, ông đoán, có thể đây là ngôi mộ thuộc dòng dõi họ Hồ đã nằm xuống từ 600 năm trước.
Ông Truật thẳng thắn thừa nhận, dù chưa thể tìm ra được tung tích mộ vua Hồ Quý Ly, nhưng đó là cơ sở cần thiết để có những chuyến đi sau này. Chưa ngày nào ông thôi khát vọng được trở lại Lão Hổ Sơn, để tiếp tục lần theo dấu tiền nhân. Giờ chân ông đã yếu, mắt đã mờ, bởi căn bệnh ung thư vòm họng nhưng ông vẫn hy vọng, một ngày nào đó hậu thế sẽ có người sẽ tiếp bước con đường ông đang dang dở.
Câu hỏi lịch sử Hơn nửa cuộc đời tìm hiểu về họ Hồ, vua Hồ Quý Ly, thế nhưng cho đến nay nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật vẫn luôn đau đáu với một câu hỏi mà chưa thể giải mã. Đó là, đến khi Lê Lợi đánh đuổi được quân Minh xâm lược năm 1427 là tròn 20 năm chúng ta bị đô hộ. Sử sách ca ngợi rất nhiều về chiến thắng vang dội này, trong đó vai trò của Nguyễn Trãi và Lê Lợi trong việc khiến quân Minh phải tâm phục khẩu phục. Ngày 27/12/1427, trước khi giặc Minh rút đi, chúng ta đã nhân đạo trao trả toàn bộ tù binh, cấp phương tiện cho về nước. Vậy mà tại sao phía Đại Việt không yêu cầu nhà Minh trao trả 16 ngàn tù binh gồm vua, quan, nhân tài cách đó 20 năm? Không những thế, trong đó có Nguyễn Trãi là nhân chứng của sự chia ly đầy hận thù năm 1407, sao không nhắc đến mối thù cha? Đó là những câu hỏi mang tính lịch sử mà hậu thế chúng ta cần phải giải mã. |
Kỳ Anh
(còn nữa)